Tiếp vụ sông Vạc oằn mình vì "cát tặc": Hé lộ nhiều sai phạm

22/05/2017 00:00

(TN&MT) – Ngày 12/05 và ngày 17/05/2017 Báo Tài nguyên và Môi trường có loạt bài phản ánh về tình trạng nhiều bãi tập kết cát trái phép ngang nhiên lộng hành trên các tuyến đê tả và đê hữu sông Vạc đoạn qua huyện Kim Sơn (Ninh Bình) suốt nhiều năm trở lại đây gây bức xúc dư luận. Tuy nhiên, đây chưa phải là tất cả khi nhiều sai phạm mới dần được hé lộ.            

Xã, huyện thay nhau “cấp phép” bãi cát?

Theo Báo cáo số 109/BC – CAKS – GT ngày 03/05/2017 của Công an huyện Kim Sơn về kết quả khảo sát hoạt động các bãi cát trên địa bàn huyện Kim Sơn thì trên toàn huyện Kim Sơn có tất cả 15 bãi cát hoạt động ven các tuyến đê thuộc địa bàn 5 xã, thị trấn gồm các xã Thượng Kiệm, Kim Chính, Kim Tân, Cồn Thoi và Thị trấn Bình Minh, cá biệt có nhiều xã có tới 4 – 5 bãi cát trái phép án ngữ trên địa bàn. Trong số đó, có 2 bãi cát do UBND huyện cấp (thuộc xã Kim Chính); 3 bãi do UBND xã Cồn Thoi cấp (trong đó có 1 bãi sử dụng không đúng mục đích, không phải dùng để làm bãi cát); 1 bãi chứa cát để thi công đê Bình Minh II kéo dài; 4 bãi cát sử dụng trên diện tích đất sử dụng lâu dài; 5 bãi không có hợp đồng thuê đất.

Mọi hoạt động bơm hút, tập kết cát vẫn không ngừng được diễn ra
Mọi hoạt động bơm hút, tập kết cát vẫn không ngừng được diễn ra

           

Cũng theo Báo cáo này thì số lượng cát khoảng hàng nghìn khối, các chủ kinh doanh sử dụng mặt đê và mái đê để kinh doanh, hàng ngày lưu lượng xe tải vận chuyển lớn, đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc sạt lở đê và phá vỡ mặt đê.          

  Đáng chú ý trong Báo cáo của Công an huyện Kim Sơn là có 2 bãi cát do UBND huyện Kim Sơn cấp thuộc xã Kim Chính cho 2 cá nhân là Trần Thị Bích Liên, thuê đất ở xóm 8, xã Kim Chính làm bãi cát, đất thuê 29 năm do Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn cấp. Và ông Hoàng Văn Dinh (bà Phạm Thị Linh) cũng thuê đất ở xóm 8, xã Kim Chính làm bãi cát, đất thuê 29 năm do Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn cấp.

Báo cáo của Công an huyện Kim Sơn về tình hình các bãi cát
Báo cáo của Công an huyện Kim Sơn về tình hình các bãi cát

           

Tuy nhiên, theo điều tra của PV Báo Tài nguyên và Môi trường thì 2 cá nhân trên đều có hợp đồng thuê đất với UBND huyện Kim Sơn từ năm 2015 với diện tích lần lượt là 2.712 m2 và 4.598 m2 vào mục đích rất chung chung là: Đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp, với thời gian thuê đất 30 năm. Trong hợp đồng thuê đất cũng không ghi rõ nguồn gốc đất cho thuê là loại đất gì, khi cho thuê để sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp thì có được chuyển đổi mục đích sử dụng đất chưa cũng chưa thấy đề cập đến? Hơn nữa, nếu chỉ dựa trên hợp đồng thuê đất với huyện là đủ điều kiện được phép lập bãi tập kết, kinh doanh cát phải chăng việc này đã lạm quyền của cấp trên?

Bãi cát tưởng dài như bất tận thuộc xóm 8 xã Kim Chính sát đê tả sông Vạc
Bãi cát tưởng dài như bất tận thuộc xóm 8 xã Kim Chính sát đê tả sông Vạc

         

Chưa dừng lại tại đó, tại xã giáp biển Cồn Thoi, huyện Kim Sơn bãi cát lậu vẫn ngang nhiên tung hoành, theo Báo cáo số 109/BC – CAKS – GT thì tại đây có tới 4 bãi cát, trong đó có hộ ông Nguyễn Văn Trọng xóm 7B, Cồn Thoi làm bãi cát và nuôi trồng thủy sản với diện tích 20.000 m2 đất đấu thầu do xã Cồn Thoi cấp; Ông Nguyễn Văn Hải làm bãi cát với diện tích đất thuê do UBND xã Cồn Thoi cấp. Đó là chưa kể đến rất nhiều bãi cát trái phép nằm ở các xã khác trên diện tích đấu thầu nhưng đã hết hạn thầu nhiều năm nay hoặc không có bất kỳ một giấy tờ liên quan nào vẫn ngang nhiên tập kết, kinh doanh cát suốt nhiều năm trời mà không hề bị xử lý triệt để.            

Không biết bãi cát nào có phép hay không phép            

Trao đổi với PV Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Đoàn Kim Ly – Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn cho biết: Không biết bãi cát nào có phép hay không phép? Phải kiểm tra, rà soát tất cả xem giấy tờ, sử dụng bãi có đúng không, hợp đồng thuê đất, giấy phép kinh doanh… mới biết được bãi nào có phép hay không phép rồi mới xử lý theo quy định?

Tàu thuyền cát tấp nập ra vào bến bãi sát đê để bơm cát
Tàu thuyền cát tấp nập ra vào bến bãi sát đê để bơm cát

Trong buổi làm việc với PV, ngoài đại diện lãnh đạo huyện Kim Sơn, còn có đại diện Hạt quản lý đê Kim Sơn, Phòng NN&PTNN, Phòng KTHT, Phòng TNMT, thế nhưng không vị cán bộ nào “dám” chỉ mặt, vạch tên đâu là bãi cát trái phép, đâu là bãi cát có phép, hoặc tất cả là trái phép?

Theo quy định, muốn lập bãi tập kết cát sỏi ven sông, phải được sự nhất trí của các sở, ban, ngành có liên quan và các hồ sơ, giấy tờ có liên quan, đó là chưa kể đến việc phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường của bãi tập kết cát sỏi và phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cùng nhiều hồ sơ liên quan thì mới được phép đi vào hoạt động.

Một trong những hợp đồng thuê đất của UBND huyện Kim Sơn
Một trong những hợp đồng thuê đất của UBND huyện Kim Sơn

Vậy nhưng, trên địa bàn huyện Kim Sơn hiện có tới 15 bãi cát ngày đêm ngang nhiên hoạt động suốt nhiều năm nay nhưng chính quyền địa phương lại không hề hay biết bãi cát nào có phép, bãi nào không phép?

Rất mong UBND tỉnh Ninh Bình nhanh chóng kiểm tra, làm rõ những sai phạm trên, xử lý nghiêm những cá nhân, tập thể có liên quan.

Bài & ảnh: Anh Tú

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp vụ sông Vạc oằn mình vì "cát tặc": Hé lộ nhiều sai phạm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO