Tiểu thương chợ Vinh liên tục bãi thị: Cần nhanh chóng làm rõ “trắng đen”

09/10/2014 00:00

(TN&MT) - Chỉ từ đầu năm 2014 đến nay, hàng ngàn tiểu thương tại chợ Vinh (TP Vinh - tỉnh Nghệ An) đã 4 lần đóng cửa ki ốt bãi thị.

(TN&MT) - Chỉ từ đầu năm 2014 đến nay, hàng ngàn tiểu thương tại chợ Vinh (TP Vinh - tỉnh Nghệ An) đã 4 lần đóng cửa ki ốt bãi thị. Họ cho rằng trong quá trình xây và quyết toán khu chợ này có nhiều khuất tất về tài chính, hơn nữa còn cho rằng, cách làm của Ban quản lý chợ và UBND TP Vinh đã đang và sẽ khiến các tiểu thương bị thiệt thời nhiều quyền lợi khác...
   
   
  Theo tìm hiểu của PV, đầu năm 2014, các tiểu thương đang kinh doanh tại chợ Vinh có đơn kiến nghị gửi UBND TP Vinh về một số nội dung liên quan đến nguồn kinh phí xây chợ. Theo đó, ngày 05/3/2014, UBND tỉnh Nghệ An đã có công văn số 268 giao cho chủ tịch UBND TP Vinh lập đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra, xử lý những kiến nghị của các tiểu thương chợ Vinh và có báo cáo UBND tỉnh Nghệ An.
   
  Tiếp đó, ngày 30/5/2014 và ngày 02/6/2014, UBND TP Vinh có công văn số 112 và công văn 2515 trả lời các kiến nghị của các tiểu thương kinh doanh đình chính chợ Vinh. Tuy nhiên, các tiểu thương không đồng ý với các kết luận thanh tra vì kết quả thanh tra không làm rõ các vấn đề tài chính, vấn đề thay đổi quy hoạch chợ (tầng 3) và trách nhiệm của BQL chợ Vinh.
   
  Được biết, chợ Vinh hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng từ tháng 10/2009. Trong đó, tầng hầm, tầng 1, tầng 2 được bố trí, sử dụng theo đúng thiết kế và phát huy hiệu quả. Theo quyết định 12429/2007/QĐ-UBND ngày 21/12/2007 của UBND TP Vinh về quy chế huy động vốn của người dân khi tham gia góp vốn, sơ đồ thiết kế, quy hoạch ngành hàng, vị trí ki-ốt thì toàn bộ tầng 3 sử dụng để bố trí khu hành chính, văn phòng cho thuê và các dịch vụ khác.
   
Chợ Vinh – Nơi từ đầu năm 2014 đến nay tiểu thương đã 4 lần bãi thị yêu cầu làm rõ khuất tất về tài chính và đòi quyền lợi
    
   
  Tuy nhiên, sau 4 năm hoạt động, tầng 3 của chợ Vinh vẫn bỏ hoang với hơn 5.000m2 sàn, gây lãng phí lớn. Do thời gian dài không được sử dụng, sàn có dấu hiệu xuống cấp. Do đó, cuối năm 2013, BQL chợ Vinh đã quy hoạch tầng 3 thành nơi bán hàng như tầng 1, tầng 2 và đã quy hoạch được 514 ki-ốt bán hàng may mặc sẵn, chăn ga gối đệm, giày dép...
   
  Tuy nhiên, bà con tiểu thương cho rằng, việc cải tạo tầng 3 đình chính chợ Vinh thành nơi bán hàng hóa như tầng 1, tầng 2 với số lượng lên đến 514 ki-ốt là vi phạm Điều 2 và Điều 5, Quy chế huy động vốn của các đối tượng có nhu cầu thuê địa điểm kinh doanh đã góp vốn đầu tư xây dựng chợ theo Quyết định số 1229/2007 của UBND Thành phố Vinh và ảnh hưởng đến quyền lợi kinh doanh của các tiểu thương.
   
  Cũng theo phản ánh của các tiểu thương chợ Vinh thì việc báo cáo tài chính trong dự án xây dựng đình chính chợ Vinh của UBND TP Vinh thời gian qua có nhiều bất thường, không rõ ràng, minh bạch, mỗi lần một kiểu, có biểu hiện thất thoát tài sản của nhà nước và nhân dân.
   
  Ngày 07/3/2014, UBND tỉnh Nghệ An đã tổ chức đối thoại với các tiểu thương chợ Vinh. Tại đây, UBND TP Vinh mới công bố quyết định phê duyệt quyết toán công trình số 6871/QĐ-UBND ngày 19/11/2012 về việc quyết toán công trình hoàn thành đình chính chợ Vinh do ông Nguyễn Văn Chỉnh - Phó chủ tịch UBND TP Vinh ký.
   
  Theo đó, tổng số tiền quyết toán được phê duyệt là 174.466.687.000 đồng trong đó ngân sách tỉnh là 2.000.000.000 đồng, ngân sách TP Vinh là 20.796.459.000 đồng và nguồn thu từ bán quyền sử dụng các quầy ốt kinh doanh tại chợ Vinh là 151.670.228.000 đồng.
  Sau khi số liệu này được công bố công khai, các tiểu thương ở chợ Vinh phản ứng quyết liệt cho rằng số tiền đóng góp của họ tự thống kê lên khoảng 171 tỉ đồng. Trước sức ép của bà con tiểu thương chợ Vinh, UBND TP Vinh buộc phải thành lập đoàn thanh tra xem xét lại việc quyết toán kinh phí xây dựng đình chính chợ Vinh.
  Ngày 30/5/2014, UBND TP Vinh ra kết luận số 112KL-UBND cũng do ông Nguyễn Văn Chỉnh ký nêu rõ, tổng giá trị quyết toán đối với các hạng mục xây dựng đình chính chợ Vinh là 194.318.660.000 đồng, trong đó ngân sách tỉnh là 2.000.000.000 đồng, ngân sách TP Vinh là 20.796.459.000 đồng và sử dụng nguồn thu trước tiền cho thuê địa điểm kinh doanh trong năm để thanh toán công trình là 171.522.201.000 đồng.
   
  Như vậy, so với quyết toán được phê duyệt năm 2012 dự án xây dựng chợ Vinh tăng thêm gần 20 tỉ đồng?
   
  Lý giải cho việc tăng thêm, UBND TP Vinh đã đưa thêm các hạng mục khác vào như: hạng mục chợ tạm, hạng mục nạo vét kênh mương đường Hồng Sơn, Cao Thắng, hạng mục xây dựng nhà vệ sinh chợ tạm, điện chiếu sáng, biển báo đường bộ, pa nô giới thiệu sản phẩm, hạng mục nội thất đình chính... Ngoài ra còn có hạng mục bổ sung ki ốt bán hàng tại tầng 1 đình chính do BQL chợ Vinh làm chủ đầu tư...
   
  Cách lý giải trên của UBND TP Vinh không được các tiểu thương chợ Vinh chấp nhận bởi theo bà con tiểu thương chợ Vinh, các hạng mục nêu trên hoàn toàn độc lập với dự án xây dựng đình chính chợ Vinh vì đã được phê duyệt và thực hiện từ năm 2004-2005. Khoảng thời gian này, UBND TP Vinh chưa ban hành quy chế huy động vốn công trình đình chính chợ Vinh nên không thể nói các hạng mục này thuộc dự án công trình xây dựng chợ Vinh.
   
  Những khuất tất chưa được làm rõ nên vào sáng 8-10, khoảng 1.000 tiểu thương chợ Vinh lại tiếp tục đóng cửa ki ốt nghỉ bán hàng, đối thoại với lãnh đạo UBND TP Vinh để đòi quyền lợi. Các tiểu thương yêu cầu chính quyền công nhận họ là người đầu tư, góp vốn xây chợ và công nhận quyền sử dụng điểm kinh doanh lâu dài chứ không phải chỉ được thuê trong thời hạn 15 năm; đồng thời không cải tạo tầng ba...
   
  Tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Văn Chỉnh – Phó chủ tịch UBND TP Vinh cho rằng, số tiền mà các tiểu thương đã đóng cho Ban quản lý dự án xây dựng đình chính chợ Vinh là tiền nộp trước để thuê địa điểm trong thời hạn 15 năm. Trong tổng số 1.358 tiểu thương kinh doanh ở đình chính có 1.284 người nộp trước và 74 người đấu giá khi công trình đã hoàn thành. Về nghi vấn khi xây chợ bị thất thoát hàng chục tỉ đồng, có dấu hiệu tham ô… mà các tiểu thương nêu ra tại buổi đối thoại, ông Chỉnh yêu cầu các tiểu thương có đơn kiến nghị lên UBND tỉnh Nghệ An hoặc thanh tra tỉnh Nghệ An để làm rõ có thất thoát, tham ô, sai phạm trong khi xây chợ hay không?
   
  Sau khi kết thúc buổi đối thoại, hàng ngàn tiểu thương vẫn tỏ ra không hài lòng, bức xúc và họ cho biết sẽ tiếp tục có đơn kiến nghị lên UBND tỉnh Nghệ An để “làm rõ trắng đen” cũng như đòi các quyền lợi khác của họ.
   
  Theo ghi nhận của PV, đến sáng 09/10, hầu hết các tiểu thương đã quay lại mở ki ốt để tiếp tục kinh doanh bình thường.
   
P. Tuân – Tr. Ngọc
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiểu thương chợ Vinh liên tục bãi thị: Cần nhanh chóng làm rõ “trắng đen”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO