“Vắng bóng”… nhà giá rẻ
Dịch Covid-19 hoành hành là một trong những nguyên nhân khiến thị trường bất động sản TPHCM năm 2020 bị ảnh hưởng nghiêm trọng, giảm mạnh cả về số lượng dự án, sản phẩm nhà ở đưa ra thị trường và số lượng khách hàng giao dịch. Đáng chú ý, tình trạng thiếu trầm trọng nguồn cung nhà ở vừa túi tiền dẫn đến việc người có thu nhập trung bình, người thu nhập thấp rất khó sở hữu được nhà, tạo ra mối quan ngại an sinh xã hội đầy cấp bách.
Chị Phượng cho biết giá nhà đắt đỏ khiến việc sở hữu "mái ấm" ở TPHCM ngày càng xa vời đối với người có thu nhập thấp |
Hơn 15 năm làm công nhân tại quận Thủ Đức, chị Phượng (50 tuổi, quê An Giang) cho biết vẫn thuê phòng trọ trên địa bàn này để ở. Căn phòng chỉ rộng tầm 9m2, gồm cả nhà vệ sinh, chỗ ăn ngủ của vợ chồng chị và hai đứa con. “Không có tiền mình mới thuê trọ sống tạm bợ, mái nhà chủ lợp tôn, trời nắng thì nóng như lò nung, còn mưa lớn là ngập nước có lúc tràn vào đến tận phòng. Thu nhập mỗi tháng của hai vợ chồng chỉ khoảng 16 triệu đồng, hai đứa con còn ăn học… trong khi đó giá nhà đắt đỏ ở thị thành như vậy nên gia đình tôi chưa bao giờ nghĩ tới chuyện sở hữu được nhà”, chị Phượng nói.
Theo ông Phạm Lâm - Tổng giám đốc Công ty DKRA Việt Nam, tại TPHCM, thị trường gần như vắng bóng loại căn hộ hạng C (căn hộ bình dân) trong khi nhu cầu phân khúc còn rất lớn. Nghịch lý là dù nguồn cung mới giảm mạnh, mặt bằng giá vẫn liên tục tăng cao, mức giá sơ cấp ở các giai đoạn sau tăng trung bình 10% - 15% so với giá bán ở giai đoạn trước. Điều này làm ước mơ sở hữu nhà cho người có nhu cầu ở thực với nguồn tài chính không cao ngày càng xa vời.
Năm 2020, TPHCM có 56 dự án mở bán, khoảng 17.500 căn, giảm 30% so với năm trước. Lượng tiêu thụ trên nguồn cung mới đạt 87%, khoảng 15.200 căn hộ. Trong khi mặt bằng giá sơ cấp tăng mạnh, nhiều dự án tăng 5% - 10%, cục bộ có thể tăng 15% - 20% so với đợt mở bán trước đó, nhưng thanh khoản giao dịch thứ cấp giảm sút.
Còn phân khúc đất nền thì khan hiếm nguồn cung mới, thị trường tỉnh giáp ranh chiếm tỷ trọng lớn. Trên địa bàn TPHCM chỉ có 7 dự án (564 nền) bằng 33% so với năm trước, tỷ lệ tiêu thụ đạt 59% (bằng 21% so với năm 2019). Phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, nguồn cung và lượng tiêu thụ giảm mạnh, thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.
Cú hích nhà vừa túi tiền
Hiện nay, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Đây có thể là cơ sở để nguồn cung bất động sản phục hồi lại. Cụ thể, Nghị định số 25 được ban hành tháng 2/2020 quy định, giao đất cho nhà đầu tư trúng đấu thầu sẽ được triển khai ngay sau khi hoàn thành bồi thường, Nghị định số 41 gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền; Thông tư 21 của Bộ Xây dựng quy định diện tích tối thiểu căn hộ chung cư không nhỏ hơn 25m2 bắt đầu có hiệu lực; Nghị quyết 164 tháo gỡ vướng mắc đầu tư trong khu đô thị.
Đặc biệt, Nghị định 148/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai sẽ có hiệu lực 8/2/2021, trong đó, có nội dung tháo gỡ vướng khó khăn cho hàng nghìn dự án có đất xen cài (đất do Nhà nước trực tiếp quản lý). Đây được xem là một cú hích mới cho thị trường bất động sản trong thời gian tới.
Dự báo năm 2021 là cú hích cho nhà ở vừa túi tiền |
Ông Trần Khánh Quang - chuyên gia bất động sản nhận định: “Tình hình bất động sản cuối năm 2020 đang ở mức giá khá cao, mức độ tiêu thụ của tháng cuối năm đang chậm lại. Dự báo năm 2021, nền kinh tế sẽ tiếp tục phát triển, nhu cầu về bất động sản tiếp tục tăng trưởng. Trước đây, thị trường thuộc về phân khúc căn hộ cao cấp, hạng sang, còn năm 2021 sẽ xuất hiện những bất động sản mang tính trung bình khá, phù hợp với sự lựa chọn của nhiều người hơn. Nhìn chung, 6 tháng đầu năm 2021 thì chưa có biến động gì nhiều. Tuy nhiên, 6 tháng cuối năm 2021, nguồn cung mới sẽ xuất hiện nhiều, nhà đầu tư có nhiều sự lựa chọn với giá bán phù hợp hơn”.
Còn ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA cho biết: “Hiện nay, khó khăn lớn nhất của thị trường bất động sản là có nhiều dự án nhà ở bị ách tắc, dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cung dự án, thiếu nguồn cung sản phẩm, nhất là thiếu loại căn hộ nhà ở thương mại có giá bán vừa túi tiền, nhà ở xã hội. Do tình trạng mất cân bằng cung - cầu trong lúc nhu cầu quá cao, làm cho giá nhà dễ bị đẩy lên cao. Dự báo bước sang năm 2021, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng trở lại, trong đó nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ sẽ là cú hích.