Tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên nước và ngập lụt ở đồng bằng sông Cửu Long

24/03/2015 00:00

(TN&MT) - Quy hoạch phát triển thủy lợi ĐBSCL giai đoạn 2012 – 2020 và định hướng đến năm 2050 trong điều kiện kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2012 đã đặt ra mục tiêu đến năm 2050 đảm bảo an toàn dân sinh, sản xuất, cơ sở hạ tầng cho khoảng 32 triệu dân và chủ động ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu nước biển dâng, xâm nhập mặn. Đây chính là một trong những chìa khóa then chốt phục vụ phát triển kinh tế xã hội hiện tại và tương lai.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia về tài nguyên nước, vùng ĐBSCL nằm ở hạ lưu sông Mê Công, chiếm khoảng 5% diện tích toàn lưu vực sông Mê Công. Do vậy, vùng đồng bằng này được hưởng nhiều thuận lợi từ vị trí địa lý, nguồn nước phong phú từ thượng lưu và quá trình điều tiết dòng chảy từ Biển Hồ.

ĐBSCL có hệ thống sông suối, kênh rạch chằng chịt, có bờ biển và vùng biển rộng lớn nhiều tài nguyên, đất đai bằng phẳng, màu mỡ và được phù sa bồi đắp hàng năm, nguồn thủy sản với nhiều giống loài… Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi thì ĐBSCL phải đối mặt với không ít khó khăn và hạn chế trong điều kiện dòng chảy và các tài nguyên sinh vật, phù sa vào đồng bằng phụ thuộc hoàn toàn vào khai thác nguồn nước thượng lưu. Bởi thế, ĐBSCL cũng phải chịu những tác động, thách thức không nhỏ và khôn lường từ các hoạt động ở thượng lưu, biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng.

Những thách thức đó sẽ là rào cản lớn cho tiến trình phát triển kinh tế xã hội ở ĐBSCL, đặc biệt đối với sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của người dân và cộng đồng dân cư.

Theo tính toán của các chuyên gia, hạn chế của điều kiện tự nhiên là ảnh hưởng của lũ trên diện tích từ 1,4 – 1,9 triệu ha ở vùng đầu nguồn. Nguồn nước suy giảm dẫn đến mặn xâm nhập trên diện tích khoảng 1,2 – 1,6 triệu ha ở vùng ven biển. Đó là chưa kể, thiếu nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt trên diện tích khoảng 2,1 triệu ha ở những vùng xa sông, gần biển. Thêm vào đó, trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu ngày càng thể hiện rõ nét và diễn biến phức tạp đó là dòng chảy từ thượng lưu và nước biển dâng.

Trước thực tế trên, đề tài “Nghiên cứu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến biến đổi tài nguyên nước ở ĐBSCL” đã được các nhà khoa học Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường (Bộ TN&MT) triển khai thực hiện.

Qua nghiên cứu, đã xác định, dòng chảy vào Việt Nam xét tại trạm thủy văn Tân Châu và Châu Đốc có xu hướng giảm. Cụ thể: dòng chảy trung bình mùa lũ trung bình mỗi năm tại Tân Châu giảm 28m3/s, dòng chảy trung bình mùa cạn trung bình mỗi năm tại Châu Đốc giảm 15m3/s, dòng chảy một tháng lớn nhất trung bình mỗi năm tại Tân Châu giảm khoảng 43m3/s. Đối với dòng chảy ba tháng lớn nhất trung bình mỗi năm tại Tân Châu giảm khoảng 50m3/s, tại Châu Đốc giảm khoảng 8m3/s và dòng chảy trung bình ngày lớn nhất trung bình mỗi năm tại Tân Châu giảm khoảng 209 m3/s, tại Châu Đốc giảm khoảng 44m3/s.

Theo các nhà khoa học Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường, sự suy giảm dòng chảy trong mùa cạn sẽ dẫn đến các thách thức và thiếu hụt dòng chảy vào ĐBSCL. Dòng chảy trung bình một tháng nhỏ nhất tổng cộng vào ĐBSCL có thể giảm tới 3,5 tỷ m3 nước. Dòng chảy trung bình ba tháng nhỏ nhất tổng cộng vào ĐBSCL có thể giảm tới 13 tỷ m3 nước. Dòng chảy trung bình mùa cạn tổng cộng vào ĐBSCL có thể giảm tới 30 tỷ m3 nước.

Các nhà khoa học cũng đã xác định được các thách thức ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến vùng ĐBSCL là cơ sở để đưa ra được đề xuất các giải pháp khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên nước, bảo đảm nguồn nước phục vụ phát triển bền vững ở ĐBSCL.

Với diện tích gần 4 triệu ha và 18 triệu dân, trong đó gần ¾ là nông dân, ĐBSCL đang phải đối diện với một số thách thức lớn trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Trong điều kiện hạn chế như vậy, những thay đổi do tác động của biến đổi khí hậu và hoạt động nhân sinh trên thượng nguồn có ảnh hưởng sâu sắc đến ĐBSCL, vùng theo hướng bất lợi chưa thể dự báo. Hàng loạt hồ chứa thủy điện được xây dựng trong tương lai trên thượng nguồn sông Mê Công có thể làm gia tăng tình trạng thiếu nước trong mùa khô và ngập lũ trong mùa mưa.

(Nguồn: Báo cáo Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường)

 

Minh Trang

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên nước và ngập lụt ở đồng bằng sông Cửu Long
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO