Tài nguyên

Nhà khoa học, nhà quản lý nêu quan điểm về thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản hướng tới phát triển xanh

Mai Đan 24/04/2024 - 17:42

(TN&MT) - Chiều 24/4 tại Hà Nội, trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế về Công nghiệp Khai thác, Khôi phục tài nguyên khoáng sản và Xây dựng (Mining Vietnam) 2024, Trường Đại học Mỏ - Địa chất phối hợp với Công ty TNHH Dịch vụ Triển lãm SES Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Kinh tế tuần hoàn và sự đóng góp của ngành công nghiệp khai thác”.

Sự kiện này đánh dấu lần thứ 5 phối hợp của Trường Đại học Mỏ - Địa chất với SES Việt Nam trong việc tổ chức các hội nghị khoa học trong khuôn khổ Triển lãm Mining Vietnam.

_mg_4016.jpg
GS.TS Trần Thanh Hải - Hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ - Địa chất phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS Trần Thanh Hải - Hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ - Địa chất cho biết: Trong bối cảnh của sự dịch chuyển nền kinh tế hướng tới kinh tế tuần hoàn, phát triển xanh và bền vững, việc định hình một tương lai phát triển của ngành công nghiệp khai thác tài nguyên địa chất là hết sức quan trọng để đảm bảo cho việc duy trì chuỗi cung ứng nguyên liệu truyền thống, tìm kiếm và phát triển các nguồn tài nguyên mới để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, đồng thời bảo vệ được môi trường là hết sức cấp thiết.

Các chủ đề của triển lãm và hội thảo liên quan mật thiết đến các lĩnh vực nghiên cứu khoa học và đào tạo thế mạnh của Trường Đại học Mỏ - Địa chất, đặc biệt là trong lĩnh vực thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản, môi trường, vật liệu thông minh trong xây dựng.

Hội thảo là dịp để các nhà khoa học, các chuyên gia trong và ngoài nước chia sẻ và thảo luận các kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm, kết quả nghiên cứu và các xu thế phát triển, các công nghệ mới trong các lĩnh vực liên quan đến chủ đề của hội thảo.

Đồng thời, hội thảo cũng là cơ hội để kết nối hợp tác giữa các nhà khoa học, các chuyên gia, giữa trường đại học và doanh nghiệp, giữa trường đại học và cộng đồng hướng tới sự phát triển xanh và bền vững, là tiền đề cho các hợp tác nghiên cứu khác trong tương lai.

_mg_4064.jpg
Ông Đặng Ngọc Thanh - Phó Giám đốc Công ty cổ phần Đồng Tả Phời chia sẻ tại hội thảo

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Đặng Ngọc Thanh - Phó Giám đốc Công ty cổ phần Đồng Tả Phời mong muốn trong thời gian tới, công ty và Trường Đại học Mỏ - Địa chất sẽ cùng nhau hợp tác để đưa ra các giải pháp thải khô đuôi quặng góp phần đảm bảo an toàn, giảm thiểu ảnh hưởng môi trường, giảm diện tích đất sử dụng để chứa đuôi thải và tiết kiệm chi phí.

Nhận định về lĩnh vực tài nguyên khoáng sản trong năm 2024, ông Lê Ngọc Sơn, Giám sát trưởng Dự án Khai thác - Địa chất, Công ty Masan High-Tech Materials cho biết, cạnh tranh về tài nguyên khoáng sản quan trọng là yếu tố rủi ro đứng thứ 7 trong Top 10 rủi ro hàng đầu.

Trích dẫn “Mười rủi ro hàng đầu” thế giới được Eurasia Group công bố đầu năm nay, ông Sơn cho biết, các chính phủ trên thế giới sẽ thực hiện các biện pháp bảo hộ nhằm làm gián đoạn dòng chảy của các khoáng sản quan trọng, làm tăng biến động giá cả và định hình lại chuỗi cung ứng hạ nguồn. Masan High-Tech Materials đã ý thức được đầy đủ vấn đề và đã chuẩn bị mọi nguồn lực cần thiết sẵn sàng thích ứng với những thách thức trong bối cảnh hiện tại.

_mg_4045.jpg
Quang cảnh hội thảo

Tại Hội thảo, các chuyên gia và nhà khoa học cũng chia sẻ, trao đổi về các nội dung như: Công nghệ và thiết bị lọc hơi nước tăng áp trong tuyển khoáng, luyện kim và tái chế; khai thác khoáng sản theo hướng bền vững - thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh; xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn trong khai thác mỏ Kaolin; kinh tế tuần hoàn cho Niken xanh tại Việt Nam dưới quan điểm kỹ thuật của Blackstone Minerals Limited; nghiên cứu lựa chọn công nghệ thu hồi các nguyên tố có giá trị từ bụi lò cao.

Triển lãm Mining Vietnam 2024 sẽ diễn ra từ ngày 24-26/4/2024 tại Cung Triển lãm Kiến trúc - Quy hoạch Xây dựng Quốc gia (NECC), Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà khoa học, nhà quản lý nêu quan điểm về thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản hướng tới phát triển xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO