Thừa Thiên Huế thành lập nhiều khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Văn Dinh| 16/04/2020 06:21

(TN&MT) - Nhằm tăng cường công tác bảo vệ nơi cư trú, tập trung sinh sản, bãi giống, bãi đẻ thủy sản và tổ chức khai thác, sử dụng chung bền vững nguồn lợi thủy sản, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ra nhiều quyết định cho thành lâp các khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Cụ thể, thành lập Khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản Hòn Voi - Vũng Đèo có diện tích 557 ha mặt nước tự nhiên đầm phá thuộc địa giới hành chính xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc. Gồm 2 vùng: vùng lõi bảo vệ có diện tích 35 ha và vùng khai thác, sử dụng chung có diện tích 522 ha.

Thành lập Khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản Đá Dầm có diện tích 714 ha mặt nước tự nhiên đầm phá thuộc địa giới hành chính xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc. Gồm 2 vùng: Vùng lõi bảo vệ có diện tích 30 ha và vùng khai thác, sử dụng chung có diện tích 684 ha.

Thừa Thiên Huế thành lập nhiều khu bảo vệ thủy sản

Ngoài ra, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế còn cho thành lập Khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản An Xuân, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản Vũng Mệ (huyện Quảng Điền); Khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản Doi Mai Bống, Khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản Doi Chỏi, Khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản Vũng Điện (huyện Phú Vang).

Tại các khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bên cạnh việc nghiêm cấm hoàn toàn các hoạt động kinh tế làm ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản tự nhiên và môi trường thủy sinh, bao gồm khai thác thủy sản (động vật và thực vật thủy sinh) ; Nuôi trồng thủy sản (động vật và thực vật thủy sinh); Xây dựng các công trình sản xuất (bao gồm cả công trình nhà ở); Chăn thả gia súc, gia cầm vào vùng lõi bảo vệ. Quyết định nêu rõ các hoạt động có điều kiện: Hoạt động khai thác thủy sản để nghiên cứu khoa học và hoạt động tiêu diệt thủy sản địch họa trong vùng lõi bảo vệ phải được sự chấp thuận của Chi cục Thủy sản theo quy định của pháp luật; Hoạt động giao thông thủy được phép qua lại vô hại nhưng không được dừng tàu thuyền trong vùng lõi bảo vệ; Hoạt động du lịch sinh thái được phép khi có sự giám sát của cộng đồng ngư dân địa phương.

Ngoài ra, Quyết định cũng quy định rõ các hoạt động trong vùng khai thác, sử dụng chung: Điều tra, nghiên cứu khoa học về loài thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản; Khai thác thủy sản, nuôi trồng thủy sản, du lịch giải trí gắn với hoạt động thủy sản theo quy định của pháp luật; Tuần tra, kiểm soát việc thực thi pháp luật.

Với diện tích mặt nước 22.000 ha, trải dài trên 68 km, tỉnh Thừa Thiên Huế có hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai rộng lớn nhất Đông Nam Á. Đây là nơi cư ngụ của hơn 900 loài động thực vật, trong đó có 187 loài cá có giá trị. Nguồn lợi thủy sản dồi dào này là sinh kế, thu nhập cho một bộ phận không nhỏ cư dân đầm phá vốn chiếm đến 33% dân số toàn tỉnh.

Việc khai thác gắn với bảo vệ hệ sinh thái đầm phá Tam Giang - Cầu Hai là mục tiêu lớn được tỉnh Thừa Thiên Huế đặc biệt quan tâm. Thực tế cho thấy, việc thành lập các khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã mang lại hiệu quả thấy rõ. Không chỉ bảo vệ ngôi nhà chung cho thủy sản, mô hình còn góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của ngư dân trong bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản. Đến nay, Thừa Thiên Huế đã có hơn 30 khu bảo vệ thủy sản được thành lập.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên Huế thành lập nhiều khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO