Tết này ở Mường Phăng

24/01/2017 00:00

(TN&MT) - Đường liên thôn, liên bản, liên xã của Mường Phăng, huyện Điện Biên nhộn nhàng người qua lại gấp năm, gấp bảy ngày dưng. Người người gồng gánh lá dong, gạo nếp, gà, vịt, lợn cắp nách; cá chép, trôi, trắm nhốt trong thùng trong chậu “khủng”; đào rừng nguyên cành to chở bằng xe thồ, cành nhỏ gom bó gùi trên lưng dồn về chợ trung tâm xã. Trai gái hồ hởi xúng xính trong những bộ áo quần dân tộc sặc sỡ... Xuân Đinh Đậu đang về với Mường Phăng!

Chúng tôi ngước mắt dõi lên ngọn núi cao chất ngất nơi phía mặt trời lên. Mây trắng từng mảng, từng mảng giăng giăng như những tấm voan mỏng manh, thơ mộng, bay bay, tựa như có bàn tay hư vô nào đó đang nhẹ nhàng vén bức mành mây cho hiện diện dáng hình núi non Mường Phăng uy nghi, trùng điệp giữa miền Tây Bắc. Thấy vậy, Chủ tịch xã Thẩm Thị Hiên hồ hởi, giọng chan chan hãnh diện: Ngọn Pú Huốt đó. 63 năm trước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chọn Mường Phăng của xã chúng tôi làm đại bản doanh. Đỉnh Pú Huốt là nơi đặt đài quan sát, nhìn thấu tận Mường Thanh để đưa ra kế sách “Đánh chắc tiến chắc”... Để Mường Phăng trở thành di tích gốc của những chiến công trong quần thể di tích lịch sử Chiến thắng Điện Biên Phủ!...

Tết cổ truyền đã cận kề. Chúng tôi lại thêm lần yêu mến Mường Phăng. Khó ém nổi niềm vui, bởi di tích Mường Phăng được cải tạo, tu bổ, chỉnh trang, gìn giữ ngày một tốt hơn lên. Đường đi lối lại sạch sẽ, tinh tươm. Không còn cảnh trẻ em lẽo đẽo theo khách năn nỉ bán hàng; văn minh ứng xử, giao tiếp; văn minh môi trường sinh sống, dịch vụ, kỷ cương, nền nếp làm vui lòng khách đi, khách đến. Dưới tán cây rừng thâm nghiêm trong khu di tích lịch sử, tự dưng những “cây đại thụ” gắn bện với chiến cuộc hơn 60 năm trước của Mường Phăng trồi vột trong ký ức. Chúng tôi nhớ đến cụ Lò Văn Bóng, người chiến binh thân gần của Đại tướng. Kháng chiến thành công, cụ Bóng ở lại, gìn giữ những cánh rừng nguyên sinh của Mường Phăng như báu vật thiêng liêng nhất của gia tộc, của dòng họ... Nhớ đến cụ Lù Thị Đôi, khi kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, cụ tròn 100 tuổi, nhưng giọng vẫn khơi khơi: “Dân bản Mường Phăng chúng ta bây giờ sung sướng lắm mà. Năm xưa (năm 2004), Ðại tướng về đây, dân bản ta ai cũng mặc áo quần đẹp nhất để chào đón. Ta vui quá nên đeo trên ngực cả 4 tấm Huân chương, Huy chương. Sau cái bắt tay, Ðại tướng ôm lấy ta, nước mắt trào ra. Người coi ta và dân bản như trong một nhà. Cái tình cái nghĩa Cách mạng nó bền sâu thế đấy. Ngày xưa, ta là cán bộ phụ nữ xã này, từng xay thóc, giã gạo gùi lên núi cho bộ đội Cụ Hồ; vận động dân bản góp tới 9 tấn thóc, 5 con trâu... Sau chiến thắng Ðiện Biên Phủ, dân bản mới biết người ở với bản ta chính là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chỉ huy cả một chiến dịch to lớn như thế. Ngần ấy thời gian trôi, giờ con, cháu, chắt, chít của ta dồn về có lẽ đã đủ một bản. Ấy vậy mà Đại tướng vẫn nhớ đến ta; vẫn nhớ đến cụ Lò Văn Bóng, vẫn coi chúng ta như anh chị em ruột thịt. Sung sướng lắm”!... Mấy Tết nay, cụ Lò Văn Bóng và, Tết này cụ Lù Thị Đôi đã lần lượt theo Đại tướng về với thế giới người hiền...

Nghe tôi hồi tưởng những nét đẹp tình sâu nghĩa nặng như thế của các “đại thụ”, Chủ tịch xã Thẩm Thị Hiên rưng rưng nước mắt: Thế hệ các cụ thời ấy, nay Mường Phăng chỉ còn 2 cụ, nhưng cũng đuội sức cả rồi. Khá hơn cả là cụ Quàng Văn Pản ở bản Cang 1! Chủ tịch Hiên thêm lời: Ăn quả nhớ người trồng cây, ấy là lẽ sống của dân tộc Thái, Mông và người Kinh ở Mường Phăng. Dịp này, cán bộ xã và các trưởng thôn, bản tất bật thực hiện “Chương trình Tết”: Thăm hỏi, tặng quà các gia đình có công với Cách mạng, các bậc lão thành, các gia đình thương binh, liệt sĩ; các gia đình hoàn cảnh khó khăn, người cao tuổi, người khuyết tật; hỗ trợ gạo cho người nghèo; chia muối cho dân (mỗi khẩu 2kg); cấp thóc giống cho người làm ruộng... Công bằng, minh bạch, bởi đây là phần của tỉnh, của huyện, của đoàn thể gửi cho để nhà nhà đều vui Tết!

Cụ Quàng Văn Pản ở bản Cang 1, lâng lâng trong men rượu, quân phục chỉnh tề, ngực áo lính đính đầy huân, huy chương, vừa rời cuộc vui cuối năm ở Hội Cựu chiến binh, giọng tưng bừng: À. Mường Phăng ta đó. Nhờ Bác Hồ, nhờ Tướng Giáp nên bản làng ta mới được như hôm nay. Xưa khổ lắm. Nhưng Cách mạng lắm. Ta là lính của Cụ Giáp. Ta đánh Pháp ở Him Lam, ở Bản Kéo, ở Đồi A1. Gian khổ lắm. Anh dũng lắm!... Cụ Pản nói cả thôi cả hồi tiếng bản địa, vợ cụ cười vui vẻ bảo: Ông nhà tôi đã sang tuổi 93 - 94, được như thế là vui lắm rồi. Ông ấy chỉ lo con cháu sau này quên ơn cách mạng, quên ơn Bác Hồ, quên công lao của Tướng Giáp thôi!... Cô Lê Thi Tám, nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 3 Mường Phăng, lời như đinh đóng cột: Quên sao được. Năm xưa, mừng Đại tướng tròn 100 tuổi, Trường tiểu học số 3 của chúng tôi được gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Công ty Boeing và Quỹ CCB Mỹ tại Việt Nam tặng nhà học 2 tầng, cải tạo 7 phòng học, một phòng máy tính (với 10 vi-tính, một máy trình chiếu...) do gia đình Đại tướng tặng và một sân chơi có tường xây kiên cố; phục vụ cho 25 thầy, cô giáo giảng dạy và 210 học sinh dân tộc trong xã học tập". Ngày ấy, các cháu còn ngỡ ngàng lạ lẫm với vi tính, nay, xấp trò ấy đã vào trung cấp, giỏi giang lạ thường. Trường vừa đạt chuẩn Quốc gia, mức độ I. Các anh, các chị trong gia đình của Đại tướng vẫn qua lại thăm nom, đỡ đần... Cái tình cái nghĩa đến như vậy làm sao có thể quên. Đời nối đời phải ghi ơn, phải tri ân Đảng và Nhà nước, tri ân Đại tướng. Lịch sử Điện Biên và Mường Phăng nối tiếp nhau nằm lòng với các thế hệ học sinh, trong lòng dân bản. Tết về, dân bản thắp hương tưởng nhớ Bác Hồ, tưởng nhớ Đại tướng, cầu mong mọi điều tốt lành, vạn sự như ý!...

Sắc xuân ùa về sớm hơn với bản Che Căn, bản văn hóa tiêu biểu của Mường Phăng. Đào thẫm nụ, thắm hoa. Vườn tược nhà nhà, sắc trắng tinh nguyên của hoa mơ, hoa mận đã bung tỏa hương, khoe sắc dưới trời xanh. Che Căn đẹp bởi những ngôi nhà kiến trúc cổ của người Thái được gìn giữ, tu bổ; những nghề truyền thống không hề phai lạt như nấu rượu, mộc, rèn, đan lát; những món ngon truyền đời... kết nên nét đẹp văn hóa riêng có bắt mắt, bắt lòng khách du lịch tứ phương. Hỏi về cái ăn ngày Tết, chị Lò Thị Chung khơi khơi: Tết bây giờ bánh kẹo đủ đầy, nghèo mấy nhà nào cũng có bánh chưng, thịt, cá. Nhà nào cũng có hoa đào. 29 - 30 Tết cũng gói bánh chưng (bánh gù). Đồng bào Mông giã bánh dày, nét đặc trưng của dân tộc, nhưng bây giờ họ cũng gói bánh chưng. Nhà nào nhà nấy đều sắm mâm cỗ thịnh soạn nhất để cúng Tổ tiên! Chỉ vào góc nhà sàn chị bảo: Nhà chỉ 4 - 5 miệng ăn, nhưng Tết nhà mình vẫn gói cả thúng gạo nếp nương, loại gạo ngon và đẹp nhất; vẫn làm xôi ngũ sắc; vẫn có thịt trâu, lợn hoặc bò sấy khô. Thế nhưng, món ngon ngày thường như cá ướp gia vị, nướng than  nhà nào nhà nấy không thể thiếu!

Nói về cái vui ngày Tết, cụ Quàng Thị Lệ sôi nổi lạ thường: Mình tuổi 83 rồi mà vẫn cứ mong Tết. Xưa, nói đến Tết là lo, vì nghèo! Chuyển giọng, khi cao khi thấp như nhịp xòe, nhịp sạp, cụ bảo: Xưa cũng thế mà nay cũng thế, múa xòe là không thể thiếu với bản làng ta. Khác chăng là giờ đây người Kinh, Mông và người Thái cùng chung vòng xòe, cùng cuốn vào “Điệu xòe thương nhau”: “Điệu xòe, điệu xòe có tự bao giờ, mà vẫn mê say như thuở nào.... Điệu xòe như thuở ban đầu, chân đi nhịp nhàng mà sao bối rối...” (Nhạc và lời của Vương Khon). Từng vui trong vòng xòe rộng mở, nên nghe cụ Lệ kể, tôi thấy mình như tay trong tay, chân nhún nhẩy điệu đà, theo nhịp trống, chiêng bổng trầm, khi xa, khi gần, kết bện thiết tha với dân bản Mường Phăng... Lời cặn kẽ, Chủ tịch xã Thẩm Thị Hiên phô rằng: Vui Tết cũng như lễ hội ở Mường Phăng, vòng xòe, múa sạp không thể thiếu. Một số lễ hội bản sắc văn hóa dân tộc được khôi phục, gìn giữ, như: Lễ hội xên bản, xên mường, cầu mưa, các làn điệu dân ca, dân vũ. Các trò chơi dân gian ngày Tết như: Tung còn, tó má lẹ, kéo co, đẩy gậy… thu hút đủ mọi lứa tuổi. Các đội văn nghệ tại khu dân cư, thôn, bản hoạt động sôi nổi, đều đặn góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, hăng hái xây dựng bản làng văn hóa mới!...

Tạm biệt Mường Phăng. Đâu đó trong các bản làng của người Thái, người Mông, vang lên, lan xa lời (Tình ca Tây Bắc): “Rừng cây xanh lá muôm đóa hoa mai mừng đón xuân về/ Vui trong nắng vàng từng đàn bướm trắng bay khắp rừng hoa...”  thiết tha, da diết quấn quện trong lá, trong hoa, trong sắc trời xanh, mây trắng; trong hoa đào, hoa mơ, hoa mận tinh nguyên một nét trời Mường Phăng – Di tích gốc của những chiến công - rằng: Xuân đã về. Chan chứa niềm vui nơi ven trời Tây Bắc thân yêu của Tổ quốc chúng ta!

Bút ký của Nguyễn Uyển

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tết này ở Mường Phăng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO