Thúc đẩy tái sử dụng, tái chế chất thải trong mô hình kinh tế chia sẻ

Hoàng Ngân| 25/08/2021 20:57

(TN&MT) - Chiều 25/8, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân chủ trì cuộc họp trực tuyến để nghe Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường báo cáo Đề án thúc đẩy tái sử dụng, tái chế chất thải trong các lĩnh vực có liên quan đến mô hình kinh tế chia sẻ.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp

Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (CLCS TN&MT) Nguyễn Trung Thắng cho biết: Mục tiêu tổng quát của Đề án nhằm tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải trong các lĩnh vực có liên quan đến mô hình kinh tế chia sẻ (KTCS), góp phần thúc đẩy quản lý tổng hợp chất thải rắn, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, hướng tới phát triển bền vững đất nước.

Cụ thể, các quy định pháp luật, định hướng chiến lược về tái sử dụng, tái chế chất thải, chuyển đổi số và phát triển các mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng số (KDTNTS) được xây dựng trong Dự thảo Nghị định và Thông tư hướng dẫn thi hành Luật BVMT 2020, chiến lược quản lý chất thải rắn quốc gia, quy hoạch BVMT quốc gia, góp phần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý chất thải; tăng cường tái sử dụng chất thải thông qua nâng cao nhận ý thức trách nhiệm của xã hội, cộng đồng; tạo điều kiện cho hoạt động tái sử dụng chất thải trong các lĩnh vực có liên quan đến mô hình KTCS.

Cùng với đó, thúc đẩy tái chế chất thải trong các lĩnh vực có liên quan đến mô hình KTCS thông qua các giải pháp quy hoạch, phân bổ nguồn lực, hỗ trợ phát triển hạ tầng; từng bước phát triển ngành công nghiệp tái chế; phấn đấu đến 2025 có 50% chất thải rắn sinh hoạt đô thị được tái sử dụng, tái chế hoặc xử lý kết hợp thu hồi năng lượng; khuyến khích chuyển đổi số, phát triển, ứng dụng các mô hình KDTNTS trong quản lý chất thải để thúc đẩy tái sử dụng, tái chế; phấn đấu đến 2025 có ít nhất 63 doanh nghiệp được đào tạo, tập huấn; 3 mô hình KDTNTS trong quản lý chất thải được thí điểm phát triển.

Ông Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện CLCS TN&MT báo cáo tại cuộc họp.

Để thực hiện thành công các mục tiêu đó, dự thảo Đề án cũng đề ra các nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm. Trong đó, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để thúc đẩy tái sử dụng và tái chế chất thải trong các lĩnh vực có liên quan đến mô hình KTCS đồng thời thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng các mô hình KDTNTS trong quản lý chất thải.

Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cộng đồng, xã hội; tạo điều kiện thúc đẩy tái sử dụng, tái chế chất thải trong các lĩnh vực có liên quan đến mô hình kinh tế chia sẻ. Thúc đẩy tái chế chất thải trong các lĩnh vực có liên quan đến mô hình KTCS; từng bước phát triển ngành công nghiệp tái chế. Đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển, ứng dụng các mô hình KDTNTS trong quản lý chất thải để thúc đẩy tái sử dụng, tái chế. Đề án cũng đưa ra 7 nhiệm vụ, dự án ưu tiên thực hiện.

Tại cuộc họp, các chuyên gia, nhà khoa học đánh giá cao những nỗ lực trong việc Viện CLCS TN&MT xây dựng đề án kỳ công. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng đưa ra một số góp ý để hoàn thiện dự thảo đề án này.

Theo ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, Viện cần rà soát lại nội dung Đề án với các chiến lược khác để tránh trùng lặp, nên tập trung vào các mục tiêu, nhóm giải pháp cụ thể có liên quan đến thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ. Liên quan đến nội dung khuyến khích chuyển đổi số, phát triển, ứng dụng các mô hình KDTNTS trong quản lý chất thải để thúc đẩy tái sử dụng, tái chế. Đây là biện pháp từ góc độ cơ quan quản lý Nhà nước nhưng trên thực tế liệu có phát triển được hay không là do sự hưởng ứng của khối doanh nghiệp tư nhân.

Còn PGS.TS Nguyễn Danh Sơn - Viện Hàn lâm Khoa học và Xã Hội Việt Nam cho rằng, cần xem xét, làm rõ hơn khái niệm nội hàm kinh tế chia sẻ; tiếp cận từ chất thải, nguồn thải, từ đó, xác định xem loại chất thải nào thì mới áp dụng kinh tế chia sẻ. Về quan điểm của Đề án thì quan điểm 1 và 3 gần như không liên quan đến kinh tế chia sẻ mà chỉ liên quan đến kinh tế tuần hoàn. Một số mục tiêu cụ thể cần nghiên cứu kỹ hơn, đảm bảo đúng và sát với mô hình kinh tế chia sẻ. Còn đối với nhiệm vụ và giải pháp cần cụ thể hơn để xác định danh mục dự án ưu tiên.

Ngoài ra, ông Nguyễn Hồng Quân – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn TP. Hồ Chí Minh đề xuất mở rộng phạm vi Đề án để tạo nên những giá trị lớn hơn, có tác động đến kinh tế - xã hội, đồng thời, tránh được một số vấn đề trùng lắp liên quan đến quản lý rác thải. Bên cạnh đó, ngoài thực hiện dự án thí điểm về cơ chế pháp lý thử nghiệm có kiểm soát về phát triển, áp dụng KDTNTS trong quản lý chất thải ở TP. Hồ Chí Minh cũng nên thí điểm các mô hình cho lĩnh vực khác.

Chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân yêu cầu Viện CLCS TN&MT tiếp thu ý kiến của các đại biểu, đồng thời, cần làm rõ các mục tiêu đạt được cụ thể của Đề án để từ đó, xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp và đề xuất các nhiệm vụ ưu tiên để có thể thúc đẩy mô hình KTCS phát triển trong lĩnh vực tái chế, tái sử dụng. Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường phối hợp với Viện để thông qua nền tảng số vận hành mô hình kinh tế chia sẻ hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy tái sử dụng, tái chế chất thải trong mô hình kinh tế chia sẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO