Thủy điện nhỏ - Mối lo lớn: Cần một hành lang pháp lý đủ mạnh

23/05/2017 00:00

(TN&MT) – Bên cạnh những tranh chấp do quy hoạch, ảnh hưởng tới người dân khu vực dự án, nhiều thủy điện không chấp hành các quy định của pháp luật hiện hành.

Phân cấp chưa rõ ràng

Tại Hội nghị về vận hành an toàn, hiệu quả hồ chứa thủy điện do Bộ Công Thương tổ chức tại Đà Nẵng mới đây, nhiều lãnh đạo UBND địa phương, doanh nghiệp, các nhà khoa học đều cho rằng: Công tác quản lý và vận hành các hồ chứa thuỷ điện còn nhiều vấn đề cần giải quyết từ khâu đầu tư xây dựng, vận hành, khai thác, quản lý gây bức xúc cho xã hội. Cụ thể, năng lực quản lý chuyên môn ở một số địa phương còn hạn chế, thiếu kinh nghiệm. Không ít chủ đầu tư, dự án không đủ năng lực, chưa chấp hành các quy định của pháp luật, đặc biệt là vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường. Do vậy, đã đến lúc cần phải siết chặt các quy trình quản lý, vận hành nhằm đảm bảo các thủy điện hoạt động an toàn, hiệu quả, giảm thiểu những rủi ro thiệt hại có thể xảy ra cho người dân.

Theo Bộ Công Thương, hiện nay, để quản lý, vận hành các hồ chứa thủy điện đã có 5 Luật và Pháp lệnh; 6 Nghị định; 4 Thông tư và nhiều quy chuẩn, tiêu chuẩn khác. Tuy vậy, việc rà soát để cập nhật, sửa đổi, bổ sung quy trình vận hành (QTVH) liên hồ, đơn hồ chưa được thường xuyên nên QTVH đơn hồ chưa phù hợp với QTVH liên hồ; quy trình đơn hồ chưa phù hợp với tình hình thay đổi hành lang thoát lũ, tình hình thực tế và quy định hiện hành; quy trình liên hồ chưa chỉ định chủ thể điều hành việc vận hành của các chủ hồ trên cùng dòng sông hay cùng lưu vực đi qua nhiều tỉnh.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, số liệu khí tượng thủy văn phục vụ công tác vận hành còn thiếu và yếu, do mật độ trạm quan trắc của ngành khí tượng thủy văn còn mỏng, chất lượng dự báo chưa cao. Các trạm quan trắc do các chủ hồ tự lắp đặt lại có độ tin cậy không cao và quá ít so với yêu cầu. Đồng thời, trong hành lang thoát lũ, một số hồ chứa thủy điện còn đông dân cư sinh sống, sản xuất nông nghiệp, công trình xây dựng... gây cản trở khả năng thoát lũ và có thể gây mất an toàn cho vùng hạ du khi các hồ chứa thủy điện vận hành xả lũ…

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, tới đây, Bộ Công Thương sẽ chủ động đề xuất với Bộ TN&MT thành lập nhóm công tác liên Bộ làm việc cụ thể với các địa phương có thủy điện lớn, số lượng thủy điện nhiều để thống nhất các biện pháp cụ thể cũng như phân cấp trách nhiệm rõ ràng cho từng đơn vị ở địa phương. Đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo các địa phương trong việc đôn đốc kiểm tra việc chấp hành pháp luật, quy trình xả lũ của các đập thủy điện tại địa phương mình quản lý.

Không đánh đổi môi trường

 Trước đây, có một giai đoạn các địa phương ồ ạt cấp phép cho các dự án thủy điện theo kiểu “nhà nhà làm thủy điện”. Nhưng hiện nay, nhiều địa phương đã nhìn nhận được việc phát triển ồ ạt thủy điện gây ảnh hưởng xấu tới môi trường.

Đơn cử như Hà Giang, đã có lúc có đến 72 dự án thủy điện được cơ quan chức năng phê duyệt quy hoạch, với tổng công suất lắp máy lên đến 768,8MW, nhưng sau khi rà soát, UBND tỉnh Hà Giang thống nhất loại khỏi quy hoạch 27 dự án thủy điện vì năng lực yếu – kém (số liệu năm 2013).

Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch tỉnh Hà Giang khẳng định, các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh ảnh hưởng tới môi trường, dân sinh không lớn vì dung tích hồ chứa nhỏ, chủ yếu là điều tiết ngày đêm; số hộ bị ảnh hưởng và diện tích chiếm dụng đất ít; không có dự án chuyển nước trong lưu vực nên không làm ảnh hưởng đến nước sinh hoạt cũng như phục vụ tưới tiêu, sản xuất nông nghiệp của người dân… Song, nhằm hạn chế tối đa những ảnh hưởng tiêu cực của dự án đến đời sống nhân dân, trong những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Giang đã thường xuyên chỉ đạo các ngành, chính quyền làm tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân, làm cho họ hiểu những lợi ích và lâu dài của các dự án. Đồng thời, chỉ đạo các ngành thường xuyên kiểm tra, đôn đốc hướng dẫn chủ đầu tư, cải cách hành chính theo hướng nhanh gọn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, mang lại hiệu quả cho chủ đầu tư, tạo diện mạo mới cho môi trường thu hút của tỉnh.

“Quan điểm của tỉnh đối với các dự án thủy điện là khuyến khích và tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư đến đầu tư trên địa bàn. Tuy vậy, sẽ không cấp phép đầu tư với các dự án có ảnh hưởng tiêu cực đến an sinh xã hội và cảnh quan môi trường, đồng thời, sẽ xử lý nghiêm đối với các thủy điện không tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật hiện hành”, ông Nguyễn Văn Sơn nói.

Đồng quan điểm với ông Nguyễn Văn Sơn, ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch tỉnh Cao Bằng cho rằng, không chỉ riêng trong lĩnh vực thủy điện, các dự án đầu tư nói chung đều có ảnh hưởng ít nhiều đến môi trường, xáo trộn một phần đời sống của người dân trong vùng dự án. Do đó, để hạn chế thấp nhất các ảnh hưởng của các dự án thủy điện với môi trường và dân sinh, lãnh đạo tỉnh Cao Bằng đã giao Sở Công Thương chủ trì phối hợp với các Sở ngành chức năng kiểm tra hàng năm với các chủ đầu tư dự án thủy điện về quy trình vận hành hồ chứa, phòng chống lụt bão và việc chấp hành các quy định của pháp luật liên quan.

Trường Giang 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủy điện nhỏ - Mối lo lớn: Cần một hành lang pháp lý đủ mạnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO