Môi trường

Các giải pháp hỗ trợ, phục hồi bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam

Hoài Thu 25/10/2024 - 14:07

(TN&MT) - Ngày 25/10, tại Hà Nội, Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT đã tổ chức Hội thảo “Chính sách ưu đãi, hỗ trợ cải tạo, phục hồi bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt ở Việt Nam”.

Khai mạc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT (CLCS) cho biết, trong những năm gần đây, Việt Nam đã chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của kinh tế - xã hội cùng quá trình đô thị hoá và gia tăng dân số, kéo theo gia tăng khối lượng, chủng loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH); điều này dẫn đến nhiều bất cập trong công tác thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH, trong đó, phương thức chôn lấp không hợp vệ sinh vẫn đang là chủ yếu.

img_0709.jpeg
PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT phát biểu khai mạc

Theo báo cáo của Chính phủ về công tác bảo vệ môi trường năm 2023, tổng khối lượng CTRSH phát sinh trên địa bàn 61/63 tỉnh/thành phố là khoảng 67.877 tấn/ngày (trong đó khu vực đô thị phát sinh khoảng 38.143 tấn/ngày và khu vực nông thôn khoảng 29.734 tấn/ngày). Tỷ lệ CRTSH được thu gom, xử lý tại đô thị trung bình khoảng 96,6%; tại khu vực nông thôn trung bình khoảng 77,69%; trong đó tỷ lệ chôn lấp khoảng 64%,…

Vào ngày 3/7/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 807/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu Xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc đối tượng công ích giai đoạn 2016 – 2020. Theo đó, mục tiêu cụ thể phấn đấu đến năm 2030 xử lý ô nhiễm môi trường của 30 bãi rác, bãi chôn lấp không hợp vệ sinh đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nhằm khắc phục ô nhiễm, giảm thiểu suy thoái, cải tạo và phục hồi môi trường.

Mặc dù có nỗ lực đáng kể trong việc xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, nhưng đến nay, việc xử lý triệt để các bãi chôn lấp vẫn chưa hoàn thành do thiếu nguồn lực. Trên cả nước, có 116 bãi rác thuộc đối tượng cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; đến năm 2019, chỉ có 8 bãi rác hoàn thành xử lý ô nhiễm triệt để. Việc xử lý và cải tạo các bãi chôn lấp này đòi hỏi đầu tư lớn cũng như các biện pháp kỹ thuật và quản lý hiệu quả.

Việc tìm giải pháp quản lý bãi chôn lấp chất thải và hoạt động ưu đãi, hỗ trợ đầu tư xử lý, cải tạo môi trường bãi chôn lấp CTRSH là cần thiết, tiến tới tuần hoàn tài nguyên rác.

img_0708.jpeg
Toàn cảnh Hội thảo

Ông Michael Siegner - Đại diện thường trú Viện Hanns Seidel Foundation (HSF) Việt Nam cho biết, Viện HSF đang có nhiều sự hợp tác trong việc phát triển song phương cùng phát triển giữa Đức và Việt Nam, nhằm giải quyết các vấn đề và thách thức về môi trường của 2 nước.

Trong đó, quá trình công nghiệp hoá và đô thị hoá tại Việt Nam đang diễn ra rất nhanh, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, khi các thành phố phát triển, các thách thức về môi trường cũng trở nên phức tạp hơn bao giờ hết, đặc biệt là các bãi chôn lấp chất thải rắn đã lỗi thời và tính xử lý chưa cao, khiến ô nhiễm không được giải quyết rốt ráo mà còn gây ảnh hưởng đến sức khoẻ con người.

Và để giải quyết những thách thức này, Việt Nam cần tập trung xây dựng nền tảng chính sách hỗ trợ, đầu tư nâng cao hạ tầng, thiết kế bãi chôn lấp, xử lý chất thải, bằng các công nghệ hiện đại, cũng như áp dụng kinh tế tuần hoàn biến rác thải trở thành tài nguyên, giảm thiểu sự ô nhiễm đến các bãi chôn lấp; cùng với đó là sự hợp tác các doanh nghiệp trong việc nỗ lực thực hiện các quy định, chính sách của Nhà nước về bảo vệ môi trường, nhất là vấn đề xử lý CTRSH.

img_0707.jpeg
TS. Hoàng Hồng Hạnh - Viện CLCS TN&MT trình bày tham luận

TS. Hoàng Hồng Hạnh - Viện CLCS TN&MT đại diện nhóm nghiên cứu, trình bày về Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn ở Việt Nam về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư xử lý, cải tạo môi trường bãi chôn lấp CTRSH.

Trong đó, bà nhấn mạnh về chính sách quản lý và hạn chế tối đa việc chôn lấp chất thải tại các nước Hà Lan, Thụy Điển, Hàn Quốc đã sớm ban hành lệnh cấm chôn lấp, theo đó, kế hoạch hành động về kinh tế tuần hoàn (KTTH) của EU đặt ra mục tiêu: Cấm chôn lấp chất thải có khả năng tái chế vào năm 2025, loại bỏ hầu hết các bãi chôn lấp đến năm 2030.

Đối với Nauy, New Zealand, Israel,… thuế chôn lấp được triển khai rộng rãi, qua đó, các mức thuế được phân biệt theo phương pháp xử lý (đốt/chôn lấp), mức độ gây hại cho môi trường (nguy hại/thông thường), đặc biệt, Hàn Quốc áp dụng mức thuế cao nhất với chôn lấp chất thải và đốt chất thải không thu hồi năng lượng. Sự khác biệt như vậy giúp đảm bảo các loại thuế và xác định chính xác hơn đối với chi phí môi trường của chất thải.

Ngoài ra, kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy, các nước đã tạo ra nhiều chương trình ưu đãi, hỗ trợ khác trong việc Khuyến khích năng lượng tái tạo. Như tại Canada và Mỹ, đã ban hành một số ưu đãi thuế, các khoản vay, trợ cấp để cung cấp thêm nguồn lực/ cải thiện doanh thu cho các dự án năng lượng LFG, tạo nhiều ưu đãi về thuế, có tín dụng thuế, miễn thuế và trái phiếu chi phí thấp,…

Theo đó, để áp dụng những kinh nghiệm này, Việt Nam cần nghiên cứu toàn diện và sâu hơn đối với những công cụ đã áp dụng thành công ở nhiều quốc gia như: Thuế chôn lấp; tín dụng thuế; hoàn thiện các cơ chế thúc đẩy hợp tác công - tư PPP được xem như một hướng đi triển vọng, nhờ nguồn lực dồi dào và sự năng động của khối tư nhân tham gia cải thiện mạnh mẽ chất lượng môi trường…

img_0706.jpeg
TS. Hồ Công Hòa - Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương trình bày tham luận

Về tổng quan chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư xử lý, cải tạo môi trường bãi chôn lấp CTRSH ở Việt Nam, TS. Hồ Công Hòa - Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương chỉ ra, Việt Nam đã có những hình thức ưu đãi trong việc cải tạo bãi chôn lấp như: Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (giảm 50% thuế); miễn thuế nhập khẩu, miễn nộp lệ phí trước bạ; Ưu đãi thuế sử dụng đất,… Cùng với đó là hỗ trợ đầu tư về hạ tầng kỹ thuật, tiếp cận mặt bằng sản xuất kinh doanh, chuyển giao công nghệ; cho vay vốn với lãi suất ưu đãi; hỗ trợ phát triển thị trường, đào tạo nhân lực và nghiên cứu phát triển,…

Mặc dù đã có nhiều hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cho cải tạo bãi chôn lấp và các dịch vụ môi trường được ban hành, tuy nhiên, các Quyết định, Nghị định,.. vẫn chưa nêu cụ thể cho các Dự án cải tạo, thu hồi năng lượng và di dời bãi chôn lấp.

Chính vì vậy, TS. Hồ Công Hoà đề xuất giải pháp ưu đãi và hỗ trợ đầu tư xử lý, cải tạo môi trường bãi chôn lấp CTR sinh hoạt như: Nhà đầu tư được phép đầu tư xử lý, cải tạo để thu hồi năng lượng hoặc di dời, chuyển đổi mục đích sử dụng đất của các bãi chôn lấp CTRSH theo quy định, phù hợp với quy hoạch.

Đồng thời, Bộ TN&MT cũng cần nghiên cứu, đề xuất các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư để khuyến khích, thúc đẩy nhà đầu tư tham gia dự án đầu tư xử lý, cải tạo môi trường bãi chôn lấp; các bộ, ngành địa phương cần chủ động cân đối ngân sách thúc đẩy đầu tư công; giải phóng mặt bằng, làm đòn bẩy trong công tác huy động đầu tư tư nhân.

Đặc biệt, cần thiết phải hỗ trợ về thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục về phát triển dự án, chuyển đổi mục đích sử dụng đất bãi chôn lấp sang mục đích sử dụng có giá trị sử dụng đất cao hơn, ít ô nhiễm môi trường hơn.

img_0705.jpeg
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

Hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp, thảo luận từ các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong việc đưa ra giải pháp hỗ trợ, phục hồi bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các giải pháp hỗ trợ, phục hồi bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO