Tham vấn cộng đồng trong ĐTM: Từng bước đi vào thực chất

07/05/2015 00:00

(TN&MT) - Vai trò của cộng đồng trong quá trình đánh giá tác động môi trường (ĐTM), từ khâu lập báo cáo, kiểm tra, giám sát sau khi dự án đi vào hoạt động đã và đang đi vào thực chất, góp phần đảm bảo quyền lợi người dân, gắn nghĩa vụ thực hiện các cam kết bảo vệ môi trường (BVMT) của chủ đầu tư với việc giám sát của cộng đồng.

Cụ thể hóa  quyền môi trường

Ngày nay, bảo vệ môi trường ngày càng được các cá nhân, cơ quan, tổ chức mà đặc biệt là Nhà nước quan tâm. Chính vì vậy, không chỉ pháp luật mà Hiến pháp cũng từng bước ghi nhận và bảo đảm chính sách bảo vệ môi trường. Tại Việt Nam, pháp luật bảo vệ môi trường đã được cụ thể hóa trong Hiến pháp.

Hiến pháp 2013 được ban hành có rất nhiều nội dung liên quan đến bảo vệ môi trường và được quy định tại các Điều 43, 50 và 63. Việc quy định tại điều 43 (Chương II quy định quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân) đã khẳng định quyền được sống trong môi trường trong lành cũng như nghĩa vụ bảo vệ môi trường của mọi người. Điều này nghĩa là Nhà nước đã ghi nhận trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ môi trường.

Tiếp đến, Luật Bảo vệ môi trường 2014 đã cụ thể hóa một số nội dung liên quan đến quyền môi trường. Chương II của Luật BVMT 2014 đã quy định việc tham vấn trong xây dựng Quy hoạch BVMT và Đánh giá tác động Môi trường (ĐTM). Chương XV cũng đã quy định cụ thể về trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốcViệt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội – nghề nghiệp và cộng đồng dân dư trong BVMT. Các quyền về tiếp cận thông tin, cung cấp thông tin, tham gia giám sát thực thi chính sách – pháp luật và phản biện về bảo vệ môi trường đã được quy định tương đối rõ ràng.

Cộng đồng có tiếng nói quan trọng đẩy lùi tiêu cực môi trường từ các dự án sản xuất
Cộng đồng có tiếng nói quan trọng đẩy lùi tiêu cực môi trường từ các dự án sản xuất

Thực tiễn cho thấy, sự tham gia kịp thời và hiệu quả của cộng đồng và các bên liên quan sẽ mang lại lợi ích cho chính nhà đầu tư trong quá trình thực hiện ĐTM cũng như khi triển khai dự án. Các ý kiến phản hồi có thể hỗ trợ chủ đầu tư dự án xác định các rủi ro tiềm ẩn về mặt kinh tế, xã hội và môi trường mà quá trình thiết kế dự án có thể chưa tính đến, đồng thời gợi mở những phương án ứng phó và giảm thiểu rủi ro.

Các chuyên gia môi trường cho rằng, tham vấn công khai giúp nhà đầu tư thu thập thêm và kiểm tra chéo thông tin phục vụ quá trình ĐTM; tận dụng được trí tuệ và kinh nghiệm của các chuyên gia khác trong các lĩnh vực liên quan để hoàn thiện ĐTM, tận dụng được kiến thức bản địa để xây dựng các biện pháp giảm thiểu các tác động của dự án; củng cố sự tin tưởng của cộng đồng, chính quyền và các bên liên quan khác đối với chủ đầu tư; hạn chế được các xung đột khi triển khai dự án.

Khắc phục cơ chế “đại diện”

Luật BVMT 2005 và Nghị định 29/2011/NĐ-CP hướng dẫn thi hành áp dụng tham vấn cộng đồng thông qua cơ chế “đại diện”. Theo đó, chủ đầu tư chỉ phải tham vấn đại diện cộng đồng dân cư nơi chịu tác động trực tiếp của dự án. Tuy nhiên, pháp luật chưa quy định cụ thể chủ thể đại diện cho cộng đồng. Nghị định 21/2008/NĐ-CP trước đây quy định Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã là đại diện cộng đồng dân cư tham gia ý kiến trong quá trình thực hiện ĐTM dự án. Tuy nhiên, Nghị định 29/2011/NĐ-CP được ban hành thay thế cho Nghị định 21/2008/NĐ-CP không quy định về đại diện cộng đồng. Vì vậy, một số địa phương cho vẫn tiếp tục lấy ý kiến Mặt trận Tổ quốc cấp xã như đại diện cộng đồng.

Để rút bớt khoảng cách giữa thực tiễn áp dụng trong nước và chuẩn mực quốc tế, Luật BVMT 2014 đã có những bước tiến bộ nhất định khi mở rộng đối tượng tham vấn không chỉ bao gồm cộng đồng mà còn các cơ quan, tổ chức chịu tác động trực tiếp bởi dự án. Bên cạnh đó, vai trò của cộng đồng và Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội, xã hội nghề nghiệp trong phản biện và giám sát các vấn đề môi trường của dự án cũng được tăng cường (Chương XV).  Để cụ thể hóa những nguyên tắc và quy định chung trong Luật BVMT 2014 về sự tham gia của cộng đồng và các tổ chức xã hội, Nghị định 18/2015/NĐ-CP4 hướng dẫn về tham vấn trong quá trình lập ĐTM và Nghị định 19/2015/NĐ-CP5 hướng dẫn sự tham gia, giám sát trong công tác BVMT đã được ban hành.

Nghị định 18 đã khắc phục những hạn chế của cơ chế “đại diện” trước đây, do vậy, người dân được tham vấn trực tiếp thông qua họp cộng đồng dân cư do chủ đầu tư và UBND xã đồng chủ trì. Hơn nữa, quy trình tham vấn mới cũng bắt đầu xác lập cơ chế thông tin hai chiều khi buộc chủ đầu tư phải “nghiên cứu, tiếp thu những ý kiến khách quan, kiến nghị hợp lý của các đối tượng liên quan được tham vấn”.

Theo Luật BVMT 2014, ngoài những cơ quan chính quyền như UBND cấp xã, những tổ chức chịu tác động trực tiếp bởi dự án cũng sẽ được tham vấn. Tuy nhiên, nhóm đối tượng này cũng chưa được quy định rõ. Để đạt được hiểu quả tham vấn, nhóm này không chỉ bao gồm những tổ chức bị ảnh hưởng về cơ sở vật chất hay ô nhiễm thông thường mà cần mở rộng đối với những cơ quan liên quan thuộc phạm vi chức năng và nhiệm vụ được giao. Theo đó, các tổ chức xã hội – nghề nghiệp cũng cần được coi là đối tượng tham vấn trong các dự án có liên quan thuộc lĩnh vực hoạt động của tổ chức.

Hướng suy luận này là phù hợp với quy định của Điều 145 Luật BVMT 2014 khi tổ chức xã hội – nghề nghiệp có quyền được tham vấn đối với dự án có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Phương Anh

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tham vấn cộng đồng trong ĐTM: Từng bước đi vào thực chất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO