Theo Quyết định 09/2021/QĐ-UBND của UBND TP.HCM, từ tháng 5/2021, người dân thành phố sẽ thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) thành 2 loại thay vì 3 loại như trước kia. Quy định mới này nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân, cơ quan quản lý và các đơn vị thu gom, xử lý CTRSH.
Hiện nay, mỗi ngày TP.HCM thải ra khoảng 9.500 tấn CTRSH, tỷ lệ tăng khối lượng hàng năm khoảng 6 - 10%; khối lượng rác sinh hoạt bình quân đầu người của TP.HCM khoảng 0,98 kg/người/ngày. Việc tăng nhanh chóng CTRSH đô thị với tính chất, thành phần đa dạng, phức tạp đã trở thành áp lực cho các nhà quản lý và các đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý. Vì vậy phân loại CTRSH tại nguồn là một trong những giải pháp được TP.HCM triển khai từ rất sớm.
Theo quy định trước đây, các cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải CTRSH phải phân loại thành 3 nhóm: Nhóm chất thải hữu cơ dễ phân hủy (thức ăn thừa, lá cây, rau, củ, quả, xác động vật); Nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế (giấy, nhựa, kim loại, cao su, ni lông, thủy tinh) và Nhóm chất thải còn lại (không bao gồm chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, chủ nguồn thải).
Tuy nhiên, từ tháng 5/2021, các cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải CTRSH sẽ phân loại thành 2 nhóm, gồm: nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế và nhóm chất thải còn lại (không bao gồm chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, chủ nguồn thải). Đồng thời, tùy điều kiện kinh tế, xã hội, công nghệ xử lý CTRSH, UBND TP.HCM sẽ quy định cụ thể số lượng, thành phần nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế theo lộ trình để UBND các quận, huyện và TP. Thủ Đức (viết tắt là UBND cấp huyện) triển khai thực hiện.
Việc phân loại rác thành 2 loại đem lại nhiều thuận tiện cho cả người dân và lực lượng thu gom, vận chuyển |
Bà Nguyễn Thị Hòa, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (phường 9, quận 3) cho biết: “Từ năm 2015, gia đình tôi đã tham gia Chương trình phân loại rác sinh hoạt tại nguồn mà thành phố phát động. Theo quy định, người dân phải phân loại thành 3 loại rác khác nhau, tương ứng với việc phải trang bị 3 thùng rác. Việc đặt 3 thùng rác trong nhà vừa tốn diện tích, gây bất tiện trong sinh hoạt và rất phức tạp trong việc “lựa chọn” loại rác bỏ vào các thùng tương ứng. Vì vậy, nhiều thời điểm gia đình tôi và các hộ dân xung quanh đã “ngưng” phân loại và để chung rác vào một chỗ. Nay, chỉ việc phân loại thành 2 loại rác khác nhau sẽ dễ thực hiện hơn rất nhiều, chắc chắn gia đình tôi sẽ thực hiện nghiêm túc”.
Theo đại diện Sở TN&MT TP.HCM, việc thay đổi cách phân loại rác theo Quyết định 09 của UBND TP.HCM rất thuận tiện cho cả người dân và các đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý rác. Vì vậy, việc triển khai phân loại rác thành 2 loại đã nhận được sự đồng tình cao của người dân bởi nó dễ thực hiện và đem lại nhiều tiện tích.
Đồng thời, khi người dân đã phân loại, việc thu gom rác của các đơn vị thu gom cũng thuận tiện, dễ dàng. Đặc biệt, việc phân loại rác đơn giản thì sẽ đỡ chi phí trong chuỗi thu gom, vận chuyển từ nhà dân đến nơi xử lý. Mặt khác, TP.HCM đang hướng đến công nghệ xử lý rác bằng công nghệ đốt rác phát điện và tái chế thay vì chôn lấp nên việc thay đổi phân loại rác thành 2 loại là cần thiết. Cho nên, khi đã sử dụng công nghệ đốt và tái chế, sẽ không cần thiết phải phân loại rác thành 3 loại như trước kia.
Ông Cao Văn Tuấn, Trưởng phòng Công nghệ Môi trường (Công ty Môi trường Đô thị TP.HCM) cho biết: Đối với các đơn vị thu gom, vận chuyển, việc phân rác làm 2 loại giúp dễ dàng thực hiện, không phải đầu tư thêm thiết bị, phương tiện. Không chỉ vậy, phần rác tái chế, người dân có thể bán hoặc cho lực lượng thu gom, việc này sẽ tạo thêm nguồn thu nhập không chỉ cho chủ nguồn thải, hộ gia đình mà còn mang lại giá trị kinh tế cho lực lượng thu gom, vận chuyển, xử lý. Từ đó, tạo nền tảng cơ sở hình thành thị trường thu hồi - tái chế, tiến đến hình thành Trung tâm Tái chế chất thải, góp phần xây dựng nền kinh tế tuần hoàn gắn với mục tiêu phát triển bền vững.
Theo ông Tuấn, mới đây, Công ty Môi trường Đô thị TP.HCM đã trình Sở TN&MT Dự án “Xây dựng mạng lưới thu gom và xử lý chất thải tái chế từ Chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn”. Dự án nhằm mục đích quản lý, thu hồi, tái chế và tái sử dụng chất thải tái chế một cách hiệu quả, đồng thời giúp nâng cao nhận thức cộng đồng, thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất xanh, sản xuất không phát thải, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn gắn với mục tiêu phát triển bền vững.