Ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị. |
PV: Xin ông cho biết, sau nhiều năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 19, tỉnh đã đạt những kết quả gì?
Ông Hà Sỹ Đồng:
Thực hiện Nghị quyết 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo tổ chức, triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Cùng với đó, Luật Đất đai 2013 đã tạo “cú huých” lớn, là nền tảng, có tác động mạnh mẽ về nhiều mặt, nhất là đối với kinh tế của tỉnh Quảng Trị. Công tác quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn thời gian qua đạt nhiều kết quả tích cực.
Cụ thể, về giao đất, cho thuê đất, từ 1/7/2014 đến nay, tỉnh đã tiến hành giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với 318 dự án, tổng diện tích 626,40ha; giao đất có thu tiền sử dụng đất 3 dự án với tổng diện tích 2,22ha; cho thuê đất trả tiền một lần 18 dự án với tổng diện tích 89,46ha; cho thuê đất đất trả tiền hàng năm là 259 dự án, với tổng diện tích 2997,56ha; chuyển mục đích sử dụng đất 41,22ha.
Từ ngày 1/7/2014 đến 31/12/2020, Sở TN&MT đã tiến hành thanh, kiểm tra đối với 210 khu đất thực hiện dự án có dấu hiệu vi phạm. Qua đó thu hồi 43 khu đất có vi phạm pháp luật đất đai. Cơ quan chức năng cũng phạt vi phạm hành chính 21 dự án với số tiền 191,5 triệu đồng.
Tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đạt từ 34,24% đến 100%. Tại Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo, cơ bản đã giao đất cho các nhà đầu tư thực hiện dự án. Với Khu kinh tế Đông Nam, đến nay đã cho thuê đất hơn 25 dự án và chấp thuận chủ trương đầu tư 50 dự án. Tỉnh cũng đã giao đất, cấp giấy chứng nhận cho 238 cơ sở tôn giáo, với diện tích 785.091m2.
Quảng Trị đã và đang đạt nhiều kết quả quan trọng trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai |
PV: Công tác thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh được thực hiện ra sao, thưa ông?
Ông Hà Sỹ Đồng:
Từ 1/7/2014 đến nay, tỉnh đã thu hồi 298 dự án vào mục đích quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng với tổng diện tích 1.683,26ha.
Việc ban hành Quyết định thu hồi đất được thực hiện đảm bảo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật đất đai. Đối với việc thu hồi đất vào mục đích quốc phòng, an ninh (Điều 61 Luật Đất đai) và thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 62 Luật Đất đai), UBND tỉnh đã ủy quyền cho UBND cấp huyện quyết định thu hồi đất đối với khu đất vừa có đất của hộ gia đình, cá nhân và vừa có đất của tổ chức.
Trong khi đó, tỉnh đã bố trí 26,66ha đất tái định cư cho 432 hộ dân. Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất luôn được UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện đảm bảo kịp thời, đúng quy định, được cụ thể hóa những vấn đề thuộc thẩm quyền được giao UBND tỉnh quy định; bổ sung, điều chỉnh những nội dung phát sinh trong quá trình thực hiện để ban hành quy định chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các đoàn thể và UBND cấp huyện trong công tác tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đến các tầng lớp nhân dân nhằm vận động, làm rõ lợi ích về nhiều mặt của dự án, qua đó thuyết phục nhân dân thực hiện nghiêm các quy định. Có thể nói công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để giải phóng mặt bằng các công trình, dự án trên địa bàn toàn tỉnh đạt tiến độ yêu cầu, đảm bảo các quy định.
PV: Thưa ông, tỉnh có kiến nghị và đề xuất gì để nâng cao hiệu quả thi hành Luật Đất đai tại địa phương?
Ông Hà Sỹ Đồng:
Nhìn chung, công tác quản lý đất đai ở địa phương đã đi vào nền nếp. Tỉnh đang triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai trên phạm vi toàn tỉnh để tháo gỡ khó khăn trong công tác quản lý. Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều vướng mắc như sự chồng chéo giữa Luật Đất đai 2013 với các Luật khác như Luật Đầu tư, Luật Lâm nghiệp... Mặt khác, lực lượng quản lý đất đai còn mỏng, chưa đáp ứng được yêu cầu.
Để nâng cao hiệu quả thi hành Luật Đất đai và sớm giải quyết các bất cập tại địa bàn, UBND tỉnh đã báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường một số vấn đề, có thể kể đến như tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai một cách đầy đủ, kịp thời, trong đó cần chú trọng việc nghiên cứu bổ sung chính sách điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất không phải do người sử dụng đất tạo ra. Rà soát, điều chỉnh kịp thời các mâu thuẫn, chồng chéo giữa các Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật một cách đồng bộ, rõ ràng, cụ thể. Tạo được cơ chế tiếp cận đất đai để thực hiện các công trình dự án một cách thuận lợi, không rườm rà, mất nhiều thời gian của tổ chức, doanh nghiệp cũng như các cơ quan Nhà nước. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong quản lý, sử dụng đất. Bố trí đủ kinh phí cho công tác quản lý đất đai, trước mắt cần tập trung hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai...
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Từ năm 2014 đến nay, Sở TN&MT tỉnh đã tổ chức 12 hội nghị tuyên truyền, phổ biến Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành; tổ chức soạn thảo, in ấn 8.000 tờ rơi tuyên truyền về nghĩa vụ của người sử dụng đất và giải quyết tranh chấp, khiếu nại trong lĩnh vực đất đai...