Tiềm ẩn rủi ro cho người mua nhà
Thực trạng dự án “ma”, chủ đầu tư kém năng lực tài chính, khu đất vướng pháp lý…, nhưng nhiều chủ đầu tư vẫn triển khai và rao bán, huy động vốn trái phép. Hệ quả có những dự án có đến hàng trăm khách hàng bị lừa, để rồi khi cơ quan chức năng vào cuộc điều tra thì mọi việc mới vỡ lẽ. Khách hàng khi nhận ra đúng bản chất vấn đề thì đã muộn. Số tiền bỏ ra mua sản phẩm nhà xem như đã bỏ “xuống sông xuống biển”.
Còn những dự án triển khai đúng tiến độ thì khi nhận được căn hộ diện tích có đúng như hợp đồng mua bán kí không, có đầy đủ pháp lý không, khi có tranh chấp với chủ đầu tư thì ai đứng ra xử lý?. Hiện nay, có không ít dự án sau khi bàn giao chủ đầu tư đòi thêm tiền, bởi căn hộ tăng thêm diện tích. Vụ việc xảy ra, khách hàng và chủ đầu tư tranh cãi nãy lửa. Để rồi cả hai dắt nhau ra tòa phân định đúng sai.
Pháp lý không rõ ràng, khi xảy ra tranh chấp, khách hàng vẫn là người chịu thiệt (Ảnh minh họa) |
Tại TP.HCM, nhan nhản nhiều chủ đầu tư chiếm dụng vốn của khách hàng xong thì xây dựng chậm tiến độ, thậm chí để dự án nằm “phơi mưa phơi nắng”. Hay khi khách hàng nhận nhà không đúng với diện tích trong hợp đồng, nhiều năm an cư nhưng vẫn chưa có giấy chủ quyền nhà.
Chị Hòa (43 tuổi, một cư dân đang sinh sống tại một chung cư ở quận Thủ Đức, TP.HCM) chia sẻ: “Gia đình tôi tích góp gần 15 năm mới sở hữu được nhà. Thoát khỏi việc nhà thuê nhà mướn mình sung sướng lắm. Nhưng khỏa lấp xong nỗi lo này thì nỗi lo khác ập tới.
Gần 4 năm qua, chúng tôi vẫn chưa nhận được giấy chủ quyền, chủ đầu tư thì không minh bạch trong việc giao tiền phí bảo trì. Khi đi mua nhà, chúng tôi đặt niềm tin vào chủ đầu tư, không có tư vấn chuyên gia để bảo vệ quyền lợi cho mình ngay từ đầu. Thật sự khi xảy ra tranh chấp thì không biết bấu víu vào đâu để bảo vệ quyền lợi cho mình”.
Cần trang bị hành trang pháp lý
Ông Trần Hoàng Hải - Phó Hiệu trưởng Phụ trách Trường Đại học Luật TP.HCM cho biết: “Nhà chung cư, bất động sản (BĐS) luôn được xã hội quan tâm, vì vấn đề này gắn chặt với cuộc sống của mỗi người. Trong những năm gần đây, thị trường BĐS, trong đó có chung cư, diễn ra sôi động. Tuy nhiên, đã phát sinh nhiều vấn đề gây nhiều tranh cãi như: Diện tích căn hộ, nhà ở xã hội, trách nhiệm của chủ đầu tư dự án.
Hay tính chất pháp lý của các loại hình căn hộ condotel, căn hộ du lịch, chuyển nhượng BĐS thương mại, dịch vụ… Rất nhiều vấn đề cần trao đổi về mặt khoa học, góp phần cho việc ban hành các chính sách pháp luật, cũng như việc quản lý BĐS có hiệu quả, tránh những hệ lụy tiêu cực của thị trường BĐS này”.
Hợp đồng mua bán sản phẩm BĐS phần lớn do chủ đầu tư soạn thảo |
Cũng theo ông Trần Hoàng Hải, tiền đặt cọc khi mua căn hộ chung cư hình thành trong tương lai, theo quy định của pháp luật, chủ đầu tư chỉ được huy động vốn khi đã hoàn thành xong phần hạ tầng và phải có văn bản của cơ quan có thẩm quyền về việc đủ điều kiện để bán. Nhưng trên thực tế lại khá phổ biến hình thức huy động vốn khi chưa đủ điều kiện, núp dưới dạng “hợp đồng đặt cọc giữ chỗ”, hoặc “hợp đồng góp vốn”.
Và thực tế đã xảy ra không ít trường hợp chủ đầu tư chiếm dụng vốn của người mua, thậm chí lừa đảo, chiếm đoạt khoản tiền đặt cọc. Vấn đề đặt ra là cần có một giải pháp mang tính pháp lý để điều chỉnh vấn đề đặt cọc, giữ chỗ, tránh việc chủ đầu tư “lách luật” gây ra những rủi ro cho người mua.
Khách hàng mang băng rôn phản đối chủ đầu tư sai phạm không còn là mới mẻ ở TP.HCM |
Góp ý cho người mua nhà, Chuyên gia Kinh tế Lê Chí Nhân cho rằng, có nhiều nội dung hợp đồng mua bán chỉ mang tính chất gợi ý, không có giá trị ràng buộc, trách nhiệm của chủ đầu tư. Nếu khách hàng không đọc kỹ hay nhờ những người hiểu luật mua bán, kinh doanh thương mại xem qua, tư vấn thì dễ bị chủ đầu tư đưa vào “tròng”.
Do đó, nội dung hợp đồng mua bán ảnh hưởng rất lớn đến tương lai căn hộ của cá nhân sở hữu. Phần lớn hợp đồng mua bán theo mẫu do chủ đầu tư soạn thảo. Chính vì vậy, vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, hành lang pháp lý bảo vệ khách hàng thiếu sự tập trung, thống nhất. Khi xảy ra tranh chấp, khách hàng vẫn là người chịu thiệt thòi.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) khuyến nghị: “Người mua nhà cần yêu cầu chủ đầu tư cho xem đủ các giấy tờ chứng minh tính pháp lý của dự án như: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án, giấy phép xây dựng, giấy tờ về nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật…, trước khi quyết định mua nhà”.