(TN&MT) - Sáng 8/5, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội nghị đánh giá công tác giao khoán bảo vệ rừng theo các chính sách trên địa bàn tỉnh. Đánh giá kết quả thực hiện thí điểm chính sách dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) trên địa bàn tỉnh cũng có nhưng hiệu quả ban đầu, tuy nhiên vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế cần được tháo gỡ nhằm tăng thu nhập và trách nhiệm cho các đối tượng nhận khoán rừng, bảo vệ rừng.
Báo cáo tại Hội nghị, ông Lê Minh Hưng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Quảng Nam, cho biết sau thời gian thực hiện chính sách DVMTR đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các cấp, các ngành, các địa phương và người dân trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Quảng Nam đã tạo lập được một nguồn tài chính mới ngoài ngân sách, đảm bảo ổn định, bền vững phục vụ cho công tác quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) trên địa bàn tỉnh, giảm áp lực chi ngân sách cho lâm nghiệp. Đồng thời nâng cao nhận thức tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo ở các vùng miền núi mà phần lớn là đồng bào dân tộc ít người.
Tuy nhiên, mặc dù phần lớn rừng tự nhiên được giao khoán bảo vệ nhưng số vụ việc vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng vẫn còn cao. Cụ thể, trong 6 năm qua (từ 2012-2017), số vụ vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng luôn ở mức khá cao. Trong đó, năm 2012 là 1.329 vụ, 2013 là 1.106 vụ, 2014 là 1.225 vụ, 2015 là 1.223 vụ, 2016 là 1.035 vụ và 2017 là 794 vụ.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do trong quá trình lập kế hoạch và hợp đồng bảo vệ rừng hằng năm, bên giao khoán chủ yếu dựa trên phương án bảo vệ rừng, hồ sơ thiết kế, đề án triển khai chính sách DVMTR đã được lập ban đầu mà chưa đánh giá kết quả thực hiện hằng năm để điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp, chưa thể hiện tốt vai trò chủ động của chủ rừng. Trong khi đó, trong hợp đồng khoán bảo vệ rừng, việc chi phí trả cho bảo vệ rừng hoàn toàn tùy theo nguồn thu DVMTR, suất hỗ trợ của nhà nước mà không căn cứ vào thực tế nhu cầu tuần tra rừng, đồng thời chưa có chế tài cụ thể đối với người nhận khoán rừng để rừng bị phá, xâm hại trái phép.
Theo các đại biểu, mô hình giao khoán chưa phù hợp với phong tục tập quán của đồng bào địa phương nên chưa khai thác được tính tự giác, tinh thần trách nhiệm của người dân trong việc tuần tra bảo vệ rừng. Việc tổ chức tuần tra không đồng đều nhưng tiền phải chia đều nên hiệu quả không cao. Ngoài ra, khi nhóm hộ phát hiện các vụ việc vi phạm thì không có chức năng xử lý, chỉ báo cáo vụ việc là hoàn thành nhiệm vụ, thậm chí khi để xảy ra mất rừng thì chế tài để ràng buộc, xử lý trách nhiệm cũng không cao, chỉ cắt hợp đồng giao khoán bảo vệ.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã kiến nghị UBND tỉnh cần xây dựng chế tài khen thưởng, xử phạt rõ rang cụ thể, rừng bị xâm hại mức độ nào thì xử phạt thế nào cho các cộng đồng nhận khoán để khích lệ tinh thần và răn đe, giáo dục. Cần đầu tư công nghệ, máy móc thiết bị để tuần tra rừng, theo dõi diễn biến rừng chính xác và kịp thời, trên cơ sở đó xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về QLBVR.
Theo ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, hiện tại Quảng Nam có hơn 700.000 ha diện tích đất lâm nghiệp (chiếm 69,9% diện tích tự nhiên của tỉnh), trong đó diện tích có rừng trong quy hoạch 3 loại rừng là 559.658ha tập trung chủ yếu ở các huyện miền núi và trung du. Hiện tỉnh đang triển khai bảo vệ rừng theo nhiều chính sách với tổng diện tích 366.475 ha, chiếm 81,4% diện tích rừng tự nhiên hiện có. Trong đó, dịch vụ môi trường rừng theo Nghị định 99/2010/NĐ-CP là 277.142ha; kế hoạch bảo vệ phát triển rừng (Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững theo Quyết định 886/QĐ-TTg) là 12.883ha; Nghị định 75/2015/NĐ-CP là 64.410ha; Nghị định 30a/2018/NĐ-CP là 1.126ha; dự án Kfw 10 là 10.932 ha. Về nguồn tài chính bảo vệ rừng, phần lớn diện tích được bảo vệ theo chính sách DVMTR (chiếm 75%), diện tích do xã quản lý được bảo vệ từ ngân sách nhà nước (chiếm 22%) và diện tích được bảo vệ từ dự án hỗ trợ nước ngoài (chiếm 3%).
Đồng thời, ông Lê Trí Thanh cũng thống nhất nâng mức giao khoán rừng lên hơn 400.000 đồng/ha, xem xét giữ lại một số nhóm hộ được giao khoán bảo vệ rừng hoạt động hiệu quả. Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tính toán để tăng số cán bộ kiểm lâm địa bàn, ít nhất mỗi xã 1 kiểm lâm địa bàn, xã nào có rừng nhiều, phức tạp có thể có đến 2-3 kiểm lâm địa bàn. Các kiểm lâm địa bàn chịu trách nhiệm tham mưu cho Chủ tịch UBND xã về công tác quản lý, bảo vệ rừng. Thành lập Quỹ khen thưởng công tác quản lý, bảo vệ rừng cấp huyện, kinh phí lấy từ việc thu hồi tiền giao khoán của những đối tượng không đi thực địa rừng. Ngoài ra, kinh phí hoạt động quỹ cũng sẽ được xã hội hóa để các tổ chức, cá nhân thể hiện trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng sẽ được chi trả hằng tháng. Xây dựng đề án giao khoán bảo vệ rừng trên địa bàn toàn tỉnh, bên cạnh việc tổ chức, kiện toàn bộ máy kiểm lâm.