Quảng Nam: Ứng dụng khoa học công nghệ trong ứng phó với BĐKH

13/03/2015 00:00

(TN&MT) - Quảng Nam đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức hiện hữu liên quan đến biến đổi khí hậu (BĐKH) như mực nước biển dâng, những tác động đối với nguồn nước và vấn đề xây dựng năng lực. Việc ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) phục vụ ứng phó với BĐKH là cơ sở để tìm ra các biện pháp giảm thiểu và thích ứng với BĐKH đối với tỉnh Quảng Nam.

Diễn biến phức tạp

Nằm trong vùng dễ bị tổn thương nhất của BĐKH ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên, Quảng Nam đã, đang và sẽ tiếp tục gánh chịu nhiều thiệt hại về kinh tế - xã hội.

Tại Quảng Nam, BĐKH làm gia tăng các loại hình thời tiết cực đoan. Các loại thiên tai xuất hiện thường là bão lũ, dông sét, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở đất, áp thấp nhiệt đới… Sức tàn phá nặng nề nhất là bão lũ, sau bão là hiện tượng lũ quét xảy ra bất ngờ, gây thiệt hại đáng kể về người và tài sản. Lưu vực Vu Gia – Thu Bồn qua các huyện Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, Hội An mỗi năm bị sạt lở hàng chục ki lô mét bờ sông. Thêm vào đó, các địa phương trong tỉnh còn đối mặt với lốc, sét. Những năm gần đây, từ tháng 5 nắng nóng cục bộ kéo dài; nạn xâm nhập mặn xảy ra, trong khi hạn hán làm các sông Vĩnh Điện, Thu Bồn, Tam Kỳ nhiễm mặn nặng. Bên cạnh đó, BĐKH đã phá hoại nghiêm trọng hệ sinh thái và môi trường. Hiện tượng nước biển dâng mỗi năm đã “ngoạm” hàng chục héc ta bờ biển ở Hội An làm gia tăng mức độ ô nhiễm môi trường nước và đất.

Trồng rừng ngập mặn giải pháp hiệu quả trong cuộc chiến với BĐKH
Trồng rừng ngập mặn giải pháp hiệu quả trong cuộc chiến với BĐKH

Nhận rõ được nguy cơ đe dọa sự phát triển bền vững, Quảng Nam triển khai nhiều kế hoạch, hành động trong ứng phó với BĐKH với mục tiêu là tập trung đột phá phát triển kinh tế - xã hội bền vững, tạo ra tăng trưởng xanh nhằm đảm bảo an ninh lương thực, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên và ổn định sinh kế cho người dân. Thêm vào đó, không ngừng nâng cao nhận thức cộng đồng, ứng dụng khoa học công nghệ để dự báo và phòng ngừa rủi ro thiên tai…

Ứng phó thông minh với BĐKH

Giải pháp chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhằm ứng phó với BĐKH, đặc biệt là cơ cấu kinh tế ngành đang được đặt ra như một nhu cầu cấp thiết. Quảng Nam đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sử dụng các giống cây chịu mặn, chịu hạn, kháng sâu bệnh, bố trí cây trồng theo mùa vụ bằng cách sử dụng nguồn gen bản địa. Tuy nhiên, với việc phát triển của hầu hết các ngành kinh tế phụ thuộc nhiều vào tự nhiên, chịu ảnh hưởng của BĐKH và nước biển dâng thì việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhằm ứng phó với BĐKH cần tiếp tục được nghiên cứu, tính toán cụ thể để có chiến lược phát triển toàn diện.

Ở Quảng Nam, hướng đến nền nông nghiệp “chấp nhận” với bất thường của BĐKH. Sự thành công của nhiều mô hình trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP hay nuôi tôm trên cát ở một số địa phương trong tỉnh là một minh chứng cho vấn đề này. Bằng cách không san lấp để trồng trên diện tích lớn mà tiến hành sản xuất trên các vùng tự nhiên sẵn có, giữ lại cây trồng phòng hộ xung quanh, người dân đã hạn chế được tối đa các tác động bất lợi của điều kiện thời tiết cực đoan. Việc thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo về những vấn đề liên quan đến ứng dụng khoa học công nghệ vào ứng phó với BĐKH góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nền kinh tế nông nghiệp “thông minh” với các tác động của BĐKH như: Công nghệ di truyền tác động trên năng suất nông nghiệp; ứng dụng công nghệ môi trường trong phát triển nông nghiệp sạch; công nghệ sinh học và BĐKH; sản xuất hàng hoá nông nghiệp xuất khẩu dưới tác động của BĐKH; công nghệ thông tin trong nông nghiệp; quản lý chất thải rắn và tiềm năng ứng dụng công nghệ Phytocap.

Qua đó, các nhà khoa học, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp và bà con đã trao đổi thẳng thắn và chia sẻ kinh nghiệm trong ứng dụng CNTT, công nghệ sinh học, công nghệ chế biến hàng hoá nông nghiệp xuất khẩu, công nghệ môi trường với các thành tựu nghiên cứu, ứng dụng CNTT- sáng tạo ứng phó với BĐKH trong phát triển hàng hoá nông nghiệp xuất khẩu tại địa phương.

Ngoài ra, để tăng cường năng lực toàn tỉnh Quảng Nam ứng phó với các nguy cơ của BĐKH cần tổ chức phục vụ khí hậu thành một hệ thống. Hệ thống này sẽ cung cấp thông tin cơ bản về trạng thái, dao động và BĐKH cần thiết để ứng phó có hiệu quả. Hệ thống cần được bảo đảm về cơ sở hạ tầng cung cấp sản phẩm, công cụ dịch vụ cần thiết cho các hoạt động ứng phó với BĐKH.

Quảng Nam cần xây dựng cơ chế, chính sách, các giải pháp nhằm liên kết huy động các nguồn lực xã hội trong lĩnh vực này. Việc liên kết cần dựa trên nguyên tắc chia sẻ trách nhiệm trong quản lý tài nguyên, phục hồi tài nguyên, chia sẻ nguồn lực, nguyên tắc phân vùng chức năng, hình thành mạng sản xuất của vùng và liên vùng và các chế tài trong phân bổ nguồn lực, sử dụng tài nguyên. Sẵn sàng phối hợp với các tổ chức quốc tế, trong nước, các tỉnh trong vùng để xây dựng khung kế hoạch mô hình ứng phó với BĐKH trong thời gian tới.             

Bài và ảnh: Ni Na

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam: Ứng dụng khoa học công nghệ trong ứng phó với BĐKH
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO