Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất khoáng sản giai đoạn mới - Giải pháp khai thác bền vững tài nguyên

Mai Đan (thực hiện)| 02/01/2021 06:57

(TN&MT) - Để giải quyết những khó khăn trên, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã xây dựng nhiệm vụ lập Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký quyết định phê duyệt nhiệm vụ này.

Nhiệm vụ được lãnh đạo Bộ TN&MT cũng như lãnh đạo Tổng cục đánh giá có vai trò rất cấp thiết và quan trọng, bởi kết quả của nó sẽ được tích hợp vào cơ sở dữ liệu ngành TN&MT và mở ra hướng đi mới cho nhiệm vụ khai thác hiệu quả và bền vững tài nguyên khoáng sản.

Xung quanh nội dung này, phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Nguyên - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Nguyên - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam

PV: Xin ông cho biết, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã tổ chức thực hiện Quyết định 1388/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Nguyên:

Đối với việc thực hiện Quy hoạch 1388, Tổng cục chủ trì thực hiện 2 dạng công tác chính gồm: Lập bản đồ địa chất khoáng sản tỉ lệ 1:50.000 (phần đất liền) và đánh giá tiềm năng khoáng sản. Đối với các nội dung khác như: địa chất công trình, địa chất tai biến, di sản địa chất, công viên địa chất, Tổng cục đã tham gia thực hiện một số đề án, dự án.

Cụ thể, Tổng cục đã tham gia thực hiện Đề án điều tra địa chất, khoáng sản, tai biến địa chất, địa chất môi trường tỉ lệ 1:100.000 vùng biển 0 - 30 m nước từ Hải Phòng đến Nga Sơn, Thanh Hóa (thuộc nhóm các đề án điều tra địa chất khoáng sản biển do Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam chủ trì); Đề án điều tra, đánh giá đặc điểm cấu trúc địa chất, địa chất công trình, đề xuất các giải pháp khai thác, sử dụng lãnh thổ, phục vụ xây dựng và phát triển hạ tầng dải ven bờ biển Việt Nam - Đề án thành phần thuộc "Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên - môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020" theo Quyết định số 47/2006/QĐ-TTg ngày 1/3/2006 của Thủ tướng Chính phủ - Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam chủ trì; Đề án điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất, đá các vùng núi Việt Nam (Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản chủ trì);

PV: Kết quả của việc triển khai Quy hoạch 1388 đóng góp như thế nào cho sự phát triển của đất nước, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Nguyên:

Công tác đo vẽ lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỉ lệ 1:50.000 đã ghi nhận nhiều kết quả về nghiên cứu địa tầng, magma, kiến tạo có ý nghĩa không chỉ trong phạm vi Việt Nam mà còn trong cả khu vực, đặc biệt đăng ký nhiều điểm quặng, điểm khoáng hóa về khoáng chất công nghiệp, đá ốp lát, vàng, đồng... phục vụ kịp thời để xây dựng các Đề án điều tra làm rõ tài nguyên các khoáng sản này hoặc đã được một số doanh nghiệp tiếp nhận làm cơ sở xin thăm dò và khai thác.

Điển hình là nhóm tờ Kon Plong đã phát hiện khu vực triển vọng khoáng sản Cu (U, Au) ở Kon Rá tỉnh Kon Tum với tổng tài nguyên cấp 333+ 334a... đạt 173 ngàn tấn kim loại đồng (1,5 km2). Đây là một trong 10 sự kiện của ngành TN&MT năm 2016, đồng thời cũng chỉ ra nhiều khu vực có triển vọng phát hiện đánh giá tài nguyên Cu ở Tây Nguyên, mở ra suy nghĩ mới về triển vọng phát triển khai khoáng kim loại màu và hiếm ở đây. Nhóm tờ Kim Sơn cũng đã đăng ký phát hiện nhiều biểu hiện khoáng sản Au; đá hoa trắng, Sn... cần tiếp tục điều tra đánh giá các điểm đã được thăm dò chuẩn bị khai thác; Nhóm tờ Phố Lu - Bắc Than Uyên đã phát hiện diện tích rất có triển vọng về khoáng chất công nghiệp graphit, kaolin (khu Bảo Thắng, Lào Cai)...

Về đầu tư mua sắm, Tổng cục đã trang bị nhiều máy móc thiết bị địa vật lý, khoan, phân tích các loại mẫu hiện đại cơ bản phục vụ cho việc điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản càng ngày càng khó khăn về độ sâu, mức độ phức tạp và những yêu cầu khác về nghiên cứu địa chất (khoa học về trái đất nói chung).

Kết quả này đã kịp thời phục vụ các quy hoạch và khai thác chế biến khoáng sản của các Bộ hoặc đã được sử dụng để các tổ chức kinh tế đầu tư thăm dò khai thác phục vụ nhu cầu ngay trong nước và xuất khẩu, góp phần đáng kể vào GDP của quốc gia và đảm bảo an ninh năng lượng trong những năm tới của đất nước. Đặc biệt, dần làm rõ giá trị tài sản khoáng sản trong lòng đất của đất nước hoặc trên cơ sở những số liệu nhận được, các nhà quản lý sẽ đề ra các giải pháp giảm thiểu những thiệt hại do thiên tai gây ra (tai biến địa chất...).

Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất khoáng sản giai đoạn mới - Giải pháp khai thác bền vững tài nguyên

PV: Xin ông cho biết, Quy hoạch mới sẽ đáp ứng như thế nào trong việc khai thác bền vững tài nguyên khoáng sản?

Ông Nguyễn Văn Nguyên:

Trên cơ sở đánh giá tác động của hoạt động điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản đối với từng lĩnh vực như phát triển công nghiệp, xây dựng, du lịch và nông nghiệp... của đất nước trong những năm tới, quy hoạch mới sẽ tiếp tục rà soát những nhiệm vụ theo quy hoạch cũ và nhiệm vụ đề xuất mới, bổ sung trong quy hoạch lần này theo hướng đảm bảo nhu cầu đòi hỏi trong nước ngày càng đa dạng về khoáng sản. Ngoài ra, phát hiện, làm rõ tài nguyên khoáng sản ở sâu và ngoài biển, từ đó tiếp tục đề xuất thăm dò, khai thác nhưng gắn với những quy hoạch về tài nguyên đất, rừng, cảnh quan di sản địa chất và văn hóa, đồng thời không ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân, đến môi trường biển và không phá vỡ hệ sinh thái... 

PV: Được biết, trong xây dựng Quy hoạch mới, chúng ta đưa ra những nghiên cứu mang tính rộng hơn, phục vụ đa ngành, không chỉ đáp ứng nhu cầu khai thác bền vững khoáng sản đất nước mà còn khai thác dữ liệu cho các ngành khác. Ông có thể nêu cụ thể hơn về nhiệm vụ này?

Ông Nguyễn Văn Nguyên:

Trong Quy hoạch lần này, trên cơ sở kết quả bước đầu về việc hợp tác, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam muốn đưa nội dung điều tra đặc điểm địa chất đô thị để quản lý và phát triển xây dựng không gian ngầm trước mắt ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng... tiến tới toàn bộ các thành phố trong cả nước.

Tổng cục cũng dự kiến đưa tỉ lệ 1:50.000 vào các đề án đo vẽ lập bản đồ địa chất và khoáng sản trên diện tích các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long theo hướng nghiên cứu sâu về đặc điểm địa chất công trình gắn với việc tìm ra nguyên nhân cụ thể về hiện tượng sụt lún ở đây, hiện tượng xói lở đường bờ, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm giảm thiểu những tác động đó đến đời sống xã hội.

Ngoài ra, Tổng cục đề xuất đưa nghiên cứu đặc điểm địa chất, địa chất công trình, khoáng sản (cát cuội sỏi) ở lưu vực sông vào những đề án; lựa chọn những khu vực có thể xây dựng các đập chứa nước trong lòng sông, góp phần ổn định nhu cầu nước về mùa khô, an toàn khơi thông lòng sông vào mùa mưa, xóa bỏ việc sử dụng đất trên mặt xây dựng các đập thủy lợi như hiện nay và có thể tạo cảnh quan du lịch ở các tỉnh Trung Trung Bộ, Tây Nguyên và cả Nam Bộ...       

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Lập bản đồ địa chất khoáng sản tỉ lệ 1:50.000 (phần đất liền) đạt được 25,7% (9/35), có 10 đề án đang thi công; Địa chất khoáng sản biển 27,2% (3/11), đang thi công 2 đề án; Bay đo địa vật lý (0/5); Nghiên cứu địa chất khoáng sản (0/7), nhưng đã thực hiện một số đề tài đơn lẻ cho cho khoáng sản Pb - Zn, đá quý và bán quý; Xây dựng cơ sở dữ liệu, Bảo tàng (0/3) đang thi công 1 đề án; Đánh giá khoáng sản đạt 37,2% (22/59) và đang thi công 25 đề án. Quy hoạch 1388 có tổng số 123 nhiệm vụ, đã thực hiện 34 nhiệm vụ, đạt 27,6%.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất khoáng sản giai đoạn mới - Giải pháp khai thác bền vững tài nguyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO