Tan hoang thị xã trẻ Hoàng Mai

02/10/2013 00:00

(TN&MT) - Cảnh tượng tan hoang, bấn loạn... là những gì còn đọng lại sau trận “đại hồng thủy” quái ác.

   
(TN&MT) - Chưa kịp thở phào vì “siêu bão” số 10 không trực tiếp đổ bộ vào Nghệ An; thế mà chỉ trong chốc lát, hàng chục nghìn hộ dân ở thị xã trẻ Hoàng Mai bỗng chốc chìm ngỉm trong biển nước mênh mông. Toàn bộ cơ ngơi sớm nắng chiều mưa tích cóp của hạng vạn hộ dân nơi đây bỗng chốc trôi theo dòng nước vô cảm. Cảnh tượng tan hoang, bấn loạn... là những gì còn đọng lại sau trận “đại hồng thủy” quái ác.
   
Thất thần sau trận “đại hồng thủy”
   
Cơn lũ lịch sử
   
  Trước ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 10, từ lúc 21h ngày 30/9 đến 3h sáng 1/10, xí nghiệp thủy lợi Quỳnh Lưu đã lần lượt mở 5 cửa tràn xả lũ với lưu lượng 1.500m3/s để đảm bảo an toàn cho hồ thủy lợi Vực Mấu. Nằm sát ngay hồ Vực Mấu - xã Quỳnh Trang là địa phương đầu tiên chịu ảnh hưởng của đợt xả lũ này. Khoảng 22h ngày 30/9, mưa lớn xuất hiện trên diện rộng đã làm toàn bộ hệ thống điện lưới tại địa bàn xã Quỳnh Trang bị tê liệt. Không dừng lại ở đó, nước lũ từ vùng thượng nguồn cứ thế ào ào đổ xuống các khu dân cư. Toàn xã này có 13 xóm thì có tới 7 xóm bị chìm trong nước lũ. Các xóm 4,5,6 bị ngập sâu nhất có nơi ngập sâu tới 5 mét.
   
  Chưa hết bàng hoàng sau những gì đã xảy ra, cụ Trần Văn Thân (78 tuổi), ở xóm 5, xã Quỳnh Trang, thất thần kể: “Lũ lụt tại Quỳnh Trang vốn là chuyện bình thường, nhưng chưa có năm nào lũ to như năm nay, sống ngần này tuổi rồi mà giờ tôi mới thấy lũ khủng khiếp đến thế. Trước đây, vào năm 1978, ở đây cũng có lũ lớn nhưng không đến mức này. Lũ đến quá bất ngờ nên người dân chúng tôi không kịp ứng phó, có gia đình chỉ kịp chạy thoát thân với bộ quần áo trên người, còn lại toàn bộ tài sản đều cuốn theo dòng nước lũ hết sạch”.
   
Gia súc, gia cầm chết trôi theo dòng lũ
    
   
  Bà Hồ Thị Nụ - Hội trưởng Hội phụ nữ xã đang phát mì tôm ngay tại hội trường của UBND xã Quỳnh Trang cho bà con các xóm được di dời lên. Bà Nụ chưa hết bàng hoàng, cho biết thêm: “Khoảng 3 giờ sáng hôm đó (ngày 1/10 - PV), khi đang ngủ thì tôi giật mình nghe nước ào ào đổ vào nhà, tôi vội thức cả nhà dậy soạn đồ đạc đưa lên trên gác để cất nhưng chưa đầy 10 phút sau nước lũ đã dâng lên đến liếp giường. Chăn chiếu đã bắt đầu ngấm nước. Lúc này tiếng kêu khóc nổi lên khắp nơi, không ai kịp phản ứng gì chỉ biết kêu khóc và cầu cứu trong vô vọng. Cũng may, cán bộ xã và Công an thị xã Hoàng Mai tiếp cứu kịp thời nên không có ai bị chết đuối”.
   
  Không giấu nổi vẻ xót xa, lo lắng cho người dân của mình, ông Đậu Đình Công – Chủ tịch UBND xã Quỳnh Trang, cho biết: “Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão nên từ chiều 30/9 trên địa bàn đã có mưa rất to, sau đó lũ cũng về dân. Trước tình hình đó, chính quyền nhận được thông báo hồ Vực Mấu sẽ xả lũ để đảm bảo an toàn hồ đập. Đến khoảng 21 giờ hồ Vực Mấu xả lũ 1 cánh tràn thì nước chưa có vấn đề gì lắm. Đến 23 giờ thì xả tiếp tràn thứ 2. Thế nhưng, do nước mưa to quá nên đến 1 giờ sáng ngày 1/10/2013 phải xả lũ thêm 1 tràn nữa. Đến 3 giờ sáng thì xã cả 5 tràn. Cũng chính vì thế mà lượng nước cứ thế ào ào tràn xuống khu dân cư mà không ai có thể lường trước được”.
   
Thóc lúa bị ngập nước, hư hỏng không biết sẽ ăn bằng gì sắp tới
    
   
Bỗng chốc trắng tay
   
  Toàn thân lấm lem bùn đất, bước đi trong xiêu vẹo, chị Nguyễn Thị Ánh, ở xóm 4, xã Quỳnh Trang đang cố tìm xem nhà mình còn sót lại được gì sau trận lũ quái ác. “Nhà mới thu hoạch được độ 2 tấn lúa nhưng nước vào ngập cuốn trôi gần hết, còn lại chút ít nhưng cũng hỏng hết rồi. Đàn gà hơn 200 con, 100 con vịt đang trong thời kỳ đẻ trứng cũng bị lũ cuốn trôi sạch. Phen này thì mất hết rồi, không biết lấy gì để ăn và nuôi hai đứa nhỏ ăn học nữa đây chú ơi?” – Chị Ánh than thở trong nước mắt.
   
  Được biết, chị Ánh đã lập gia đình được 9 năm, có hai đứa con gái, đứa đầu mới học lớp 2, đứa thứ 2 năm nay lên mẫu giáo lớn. Chồng của chị biền biệt làm ăn ở trong miền nam nhưng cũng không dư dả được nhiều nên hầu như một tay chị phải gánh vác việc gia đình. Tai họa ập đến khiến cho gia cảnh của chị càng thêm túng quẫn.
   
Đồ đạc trong nhà hư hỏng,sách vở của em cũng ngấm nước lũ
    
   
  Cũng tại xóm 4 này, gia đình ông Lê Văn Hiệu bị nước lũ ngập tới tận...nóc nhà. Cho đến chiều 2/10, nước lũ cũng mới chỉ rút đến ngang ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ. Cùng chúng tôi chèo thuyền vào bên trong căn nhà trống hoác, ông Hiệu khóc to: “Thế là hết sạch rồi, mọi đồ đạc trong nhà thế là trôi hết rồi, gia súc, gia cầm cũng trôi theo lũ nốt. Phen này thì biết lấy gì mà sinh nhai đây các chú ơi? Khổ thân tôi quá!”. Được biết, gia cảnh của ông Hiệu cũng rất éo le. Ba đứa con đều đi làm ăn xa, hai vợ chồng ông ở nhà quanh năm cày cấy nuôi nhau tích cóp để hỗ trợ thêm các con sau này trở về quê góp vốn làm ăn cho đỡ cơ cực. Thế nhưng con lũ ập tới gần như đã “cướp” hết bao mồ hôi công sức của ông bà hàng chục năm nay.
   
  Còn tại xã Quỳnh Vinh, dù đã có chuẩn bị từ trước nhưng lũ lớn đến quá bất ngờ nên thiệt hại cũng vô cùng lớn. Nhất là hai xóm thấp nhất là xóm 19 và xóm 20 đã bị cô lập hoàn toàn. Do nước dâng cao, độ xoáy lớn nên bà con chỉ biết trèo lên mái nhà cầu cứu. Vất vả lắm, xuồng cứu hộ của bộ đội biên phòng mới tiếp cận được những người dân để đưa đến nơi an toàn.
   
  Tại xã Quỳnh Tân, khi chúng tôi có mặt, Chủ tịch UBND xã, ông Hồ Trọng Mậu cũng đang ra sức hò hét chỉ huy lực lượng cứu hộ ứng cứu tại các điểm xung yếu ở xóm 16. Đây là một trông các xóm chịu nhiều thiệt hại nặng nhất khi gần như 100% số hộ bị nước lũ ngập sâu. Tuyến đường liên hương bị nước lũ xé toạc mất một quãng gần 4 mét sâu hoắm khiến cho việc đi lại, sơ tán cũng như công tác ứng cứu càng thêm trở ngại.
  Ở trong tình cảnh “tứ phía lút nước”, bà Hồ Thị Tam cứ ngơ ngẩn ôm đứa cháu mới 4 tuổi như người mất hồn. Gọi mãi bà mới thưa chuyện: “Mấy hôm trước tôi đang ở Hà Nội chăm đứa con dâu bị bệnh. Nghe tin bão về liền tức tốc bắt xe trở về nhà giúp mấy đứa nhỏ thu dọn đồ đạc chống chọi với bão lũ. Nghe tin bão không vào Nghệ An nên tôi mừng thầm. Nào ngờ cơ sự đến nông nỗi này...” – Bà Tam lau vội nước mắt nhìn về phía ngôi nhà đang chìm sâu trong lũ. Được biết, tại xóm 16, xã Quỳnh Tân hàng chục hộ gia đình cũng rơi vào cảnh tưởng éo le tương tự gia đình bà Tam khi nước lũ tràn về.
   
Sau khi nước rút, người dân tích cực khắc phục hậu quả cơn lũ để lại
    
   
  Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thiện, ông Nguyễn Bá Sự chia sẻ với chúng tôi trong đau xót: “Cả phường có 6 khối thì 5 khối Thịnh Phong, An Thịnh, Toàn Phong, Bắc Mỹ…bị ngập hoàn toàn. Thiệt hại là vô cùng lớn. Phen này toàn thể nhân dân và chính quyền không biết có còn đủ sức gượng dậy được nữa không? Lo nhất là toàn bộ tài sản, lương thực thực phẩm đã bị cuốn trôi hết; nước sạch cũng không còn...gay go to rồi”.
   
  “Cả xã mất 4 xóm bị ngập sạch. Toàn bộ gia sản bị ngập trong nước. Gia súc, gia cầm và hàng trăm ha đầm tôm bị lũ nhấn chìm. Thiệt hại phen này không hề kể xiết” – Ông Đậu Xuân Bắc, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lộc thất thần nói.
   
Lo cứu trợ cho dân, Phó giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Tài Dũng đã hy sinh giữa dòng nước lũ - Hình ảnh trục vớt xe ô tô chở ông Dũng bị nạn
    
   
  Trước tình hình khẩn cấp trong tâm lũ, trong 2 ngày qua, cùng với chính quyền sở tại, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An cùng với Chỉ huy quân sự thị xã Hoàng Mai cũng đã huy động 100 chiến sỹ và phương tiện xe tăng kịp thời ứng cứu, sơ tán nhân dân các xã, phường bị ngập lụt. Hiện, mưa đã ngớt, 5 cửa xả hồ Vực Mấu đã được đóng, nước đang rút dần. Bộ CHQS tỉnh vẫn đang cùng với các lực lượng tiến hành giúp dân khắc phục hậu quả sau mưa lũ, tập trung ứng trực 24/24h tại các hồ đập trọng yếu để khi có sự cố xẩy ra xử lý nhanh chóng, tăng cường cứu trợ lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc men cho nhân dân.
   
  Trao đổi nhanh với PV, ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh Nghệ An có mặt tại vùng ngập lụt suốt 2 ngày nay cho hay: "Mì tôm và nước khoáng đã được tiếp tế vào tận dân. Quan điểm của chúng tôi là tập trung mọi lực lượng, hết sức khẩn trương không để dân đói, rét, khát. Nhanh chóng khắc phục những hậu quả nặng nề mà trận lũ gây ra trong thời gian sớm nhất”.
   
        
Theo số liệu mới nhất từ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh Nghệ An, tính đến cuối giờ chiều ngày 2/10, lũ lụt trên địa bàn tỉnh Nghệ An khiến cho 2 người chết (đó là chị Nguyễn Thị Huyền – SN 1978, ở xã Quỳnh Thiện, đã tìm thấy xác lúc 8h sáng 02/10 và ông Nguyễn Tài Dũng – Phó giám đốc Sở Công Thương Nghệ An bị lũ cuốn tử vong cùng xe ô tô trong lúc tham gia ứng cứu người dân) và 2 người bị thương. Có 4 nhà bị sập đổ, 39 nhà bị tốc mái và 20.219 ngôi nhà bị ngập sâu trong nước. Riêng thị xã Hoàng Mai có trên 15 nghìn ngôi nhà bị ngập.
        
    
   
   
  Bài & ảnh: Đình Tiệp
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tan hoang thị xã trẻ Hoàng Mai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO