Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, tổng số hộ bị ảnh hưởng bởi dự án Metro số 2 là 603 hộ. Trong đó, 121 hộ bị ảnh hưởng toàn phần, 482 hộ bị ảnh hưởng một phần với tổng diện tích bồi thường, giải phóng mặt bằng hơn 251.100 m². Tổng giá trị kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng của dự án là 3,9 ngàn tỷ đồng, tăng 500 tỷ đồng so với phê duyệt ban đầu.
Đến ngày 30/9, các quận có tuyến Metro số 2 chạy qua đã cơ bản hoàn tất thủ tục ban hành Quyết định bồi thường đối với 590 trong tổng số 603 trường hợp đạt 97,84%, 402 trường hợp đã hoàn tất bàn giao mặt bằng đạt 67%. Trong đó, các quận 1, Tân Bình, Tân Phú đạt 100%. Theo Kế hoạch, cuối năm 2020, Ban Quản lý sẽ nhận 100% mặt bằng sạch từ các quận có tuyến metro số 2 đi qua, sẵn sàng khởi công dự án từ đầu năm 2021.
Công tác giải phóng mặt bằng tuyến Metro số 2 sẽ hoàn thành 100% vào cuối năm 2020 |
Tại Lễ Tổng kết phong trào thi đua 200 ngày chào mừng Đại hội Đảng bộ các quận, huyện, Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII tới đây, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã ghi nhận công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng phục vụ dự án đường sắt đô thị số 2 có tiến bộ vượt bậc. Bởi, đây là một trong những dự án trọng điểm của thành phố, có diện tích cần giải phóng mặt bằng lớn và tập trung ở khu vực nội thành. Việc hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng có tầm quan trọng rất lớn, bởi nếu không có mặt bằng để thi công thì các nhà tài trợ sẽ rút vốn; đồng thời, việc sớm khởi công dự án sớm cũng sẽ thúc đẩy quá trình giải ngân vốn đầu tư công, góp phần tăng trưởng kinh tế.
Có thể nói, đây là dự án điển hình cho sự quyết liệt, sát sao liên tục từ lãnh đạo chính quyền các cấp để kịp thời tháo gỡ các thủ tục hành chính; quá trình làm việc nghiêm túc, có trách nhiệm từ các đơn vị chuyên môn liên quan trong công tác thẩm định giá trị, diện tích bồi thường. Đây cũng là dự án mà TP.HCM đã vận dụng linh hoạt cơ chế chính sách, đặc biệt là cơ chế đặc thù về bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Với vai trò là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong công tác giải phóng mặt bằng, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết: Do tính chất và tầm quan trọng của Dự án Metro số 2 và đối với các dự án bồi thường khác trên địa bàn thành phố, Giám đốc Sở TN&MT chính thức làm thành viên Ban Chỉ đạo giá thay các Phó Giám đốc.
Việc thay đổi này để khẳng định vai trò người đứng đầu ngành tài nguyên và môi trường của thành phố để chịu trách nhiệm trước Thành ủy, UBND Thành phố đối với các vấn đề liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng như trình duyệt giá, hệ số điều chỉnh của các dự án bồi thường, góp phần đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, thời gian qua, chính quyền cơ sở đã tập trung tuyên truyền, vận động, giải thích ý nghĩa của công trình giao thông trọng điểm này, đồng thời công khai, minh bạch chính sách đền bù cho người dân nên đã nhận được sự đồng thuận cao của người dân bị thu hồi đất.
Ông Nguyễn Văn Tài, Phó Trưởng Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận Tân Bình cho biết: Quận Tân Bình có nhiều hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án Metro số 2 nhất thành phố. Ðến nay, quận Tân Bình đã ban hành 339 quyết định và phương án bồi thường hỗ trợ 330 cá nhân và 9 tổ chức, chi đền bù cho 275 trường hợp với tổng kinh phí hơn 1.660 tỷ đồng.
Để có kết quả này, UBND quận Tân Bình đã phối hợp với UBND các phường tiến hành công tác tuyên truyền, vận động người dân hiểu về lợi ích của tuyến Metro số 2 để người dân đồng tình, ủng hộ. Theo đó, Quận Tân Bình đã tổ chức các cuộc họp, đối thoại để lắng nghe ý kiến của người dân, sau đó lên phương án đền bù và tiến hành trao quyết định bồi thường đến tay từng hộ dân. Vì vậy, đa số người dân bị thu hồi đất đều đồng thuận chấp hành, nhiều hộ dân còn tự nguyện tháo dỡ, bàn giao mặt bằng trước thời hạn quy định.
Ngoài ra, đối với tuyến Metro số 2, TP.HCM đã vận dụng hiệu quả Nghị quyết số 27/2020 của Chính phủ về việc cho phép áp dụng thí điểm cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn.
Theo đó, UBND TP.HCM được phép quyết định giá đất cụ thể của loại đất thu hồi tại thời điểm Nhà nước quyết định thu hồi đất theo quy định tại Khoản 2 Điều 74 của Luật Đất đai 2013. Nhờ vậy, đây là lần đầu tiên tại TP.HCM một dự án thu hồi đất để phục vụ xây dựng dự án giao thông được bồi thường mức giá cao nhất lên tới 170 triệu đồng/m2. Mức giá này theo người dân đã tiệm cận với giá thị trường nên được người dân đồng tình ủng hộ.
Tuyến Metro số 2 có tổng chiều dài hơn 11 km, trong đó, đoạn đi ngầm dài khoảng 9,2 km. Toàn tuyến bao gồm chín ga ngầm, một ga trên cao và một Depot tại Tham Lương. Dự án đi qua sáu quận gồm: 1, 3, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú, với tổng mức đầu tư hơn 47.890 tỷ đồng (khoảng hơn 2.09 tỷ USD), sử dụng nguồn vốn ODA vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) và vốn đối ứng. Khi đi vào hoạt động cuối năm 2026, giai đoạn 1 của tuyến Metro số 2 sẽ đáp ứng chuyên chở được 140.000 hành khách/ngày, giai đoạn 2 ước đạt khoảng 400.000 hành khách/ngày. Tuyến Metro số 2 sau khi hoàn thành đầu tư cả giai đoạn 2 (Bến Thành - Thủ Thiêm, Tham Lương - Bến xe Tây Ninh) và giai đoạn 3 (Bến xe Tây Ninh - Tây bắc Củ Chi) sẽ góp phần chỉnh trang đô thị dọc tuyến, thúc đẩy phát triển nhanh hai khu đô thị mới của thành phố là Thủ Thiêm và Tây bắc Củ Chi, từ đó góp phần cải thiện môi trường sống, xây dựng một lối sống văn minh, hiện đại, thân thiện với môi trường cho cộng đồng dân cư.