Nguồn cầu thuê căn hộ giảm sút do ảnh hưởng của dịch Covid-19 |
Vào cuối năm 2019, Công ty JLL Việt Nam nhận định giá thuê văn phòng tại TP.HCM cao nhất thập kỷ. Cụ thể, giá thuê tăng 7,4% theo năm và tăng 1,1% theo quý, đạt mức cao kỷ lục với 29,1 USD/m2. Nguyên nhân được chỉ ra do nhu cầu về thị trường văn phòng tại TP.HCM tăng mạnh, trong khi nguồn cung mới hạn chế nên các chủ nhà thường đề xuất giá chào thuê khá cao. Thế nhưng, ở thời điểm này, ngoài phần diện tích cho thuê ổn định từ trước đó thì các dự án mới tung hàng đều gặp khó do nguồn cầu giảm sút đáng kể do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Không chỉ, thị trường văn phòng cho thuê mà thị trường căn hộ cũng “điêu đứng” vì tác động của dịch bệnh. Chị Nguyễn Thị Thơ ở quận Tân Bình cho biết, chị rao cho thuê căn hộ 65m2 ở chung cư Masteri An Phú với giá 12 triệu đồng/tháng, giảm 2 triệu đồng so với trước đây, thế nhưng gần 2 tháng nay không ai hỏi thuê.
Còn anh Nguyễn Đức Thành ngụ quận Gò Vấp cũng vừa bị khách trả lại căn hộ tại chung cư HQC 35 Hồ Học Lãm (Bình Tân), cho thuê với giá 6 triệu đồng/tháng. Căn hộ này được khách thuê làm nhà mẫu nội thất, nhưng do tác động của dịch Covid-19 xưởng nội thất ế ẩm, khách không nhận được hợp đồng nên đã quyết định thanh lý hợp đồng thuê nhà trước hạn. Hiện anh Thành đang rao cho thuê căn hộ với giá chỉ 5 triệu đồng/tháng nhưng vẫn chưa có ai hỏi.
Mặt bằng thương mại này được chủ nhà rao cho thuê từ lâu nhưng vẫn chưa tìm được khách |
Nhiều chuyên gia BĐS cho rằng, những năm trước đây, lợi tức cho thuê căn hộ khoảng 6% - 7%/năm, còn hiện nay lợi tức chỉ còn 4,5% - 5%. Tính ra không bằng gửi tiết kiệm ngân hàng. Trong khi đó chủ nhà phải trừ đi thuế, phí môi giới, chi phí sửa chữa, tỷ lệ bỏ trống bình quân 10% - 15% mỗi năm… khoản khấu hao này làm cho suất đầu tư căn hộ cho thuê không còn hấp dẫn trong bối cảnh nguồn cung tăng liên tục.
Theo các chuyên gia BĐS, nguyên nhân của việc căn hộ cho thuê rớt giá là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều chung cư hạn chế cho khách thuê ở dài hạn lẫn ngắn hạn. Thứ hai là do thị trường căn hộ cho thuê đang chịu sức ép cạnh tranh từ các dự án mới bàn giao nhà. Trong năm 2020, TP.HCM có khoảng 40.000 căn hộ bàn giao, trong đó có nhiều căn hộ cao cấp cho thuê. Do đó, biên lợi nhuận giảm nên kênh đầu tư cho thuê không còn hấp dẫn với nhà đầu tư.
Chưa kể, trong những năm 2015 - 2017, theo báo cáo từ Sở Xây dựng TP.HCM, có khoảng 45.000 - 50.000 sản phẩm BĐS là chung cư được mở bán. Các dự án có quá trình xây dựng từ 2 - 3 năm, nghĩa là năm 2018 - 2020 sẽ bàn giao cho khách hàng. Trong khi đó, lượng căn hộ mua đầu tư cho thuê ở các dự án vào khoảng 30 - 40% nên bị bội thực nguồn cung.
Còn trong 3 tháng đầu năm 2020, kết quả khảo sát nhanh về thị trường BĐS cho thuê ở TP.HCM trên các chợ trực tuyến của kênh thông tin batdongsan.com.vn vừa công bố cho thấy, tình trạng giảm giá rất đột đột. Cụ thể, giá cho thuê chung cư giảm 5%, còn giá cho thuê nhà riêng giảm 6% từ sau Tết đến nay. Mức giá cho thuê nhà mặt phố tại quận Bình Thạnh giảm 8%, nhà mặt phố quận 2 giảm 27%, tại quận 10 giảm 8% so với cuối năm 2019 trên các chợ BĐS online. Theo đơn vị này, tình trạng giảm giá thuê do tác động của Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khiến nguồn cầu thuê các loại tài sản này sụt giảm ngắn hạn hoặc bị gián đoạn đột ngột.
Căn hộ thương mại ở một chung cư tại quận Gò Vấp đã giảm giá cho thuê để mong tìm được khách |
Bà Võ Thị Khánh Trang, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu Tư vấn, Savills TP.HCM nhận định, trong thời gian qua, nhiều khách thuê kinh doanh nhà hàng sau khi cân nhắc về doanh thu và chi phí vận hành đã phải quyết định dừng kinh doanh và trả mặt bằng khi hết hợp đồng, trong khi một số vẫn tiếp tục duy trì kinh doanh giữ chỗ thì hoặc tạm dừng hoạt động hoặc thương thảo với chủ nhà để giảm giá thuê.
Đối với các nhà phố rao thuê tại các khu phố nổi tiếng về ẩm thực như Phan Xích Long (Phú Nhuận), Hồ Tùng Mậu và Ngô Đức Kế (Quận 1), nguyên nhân khó tìm khách thuê trong thời điểm này chủ yếu là do yêu cầu thuê nguyên căn; thêm vào đó là thời hạn hợp đồng thuê dài có thể lên đến 10 năm tại các khu vực ngoài quận 1 cũng là yếu tố làm nhiều khách có nhu cầu thuê từ bỏ. Để thu hút khách thuê, chủ nhà cung cấp giá thuê giảm giá từ 10% đến 20% so với giá cuối năm 2019 hoặc linh hoạt cho thuê theo diện tích khách thuê mong muốn, thay vì bắt buộc thuê nguyên căn.
“Đối với các nhà phố đang cho thuê, nhiều chủ nhà cũng có những động thái thương lượng hỗ trợ khách thuê về giá thuê như: một số chủ nhà chấp nhận miễn phí ít nhất 1 tháng thuê đến khách thuê kinh doanh nhà hàng, hay giảm 30% đến 50% giá thuê trong ngắn hạn đối với khối kinh doanh cửa hàng tiện ích (CVS)…”, bà Võ Thị Khánh Trang cho biết thêm.
Còn bà Bùi Nguyễn Huyền Trang - Giám đốc Thị trường Việt Nam của JLL Việt Nam nhận xét, dịch COVID-19 vẫn diễn biến khó lường nên còn sớm để đưa ra kết luận về tác động ngắn hạn và trung hạn của dịch bệnh tới thị trường BĐS cho thuê. Tuy nhiên, theo bà Trang, doanh nghiệp cần phải tính đến phương án yêu cầu nhân viên làm việc tại nhà hoặc không gian khác. Tình hình hiện tại có thể ảnh hưởng đến sự năng động của một số ngành công nghiệp, dẫn đến việc trì hoãn các kế hoạch chuyển đổi và mở rộng văn phòng.
Theo bà Nguyễn Huyền Trang, không chỉ riêng phân khúc văn phòng có giá thuê cao mà sàn thương mại cũng vậy. Do đó, các chủ đầu tư cho thuê diện tích kinh doanh thương mại cũng cần xem xét những phương pháp hỗ trợ ngắn hạn cho khách thuê. “Trong bối cảnh kinh doanh ế ẩm, gánh nặng về chi phí thuê mặt bằng ngày càng cao đã trở thành thách thức lớn, ảnh hưởng đến tình hình tài chính cũng như sự tồn tại của nhiều khách thuê. Ở thời điểm này, sự hỗ trợ của chủ đầu tư đặc biệt quan trọng”, bà Huyền Trang khuyến cáo.