Bất động sản

Doanh nghiệp mong được gỡ khó về vốn và pháp lý dự án

Thục Vy (thực hiện) 09/01/2024 - 09:50

(TN&MT) - Năm 2023 đi qua với rất nhiều khó khăn và thách thức đối với thị trường bất động sản (BĐS) và doanh nghiệp.

Bước sang năm 2024, doanh nghiệp kỳ vọng khi các chính sách tài khóa được triển khai và các Luật (sửa đổi) có hiệu lực sẽ tạo được sự đồng bộ, từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giúp thị trường BĐS phục hồi, phát triển bền vững. Phóng viên Báo TN&MT đã phỏng vấn ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) về vấn đề này.

2(1).jpg
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA)

PV: Thưa ông, ông có thể sơ lược về khó khăn, thách thức của thị trường BĐS tại khu vực phía Nam nói chung và TP.HCM nói riêng trong năm 2023?

Ông Lê Hoàng Châu:

Năm 2023, thị trường BĐS tại khu vực phía Nam nói chung và TP.HCM nói riêng đã đối mặt với rất nhiều sóng gió và khó khăn, sức mua và thanh khoản giảm mạnh, thiếu dòng tiền, thiếu nguồn cung nhà ở đi liền với cơ cấu sản phẩm nhà ở không hợp lý, thiếu nhà ở giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội cho công nhân…; giá nhà tăng liên tục vượt quá khả năng tài chính của đa số người dân nên khó tạo lập được nhà ở.

Vấn đề vướng mắc pháp lý dự án BĐS là điểm nghẽn lớn nhất, chiếm 70% khó khăn của các doanh nghiệp, nếu không có giải pháp xử lý kịp thời hiệu quả thì thị trường BĐS có thể trượt vào suy thoái. Từ đó, một số tập đoàn, doanh nghiệp BĐS phải thực hiện các giải pháp tức thời để tự cứu mình, để tồn tại như phải thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động, tác động đến vấn đề an sinh xã hội, tác động đến cuộc sống của nhiều người lao động...

Bên cạnh đó, do tắc nguồn vốn tín dụng, tắc nguồn vốn trái phiếu, tắc cả nguồn vốn huy động từ khách hàng, nên một số tập đoàn, doanh nghiệp BĐS “đói vốn” phải vay vốn ngoài xã hội với lãi suất rất cao, đầy rủi ro, phải bán bớt tài sản, dự án hoặc bán sản phẩm BĐS nhà ở với chiết khấu sâu tạo ra cơ hội cho khách hàng mua với giá rẻ hơn, nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro do là sản phẩm hình thành trong tương lai.

PV: Là người đứng đầu HoREA và cũng là người đại diện nói lên tiếng nói của doanh nghiệp, ông có kiến nghị gì để giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn?

Ông Lê Hoàng Châu:

Trước những khó khăn mà thị trường BĐS và doanh nghiệp đang đối diện, HoREA kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được tiếp cận nguồn vốn tín dụng đối với các dự án BĐS, nhà ở thương mại, các dự án nhà ở giá vừa túi tiền, nhất là các doanh nghiệp có uy tín thương hiệu, thực hiện tốt các nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước, có dự án đảm bảo yếu tố pháp lý, đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, có sản phẩm bán tốt, có thanh khoản tốt, giúp làm tăng nguồn cung nhà ở…

Về phân khúc nhà ở xã hội, HoREA đề nghị lãnh đạo các tỉnh/thành tiếp tục thực hiện nhanh, thông thoáng thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và nhà đầu tư BĐS trong trường hợp doanh nghiệp nhận chuyển nhượng quỹ đất, không yêu cầu phải phù hợp 100% quy hoạch 1/2000. Còn các dự án nhà ở thương mại đã được phê duyệt quy hoạch 1/500 quy định nghĩa vụ dành 20% quỹ đất ở để xây dựng nhà ở xã hội trước ngày 1/4/2021 thì cần được tiếp tục thực hiện mà không cần phê duyệt lại.

3(1).jpg
Kỳ vọng thị trường BĐS sẽ sớm hồi phục và phát triển trở lại trong năm 2024

PV: Năm 2023 đã kết thúc đồng nghĩa với những khó khăn của năm cũ cũng đã qua, năm 2024, HoREA kỳ vọng điều gì về sự phục hồi của thị trường BĐS?

Ông Lê Hoàng Châu:

Hiện nay, mặc dù thị trường BĐS vẫn còn rất khó khăn nhưng hoàn toàn có căn cứ để khẳng định chắc chắn về triển vọng sẽ phục hồi trở lại và tiếp tục tăng trưởng theo định hướng phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững trong năm 2024. Theo HoREA, những động lực chính để giúp thị trường BĐS phục hồi bao gồm:

Thứ nhất, Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/06/2022 của Ban Chấp hành Trung ương chỉ đạo hoàn thành dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và các Luật có liên quan bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đang nỗ lực tháo gỡ “vướng mắc pháp lý” là vướng mắc lớn nhất của thị trường BĐS; giải được bài toán pháp lý sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho hàng trăm dự án BĐS, nhằm kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng minh bạch, công bằng, cạnh tranh lành mạnh, tạo điều kiện cho nhà đầu tư tiếp cận thuận lợi hơn về đất đai, thị trường vốn, tín dụng.

Nghị quyết 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị “về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới” đã nâng đỡ tinh thần, tạo hứng khởi, niềm tin cho cộng đồng doanh nhân Việt trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, trong đó có BĐS.

Thứ hai, “tổng cầu” nhà ở đáp ứng nhu cầu thực của xã hội vẫn rất lớn, nhất là nhu cầu loại nhà ở có giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội của đông đảo người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp trong xã hội. Thứ ba, mặc dù hiện nay thu nhập của người dân nhìn chung sụt giảm, tuy nhiên, tầng lớp trung lưu vẫn đang tiếp tục xu thế tăng trưởng vững chắc, đây sẽ là dấu hiệu đảm bảo cho sự phục hồi của thị trường BĐS 2024.

Đi đôi với nỗ lực của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn các bộ, ngành cần sửa đổi một số quy định “bất cập” của các văn bản dưới Luật để kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, công bằng, bình đẳng, phát huy được nguồn lực đất đai, tạo điều kiện để tiếp cận thuận lợi thị trường vốn, tín dụng và tháo gỡ được các vướng mắc pháp lý cho khoảng 1.000 dự án BĐS trong cả nước.

Có thể khẳng định rằng, thời gian qua, với những nỗ lực rất lớn của Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương tháo gỡ được rất nhiều khó khăn, vướng mắc cho thị trường BĐS và doanh nghiệp đầu tư kinh doanh BĐS. Chúng ta có quyền kỳ vọng trong năm 2024, khi các chính sách tài khóa được triển khai và khi các Luật (sửa đổi) có hiệu lực thi hành sẽ tạo được sự đồng bộ, từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giúp thị trường BĐS phục hồi, phát triển bền vững.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp mong được gỡ khó về vốn và pháp lý dự án
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO