Tài nguyên

TP. Huế: Quyết liệt GPMB dự án hơn 4.000 tỷ đồng

Văn Dinh 10/02/2025 16:17

(TN&MT) - Dự án Khu liên hợp sản xuất lắp ráp Kim Long Motors Huế (Khu Kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, huyện Phú Lộc) là dự án trọng điểm của TP. Huế, với tổng vốn đầu tư hơn 4.400 tỷ đồng. Song song với việc đang vận hành dự án để phát triển kinh tế, tạo việc làm thì công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) vẫn được cơ quan chức năng nỗ lực thực hiện, vận động người dân và tạo sự đồng thuận, đảm bảo hài hòa lợi ích các bên.

Vướng mắc

Sau Tết Nguyên Đán Ất Tỵ, không khí ở Khu Kinh tế Chân Mây – Lăng Cô rất nhộn nhịp, sôi nổi khi lượng công nhân trở lại làm việc rất đông, trong đó có Dự án Khu liên hợp sản xuất lắp ráp Kim Long Motors Huế. Hỏi người dân mới được biết, từ khi có dự án này, hàng nghìn người có việc làm mới với mức lương tương đối cao, mức thưởng Tết vừa qua cũng hấp dẫn. Tuy nhiên, cho đến nay, song song với việc vận hành, dự án vẫn còn vướng mắc trong công tác GPMB.

du-an-khu-cong-nghiep-kim-long-motor.jpg
Dự án Khu liên hợp sản xuất lắp ráp Kim Long Motors Huế vẫn còn nhiều vướng mắc trong GPMB

Dự án Khu liên hợp sản xuất lắp ráp Kim Long Motors Huế có tổng vốn đầu tư hơn 4.400 tỷ đồng, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Kim Long Motors Huế, diện tích đất hơn 164 ha. Đây là tổ hợp sản xuất, lắp ráp xe khách, xe tải, xe con 4-7 chỗ ngồi đáp ứng tiêu chuẩn khí thải Euro 5 trở lên, sản xuất phụ tùng, linh kiện ô tô; công suất khoảng 108.800 chiếc/năm… Để có đất thực hiện dự án, khoảng 220 hộ dân tại xã Lộc Tiến bị ảnh hưởng, gồm đất nông nghiệp, trồng cây hàng năm và lâu năm. Trong số này có 89 hộ phải tái định cư và di dời hơn 500 ngôi lăng mộ.

Theo UBND huyện Phú Lộc, công tác GPMB được triển khai 3 giai đoạn; tính đến ngày 7/2/2025, đã có 184 hộ dân nhận tiền và đồng ý bàn giao mặt bằng với diện tích 151,89 ha. Có 36 hộ dân chưa đồng ý nhận tiền, bàn giao mặt bằng với diện tích là 13,02 ha. Nguyên nhân liên quan đến đơn giá bồi thường, chính sách hỗ trợ, bố trí tái định cư…

Theo chủ đầu tư dự án, đơn vị cũng đã có nhiều buổi làm việc với lãnh đạo TP. Huế, huyện Phú Lộc, người dân và các bên liên quan. Quan điểm của nhà đầu tư là rất thiện chí và sẵn sàng tạo mọi điều kiện tốt nhất để phối hợp, hỗ trợ người dân trên tinh thần đúng pháp luật; mong muốn GPMB đúng hạn để dự án được triển khai đúng kế hoạch.

474462377_1163294165798829_445322707786275965_n.jpg
Vận động người dân bàn giao mặt bằng

Ông Trần Viết Tú, Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Phú Lộc cho biết, trên thực tế, chính quyền địa phương, chủ đầu tư, các ban, ngành chức năng đã nhiều lần đối thoại, lắng nghe ý kiến của người dân. Dù các hộ dân bị ảnh hưởng do thu hồi đất ở xã Lộc Tiến, song theo nguyện vọng của đại đa số các hộ dân, địa phương đã bố trí tái định cư tại khu tái định cư Lộc Vĩnh (xã Lộc Vĩnh) vì ở đây vị trí giao thông và các điều kiện sinh hoạt thuận lợi hơn khu tái định cư xã Lộc Tiến. Mặc dù các thông báo thu hồi đất ban hành năm 2019, 2020, tuy nhiên, địa phương đã làm việc với chủ đầu tư, áp dụng mức giá đền bù cao nhất. Thậm chí, để tạo công bằng cho người dân, những trường hợp đã được đền bù từ năm 2021- 2023 cũng được hỗ trợ thêm phần chênh lệch giá tại thời điểm năm 2024 vừa qua. Hiện, Trung tâm Phát triển Quỹ đất đang đề xuất cấp trên có phương án tháo gỡ thấu tình đạt lý cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án.

Gấp rút đẩy nhanh tiến độ GPMB

Giữa tháng 1/2025, “Tổ Công tác vận động, thuyết phục các hộ dân bị ảnh hưởng GPMB dự án Khu liên hợp sản xuất, lắp ráp Kim Long Motors Huế” (Tổ Công tác 194) được thành lập theo Quyết định của Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc, với mục tiêu động người dân sớm bàn giao mặt bằng và tạo sự đồng thuận, đảm bảo hài hòa lợi ích các bên. Tính từ ngày 17/1 đến 5/2, qua vận động của Tổ công tác đã có 50 hộ dân chấp thuận nhận tiền đền bù.

474446875_1163293905798855_8929252906772809115_n.jpg
Lãnh đạo huyện Phú Lộc trao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân chấp hành bàn giao mặt bằng

Từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, lãnh đạo huyện Phú Lộc (trực tiếp là Chủ tịch huyện và Bí thư huyện) cùng Tổ Công tác 194 đã nhanh chóng bắt tay vào công việc, tiếp tục tiến hành gặp gỡ, vận động, lắng nghe tâm tư nguyện vọng và thắc mắc của các hộ dân có đất và tài sản bị ảnh hưởng bởi dự án nhằm giải thích, cung cấp các thông tin, quy định của pháp luật về bồi thường, hỗ trợ tái định cư để các hộ dân hiểu và chấp hành nhận tiền, bàn giao mặt bằng.

Chủ tịch UBND xã Lộc Tiến – Phan Văn Cường cho hay, thời gian qua kể từ khi dự án hình thành, chính quyền xã đã rất sâu sát thực địa, thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan với mong muốn người dân sớm giao đất; lãnh đạo huyện cũng rất quan tâm chỉ đạo GPMB. Từ khi dự án đưa vào hoạt động đã tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động, giúp tăng thu nhập cho nhiều hộ gia đình trong địa phương cũng như các xã lân cận… Xã mong muốn người dân sẽ hiểu về tầm quan trọng dự án để sớm bàn giao mặt bằng.

Hiện UBND huyện Phú Lộc đã xây dựng kế hoạch cưỡng chế. Thời hạn cưỡng chế đối với đất nông nghiệp là trước ngày 10/3 và đất ở, đất vườn là trước ngày 20/4. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu về tiến độ dự án, UBND huyện dự kiến sẽ thực hiện cưỡng chế cả đất nông nghiệp và đất ở, đất vườn trước 28/2. Mong muốn của địa phương và nhà đầu tư dự án là người dân đồng thuận, nên ưu tiên tuyên truyền, vận động để người dân hiểu chủ trương, chính sách trước. Tuy nhiên, trên cơ sở thượng tôn pháp luật, đảm bảo quy định, nếu người dân không hợp tác, buộc phải áp dụng phương án cưỡng chế.

474477534_1163294185798827_8971733351273442050_n.jpg
Lãnh đạo TP. Huế, Sở TN&MT… trực tiếp kiểm tra dự án

Bí thư Thành ủy - Lê Trường Lưu đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan cương quyết, quyết liệt hơn trong công tác GPMB dự án Kim Long Motors Huế. Lãnh đạo huyện bám sát cơ sở; lãnh, chỉ đạo trực tiếp, phối hợp chặt chẽ lực lượng công an đảm bảo tốt an ninh địa bàn. Phân rõ trách nhiệm của lãnh đạo từng cấp, tránh trường hợp e ngại, né tránh trong GPMB…

Ông Hoàng Hải Minh - Phó Chủ tịch UBND TP. Huế cho rằng, dự án Kim Long Motors Huế đóng góp tích cực cho sự phát triển ngành công nghiệp ô tô, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng nguồn thu ngân sách cho địa phương. Dự án chủ yếu là đất nông nghiệp, để đảm bảo thời gian cần dứt khoát trong công tác GPMB, cần học hỏi kinh nghiệm các địa phương đi trước trong GPMB, cần phân loại từng cụm và làm đồng loạt.

“Cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã cùng vào cuộc vận động, giải thích các thông tin, quy định của pháp luật về bồi thường, hỗ trợ tái định cư để các hộ dân hiểu. Đối với các hộ dân nhận tiền bồi thường, các cơ quan chuyên môn của huyện tạo điều kiện thuận lợi nhất khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giấy phép xây dựng. Đối với Tổ Công tác 194, tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong công tác vận động, giải thích để dự án triển khai đúng tiến độ”, ông Minh nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP. Huế: Quyết liệt GPMB dự án hơn 4.000 tỷ đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO