Dự án treo, dự án chậm tiến độ đang là điểm nghẽn trong quá trình thực hiện pháp luật về đất đai. Tình trạng trên là do Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thực hiện chưa quy định cụ thể xử lý vấn đề này, đặc biệt khi đi kèm với chủ trương đầu tư là giao đất, trong khi đó ở nhiều địa phương đã thiếu chặt chẽ khi trong Văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư không xác định thời hạn có hiệu lực, nên không thể thu hồi dự án chậm tiến độ.
Bên cạnh đó, có không ít địa phương tại Văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhưng do không xác định thời hạn hết hiệu lực của giấy phép nên có tình trạng kéo dài hoạt động đầu tư, có trường hợp tới hàng chục năm, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng đất trong khu vực dự kiến thực hiện dự án. Làm cho những người sinh sống, quản lý khu đất nằm trong “dự án treo” khó khăn trong việc thực hiện giao dịch đất đai, xây dựng, sửa chữa công trình trên đất…
Dự án treo, dự án chậm tiến độ đang là điểm nghẽn trong quá trình thực hiện pháp luật về đất đai. Ảnh: Hoàng Minh |
Khắc phục tình trạng này, Điểm I, Khoản 2, Điều 2, Nghị quyết số 82/2019/NQ14 ngày 14/6/2019 của Quốc hội, quy định: “… Yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm việc rà soát và công bố công khai các dự án vi phạm trên trang thông tin điện tử của địa phương; kiên quyết thu hồi đất theo quy định của pháp luật đối với những dự án không đưa đất vào sử dụng, dự án triển khai chậm tiến độ, dự án đã bị chấm dứt chủ trương đầu tư, dự án sử dụng đất sai mục đích, vi phạm pháp luật về đất đai, quy hoạch đô thị, xây dựng và bảo vệ môi trường”.
Để cụ thể hóa chỉ đạo của Nghị quyết 82, Nghị định 148 đã quy định việc giải quyết việc sử dụng đất khi chấm dứt chủ trương đầu tư dự án theo quy định tại Điểm I, Khoản 2, Điều 2 của Nghị quyết số 82/2019/NQ14 ngày 14/6/2019 của Quốc hội mà chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất như sau:
Khi chấm dứt chủ trương đầu tư dự án thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất quy định tại Điều 61 và Điều 62 của Luật Đất đai mà đã có Văn bản thông báo thu hồi đất, Quyết định thu hồi đất, Quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và đã thực hiện chi trả bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì giao Tổ chức phát triển quỹ đất quản lý diện tích đất thu hồi theo quy định.
Trường hợp đã thực hiện chi trả một phần tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì giao Tổ chức phát triển quỹ đất hoặc Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tiếp tục thực hiện chi trả phần còn lại theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được phê duyệt theo quy định. Nhà nước hoàn trả cho chủ đầu tư số tiền đã ứng trước để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (nếu có) khi lựa chọn chủ đầu tư khác.
Trường hợp đã có Quyết định thu hồi đất, Quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư mà chưa chi trả bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì giao Tổ chức phát triển quỹ đất hoặc Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tiếp tục thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được phê duyệt theo quy định.
Trường hợp có Văn bản thông báo thu hồi đất nhưng chưa có Quyết định thu hồi đất, Quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì văn bản thông báo thu hồi đất, tên dự án trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện được phê duyệt hết hiệu lực kể từ ngày chấm dứt chủ trương đầu tư.
Ngoài ra, khi chấm dứt chủ trương đầu tư dự án có sử dụng đất do nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án phi nông nghiệp mà chủ đầu tư chưa thực hiện nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định thì văn bản cho phép chủ đầu tư nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hết hiệu lực thực hiện kể từ ngày chấm dứt chủ trương đầu tư.
Nghị định cũng giao UBND cấp tỉnh có trách nhiệm căn cứ hiện trạng sử dụng đất và điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương để chỉ đạo việc tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, rà soát việc sử dụng đất tại vị trí đã có văn bản chấm dứt chủ trương đầu tư dự án.