Tập đoàn ALBA Châu Á: Doanh nghiệp tái chế tiên phong toàn cầu
(TN&MT) - Nền tái chế Việt Nam đang có nhiều lợi thế để vươn tầm châu lục và thế giới. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp tái chế hàng đầu thế giới đã nhìn nhận và chuyển hướng đầu tư vào Việt Nam, trong đó có Tập đoàn ALBA Châu Á.
Để hiểu rõ hơn về những tiềm lực và trở ngại của nền tái chế Việt Nam, Báo Tài nguyên và Môi trường đã trò chuyện cùng với Ông Jakob Lambsdorff - Trưởng Ban Đô thị thông minh, Tập đoàn ALBA Châu Á.
PV: Là một doanh nghiệp đầu tư và phát triển trong lĩnh vực tái chế từ rất sớm, khi mà khái niệm tái chế, và tái sử dụng các sản phẩm đã thải bỏ là điều “không tưởng”, vậy đến nay, quy mô và tầm vóc của Tập đoàn ALBA Châu Á ra sao thưa ông?
Ông Jakob Lambsdorff: Là công ty dẫn đầu toàn cầu về giải pháp kinh tế tuần hoàn và bền vững, Tập đoàn ALBA châu Á và chi nhánh châu Âu của chúng tôi có hơn 3.000 nhân viên và hơn 50.000 khách hàng hài lòng. Với 32 năm kinh nghiệm, chúng tôi là công ty tiên phong toàn cầu về quản lý tài nguyên tuần hoàn và bền vững. Hoạt động trên 5 quốc gia ở châu Á và hơn 10 quốc gia ở châu Âu, chúng tôi vận hành hơn 50 dự án và có kế hoạch mở rộng hơn trong tương lai.
Tại châu Á, chúng tôi tập trung vào 5 thế mạnh:
Một là giải pháp thành phố thông minh, hiện chúng tôi đang dẫn đầu trong việc tích hợp các chiến lược đổi mới và công nghệ kỹ thuật số để giải quyết các thách thức đô thị ngày càng tăng. Từ việc quản lý khối lượng rác thải tăng nhanh đến xây dựng các hệ thống thu hồi và quy trình phân loại, mục tiêu của chúng tôi là hỗ trợ các thành phố tiến tới nền kinh tế tuần hoàn.
Hai là giải pháp tái chế nhựa, ALBA thu gom rác thải nhựa và xử lý thành nguyên liệu thô chất lượng cao. Nỗ lực này không chỉ góp phần giảm thiểu ô nhiễm nhựa mà còn thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, bền vững.
Ba là sử dụng công nghệ lên men sinh học tiên tiến, các dự án khí xanh của ALBA tập trung vào việc tái chế chất thải hữu cơ thông qua vận hành các nhà máy khí sinh học. Những sáng kiến này nêu bật chuyên môn của chúng tôi trong việc khai thác năng lượng xanh và giảm tác động đến môi trường thông qua các giải pháp cải tiến biến rác thải thành năng lượng.
Bốn là quản lý và tái chế chất thải nguy hại, ALBA cung cấp các giải pháp tùy chỉnh từ phân loại, vận chuyển và lưu trữ đến tái chế và xử lý. Chúng tôi cũng tư vấn cho khách hàng về việc tối ưu hóa các quy trình và chiến lược ngăn ngừa rác thải, đảm bảo tuân thủ và an toàn môi trường.
Năm là phát triển bền vững, giáo dục và gắn kết cộng đồng, ALBA đã thực hiện các chương trình cộng đồng thu hút mọi lứa tuổi và tổ chức các sáng kiến giáo dục tại các nhà máy của chúng tôi ở khắp châu Á. Các chương trình này mang đến cho học sinh cơ hội tìm hiểu về xử lý, tái chế và thu hồi vật liệu, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm đối với môi trường.
Với cam kết kiên định về đổi mới, bền vững và quan hệ đối tác toàn cầu, ALBA tiếp tục dẫn đầu trong việc xây dựng nền kinh tế xanh hơn và tuần hoàn hơn cho các thế hệ mai sau.
PV: Ông đánh giá thế nào về chính sách Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) trong Luật Bảo vệ môi trường 2020? Đây có phải là “cú hích” để Tập đoàn ALBA Châu Á quyết định đầu tư vào Việt Nam hay không?
Ông Jakob Lambsdorff: Hiện tại, chúng tôi là nhà điều hành chính thức hệ thống EPR tại Singapore và Hồng Kông. Cụ thể, tại Singapore, chúng tôi là PRO đảm nhiệm vai trò vận hành hệ thống thu gom chất thải điện tử của Chính phủ Singapore, và tại Hồng Kông, chúng tôi vận hành hệ thống EPR của Chính phủ bao gồm từ thu gom đến xử lý chất thải điện tử, trong đó có cả nhà máy xử lý hiện đại, công nghệ cao (WEEE Park).
Trước đó, chúng tôi đã có kinh nghiệm vận hành hệ thống EPR trên khắp châu Âu. Những kinh nghiệm này đã giúp chúng tôi thấu hiểu được những khó khăn trong quá trình vận hành hệ thống EPR và thiết kế được các giải pháp thích hợp.
Chúng tôi đánh giá cao Chính phủ Việt Nam vì những nỗ lực trong việc xây dựng chính sách EPR. Tại Việt Nam, chính sách EPR được xây dựng toàn diện hơn và mở rộng hơn so với các nước trong khu vực như Hồng Kông và Singapore. Điều này khẳng định cam kết và quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam trong việc quản lý và giảm thiểu chất thải sau tiêu dùng.
Các mục tiêu tái chế bắt buộc của chính sách này càng thể hiện rõ hơn tính chất tiến bộ của nó, đảm bảo rằng tất cả các nhà sản xuất và nhập khẩu đều đóng góp một cách công bằng vào việc quản lý môi trường. Hơn nữa, việc quy định nhiều hình thức tái chế là một bước đi chiến lược, cho phép ngành tái chế có thêm thời gian để tăng cường năng lực tái chế, kịp thời đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn về thu gom và xử lý chất thải.
Chúng tôi kỳ vọng rằng, chính sách EPR tại Việt Nam sẽ được thực thi và giám sát chặt chẽ trong thời gian tới. Đây là một trong những yếu tố quan trọng thu hút các nhà đầu tư tư nhân như chúng tôi. Chúng tôi luôn sẵn sàng đầu tư và áp dụng những công nghệ tái chế tiên tiến nhất hiện nay vào thị trường Việt Nam nếu như chính sách này đảm bảo được thực thi một cách nghiêm túc và công bằng.
PV: Với kinh nghiệm hơn 50 năm trong lĩnh vực tái chế và đã chinh phục nhiều thị trường lớn trên thế giới, theo ông, nền tái chế của Việt Nam đang ở đâu trong “bản đồ” tái chế thế giới? Tiềm năng và thách thức của thị trường này là gì?
Ông Jakob Lambsdorff: Tái chế là quá trình thu hồi, lấy lại giá trị của vật liệu thải bỏ. Và, để nền tái chế phát triển, yếu tố cót lõi nhất là xây dựng hệ thống thu gom rác thải đầu vào và thị trường đầu ra cho sản phẩm tái chế.
Chúng tôi cho rằng, nền tái chế của Việt Nam đang có nhiều lợi thế phát triển để vươn tầm khu vực và châu lục. Trong đó phải kể đến lợi thế về vị trí địa lý, nền chính trị ổn định và sự năng động của nền kinh tế hiện tại.
Tuy nhiên, đầu tư vào lĩnh vực tái chế tại Việt Nam hiện nay vẫn đang là một thách thức đối với các doanh nghiệp tư nhân như chúng tôi. Khi phát triển các dự án tái chế nhựa, chúng tôi gặp không ít khó khăn trong việc thuyết phục chính quyền địa phương ủng hộ và hỗ trợ dự án. Nhiều địa phương vẫn còn tâm lí e ngại và “né tránh” các dự án tái chế vì lo sợ các sự cố môi trường từ các dự án này.
Bên cạnh đó, thủ tục hành chính phê duyệt dự án tại Việt Nam mất khá nhiều thời gian với những thủ tục nghiêm ngặt. Những thủ tục này là cần thiết với những dự án có ảnh hưởng sâu, rộng đến môi trường sống và an sinh của người dân. Tuy nhiên, chúng tôi hy vọng Chính phủ Việt Nam sẽ có những điều chỉnh phù hợp, để tạo cơ chế mở và khuyến khích, giúp các nhà đầu tư có đủ năng lực về tài chính và công nghệ có thể tự tin hơn khi đầu tư vào Việt Nam.
PV: Ông có khuyến nghị gì để nền tái chế Việt Nam phát huy tiềm năng và vượt qua thách thức trong thời điểm hiện tại cũng như tương lai?
Ông Jakob Lambsdorff: Chúng tôi cho rằng, để phát huy hết tiềm năng của mình, Việt Nam phải phân bổ nguồn lực của Chính phủ một cách có chiến lược để tăng cường đầu tư công vào cơ sở hạ tầng thu gom rác thải, thực thi luật nghiêm ngặt hơn để ngăn chặn các hoạt động tái chế bất hợp pháp, đồng thời tạo ra nhiều động lực và cởi mở hơn đối với các hoạt động tái chế chính thức, tuân thủ, có lợi cho môi trường và an toàn. Những bước đi này sẽ mở đường cho Việt Nam dẫn đầu khu vực về quản lý và tái chế chất thải bền vững.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!