Xã hội

Khánh Hòa: Hiệu quả từ việc giao khoán bảo vệ rừng

Đỗ Vương 28/06/2024 - 17:25

Việc giao khoán bảo vệ rừng đã góp phần hạn chế được các vụ phá rừng, nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng của mỗi cá nhân; đồng thời, giúp người dân có thêm nguồn thu nhập chính đáng từ rừng; giúp xóa nghèo bền vững.

Thực hiện Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 9/9/2015 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững cùng chương trình giao khoán bảo vệ rừng, giai đoạn 2023 - 2025, 338 hộ đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) trên địa bàn tỉnh đã nhận khoán bảo vệ hơn 9.480ha rừng tự nhiên từ các đơn vị chủ rừng nhà nước, UBND cấp xã.

z4587325450539_e6e8c47fe30ec0d81f3be4bd2aedb625.jpg
Đất rừng Khánh Vĩnh có độ che phủ chiếm tới 75% diện tích tự nhiên

Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa là đơn vị chủ rừng nhà nước được giao quản lý, bảo vệ diện tích rừng, đất rừng hơn 30.212ha, trong đó có hơn 22.470ha rừng phòng hộ xung yếu. Những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng của đơn vị gặp khá nhiều khó khăn khi lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách mỏng, trong khi diện tích rừng của đơn vị khá rộng. Nhiều diện tích rừng của đơn vị thường xuyên bị các đối tượng nhòm ngó để khai thác lâm sản trái phép, lấn chiếm để lấy đất sản xuất.

Từ đầu năm 2024, trạm đã giao khoán bảo vệ 450ha rừng tự nhiên cho 15 hộ ĐBDTTS nghèo ở xã Sơn Tân (huyện Cam Lâm); nhờ đó có thêm nhân lực để thực hiện nhiệm vụ tuần tra bảo vệ rừng. Các hộ nhận khoán bảo vệ rừng khi phát hiện rừng bị tác động sẽ báo ngay về trạm để kịp thời kiểm tra, xử lý. Ngoài ra, Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa còn giao khoán bảo vệ 6.030ha rừng tự nhiên cho 204 hộ dân ở 6 địa phương ở huyện Khánh Sơn”, ông Nguyễn Phước Thế - Trưởng bộ phận bảo vệ rừng Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa cho hay.

Không chỉ các đơn vị chủ rừng nhà nước, việc giao khoán bảo vệ rừng cho các hộ ĐBDTTS và người Kinh nghèo còn được nhiều UBND cấp xã ở các địa phương vùng ĐBDTTS và miền núi trong tỉnh triển khai. Tại huyện Khánh Vĩnh, từ cuối năm 2023, hơn 954ha rừng tự nhiên thuộc quản lý của 5 xã: Khánh Nam, Khánh Phú, Khánh Thượng, Liên Sang và Sơn Thái cũng đã được giao cho 38 hộ dân ở các địa phương bảo vệ. Các hộ nhận khoán đều là ĐBDTTS nghèo, nguồn thu nhập 400.000 đồng/ha/năm góp phần giúp các hộ có thêm thu nhập, thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào nương rẫy, làm thuê”.

z4587324364551_b0e5a602b50bb616100dd353afa6c4fd.jpg
Các đội bảo vệ rừng thường xuyên tuần tra các khu vực trọng điểm

Theo tìm hiểu của phóng viên, trước năm 2023 tại huyện Khánh Vĩnh, qua rà soát của Hạt Kiểm lâm địa phương và UBND cấp xã, diện tích rừng tự nhiên đảm bảo tiêu chí giao khoán hơn 1.343,6ha, thuộc 8 xã: Khánh Đông, Khánh Bình, Khánh Hiệp, Khánh Nam, Khánh Phú, Liên Sang, Sơn Thái, Khánh Thượng. Mặc dù, UBND các xã đã niêm yết công khai diện tích giao khoán, nhưng các hộ đều không có nhu cầu đăng ký nhận giao khoán bảo vệ rừng. Nguyên nhân là do diện tích rừng tự nhiên do UBND cấp xã quản lý manh mún, phân tán, người dân khó tổ chức thực hiện bảo vệ.

Để việc giao khoán rừng cho các hộ nhận khoán bảo vệ rừng tăng lên, các địa phương phải tổ chức tuyên truyền, vận động nhiều lần. Trong năm 2023, có 56 hộ dân ở 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh ký kết hợp đồng nhận khoán bảo vệ rừng. Đến năm 2024, qua nỗ lực triển khai của các đơn vị, địa phương, số hộ nhận khoán bảo vệ rừng đã tăng lên. Ngoài các hộ ở 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh tiếp tục nhận khoán diện tích rừng tự nhiên do UBND cấp xã quản lý, nhiều đơn vị chủ rừng nhà nước cũng đã ký kết hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng với các hộ dân. Cụ thể: Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa giao khoán hơn 525ha cho 20 hộ dân xã Ninh Tây (thị xã Ninh Hòa); Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Trầm Hương giao khoán bảo vệ 750ha cho 25 hộ dân 3 xã: Khánh Đông, Khánh Hiệp, Khánh Trung (Khánh Vĩnh); Công ty TNHH Một thành viên Lâm sản Khánh Hòa giao khoán bảo vệ 540ha cho 18 hộ dân 2 xã Giang Ly và Liên Sang (huyện Khánh Vĩnh).

Điển hình như hộ gia đình ông Cao Văn Dừa, xã Liên Sang, huyện Khánh Vĩnh, từ một gia đình nghèo, thu nhập chủ yếu dựa vào nương rẫy, nhưng nhờ nhận giao khoán bảo vệ rừng, gia đình ông đã vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội phát triển mô hình nuôi lợn, gà... hàng năm gia đình có thêm thu nhập, nay đã thoát nghèo...

Theo ông ông Nguyễn Văn Hào, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm sản Khánh Hòa: Rừng Khánh Vĩnh có nhiều loại gỗ quý, trong các năm qua đã thu hút chú ý của bọn “lâm tặc”. Vì thế, công tác bảo vệ rừng luôn được đặt ra rất cụ thể và quyết liệt đủ sức mạnh răn đe kẻ xấu Chống lâm tặc luôn được đi kèm với nhiệm vụ phòng chống cháy rừng. Việc giao khoán quản lý, bảo vệ rừng cho hộ dân, cộng đồng địa phương đã mang lại lợi ích kép, người dân có thu nhập từ bảo vệ rừng, khai thác sản vật dưới tán rừng, nâng cao trách nhiệm chung tay cùng giữ rừng. Công ty sẽ tiếp tục tham mưu Sở NN&PTNT trình UBND tỉnh thực hiện các chính sách về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; trong đó, chú trọng phát triển các mô hình sinh kế, năng lực cho lực lượng bảo vệ rừng; trang bị kiến thức, kỹ năng tuần tra rừng cho người dân…

Đặc biệt, nạn phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép vẫn còn xảy ra; tình trạng phát, lấn chiếm rừng trái phép diễn ra khá phức tạp, gây không ít khó khăn trong công tác bảo vệ rừng. Trong thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, sử dụng hợp lý tài nguyên rừng, từng bước nâng cao chất lượng, giá trị rừng trồng; huy động các nguồn lực xã hội tham gia bảo vệ và phát triển rừng.

Theo ông Nguyễn Duy Quang - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính sách giao khoán bảo vệ rừng cho các hộ dân trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025. Bên cạnh tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho các hộ dân, chính sách này còn góp phần tăng cường hỗ trợ cho công tác quản lý bảo vệ rừng của các địa phương, đơn vị được tốt hơn. Để công tác giao khoán bảo vệ rừng đạt hiệu quả, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành nhiều văn bản đôn đốc các đơn vị tuyên truyền, hướng dẫn và tăng cường hỗ trợ những hộ gia đình nhận khoán bảo vệ rừng thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng được giao khoán theo quy định. Sở cũng thường xuyên kiểm tra, đánh giá kết quả giao khoán bảo vệ rừng của từng đơn vị, địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khánh Hòa: Hiệu quả từ việc giao khoán bảo vệ rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO