Phú Vang, Thừa Thiên Huế: Chú trọng kinh tế biển và đầm phá

11/12/2017 00:00

(TN&MT) - Là huyện trọng điểm thuộc chương trình phát triển kinh tế biển của tỉnh Thừa Thiên Huế, Phú Vang có đường bờ biển dài gần 40km bằng 1/3 chiều dài bờ biển của tỉnh, với 6.800 ha mặt nước đầm phá, gồm đầm Sam – Chuồng, Hà Trung – Thủy Tú và một phần đầm Cầu Hai. Phát triển nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản được xem là “mũi nhọn” của địa phương.

Vùng trọng điểm của thủy hải sản

Ở Phú Vang, chế biến thủy sản gắn liền với hoạt động nuôi trồng, đánh bắt khai thác đã có từ lâu đời. Đặc biệt, chế biến thủy sản ở Phú Vang không ngừng phát triển và ngày một khẳng định vị thế trong việc tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao, giải quyết việc làm đối với lao động địa phương.

Chế biến thủy sản ở Phú Vang gồm: chế biến nước mắm, chế biến thủy sản khô và chế biến thủy sản đông lạnh. Sản phẩm chế biến đa dạng, phong phú đã góp phần cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Trong đó, chế biến nước mắm là một trong những nghề truyền thống song song với nghề đánh bắt và khai thác thủy sản. Trung bình mỗi năm Phú Vang sản xuất được hơn 9.400 lít nước mắm, tập trung chủ yếu là xã Phú Thuận, Phú Hải và thị trấn Thuận An. Sản lượng nước mắm được chế biến tăng dần qua hàng năm.

Nghề chế biến nước mắm ở Phú Vang tạo thu nhập cho nhiều người dân
Nghề chế biến nước mắm ở Phú Vang tạo thu nhập cho nhiều người dân

Bên cạnh nghề làm nước mắm, người dân nơi đây còn làm các loại mắm từ lâu đã trở thành đặc sản như mắm tôm, mắm tép, mắm ruốc...  để dùng trong gia đình hay bán ở các chợ. Tuy nhiên, thực tế vẫn chưa có hộ kinh doanh nào tạo được bứt phá, đánh dấu cho thương hiệu mắm Phú Vang trên thị trường trong và ngoài tỉnh mà chủ yếu chỉ phục vụ, kinh doanh theo hộ gia đình. Làm mắm ở đây theo kiểu công thức gia truyền, còn mang tính sản xuất nhỏ.

Tập trung chủ yếu các xã Phú Hải, Phú Thuận, thị trấn Thuận An, chế biến thủy hải sản khô từ lâu đã có tiếng của cư dân vùng biển Phú Vang, nhất là khi biển được mùa, lượng cá tươi, mực, tôm tiêu thụ không kịp người dân chế biến hải sản khô để tiêu thụ dần. Trong đó, có hai loại hải sản khô đem lại giá trị cao là mực khô và cá khô các loại.

Sản phẩm hải sản khô ngày nay không chỉ được sản xuất theo kiểu truyền thống là phơi khô phụ thuộc vào thời tiết mà các hộ dân nơi đây cũng như các cơ sở đã đầu tư máy móc để sấy khô, góp phần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm. Sản phẩm hải sản khô ngày càng đa dạng và hợp với khẩu vị của người tiêu dùng hơn nhờ vào kinh nghiệm ướp và tẩm gia vị để tạo ra nhiều hương vị khác nhau. Sản lượng cá khô và mực khô tăng dần qua các năm đã góp phần đáng kể vào tổng sản lượng sản phẩm chế biến của ngành thủy sản nơi đây.

Mực phơi nắng
Mực phơi nắng

Trong khi đó, Phú Vang với sản lượng khai thác được từ mực, tôm, cá tươi khá phong phú nên người dân đã đầu tư máy móc, kỹ thuật để làm đông lạnh nhằm xuất khẩu mang lại giá trị kinh tế cao. Một trong số đó là đơn vị chế biến mực xuất khẩu thương hiệu Nam Thuận An, thị trấn Thuận An. Và mỗi năm trên địa bàn Phú Vang có đến hàng trăm tấn mực tươi xuất khẩu. Điển hình qua hàng năm, sản lượng mực tươi qua chế biến từ 660 tấn đến 880 tấn. Điều này chứng tỏ được sự phát triển không ngừng của ngành chế biển thủy, hải sản đông lạnh ở Phú Vang.

Cần đầu tư mạnh mẽ

Nghị quyết của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế về phát triển kinh tế biển và đầm phá tròn đó kết luận, phát triển mạnh kinh tế thủy sản để nâng cao đời sống và chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng biển, đầm phá. Theo đó, tập trung phát triển đánh bắt xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Xây dựng đội tàu đánh bắt xa bờ mạnh, hiện đại, vươn khơi bám biển dài ngày.

Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ ngư dân đóng tàu công suất lớn, đánh bắt xa bờ và cung cấp dịch vụ hậu cần nghề cá. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án khu neo đậu kết hợp bến cá, mở rộng cảng cá Thuận An, khu neo đậu tàu thuyền Phú Hải. Khơi thông, nạo vét luồng lạch bảo đảm cho tàu, thuyền hoạt động an toàn...

Đóng mới tàu đánh bắt xa bờ
Đóng mới tàu đánh bắt xa bờ

Phát triển du lịch biển và đầm phá, trong đó quy hoạch phát triển theo hướng gắn kết du lịch cộng đồng với các dự án lớn của doanh nghiệp. Hỗ trợ, đôn đốc triển khai dự án sân golf quốc tế Vinh Thanh, biệt thự ven biển... nghiên cứu mô hình kinh doanh bất động sản du lịch đối với dự án du lịch có quy mô lớn.

Vận động, phối hợp với các doanh nghiệp xây dựng sản phẩm du lịch biển, đầm phá. Liên kết các đơn vị lữ hành xây dựng các tuyến, điểm du lịch. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tuyến giao thông đến điểm du lịch, bến thuyền du lịch.

Với sự phát triển của nuôi trồng, đánh bắt, khai thác thủy sản, chế biến thủy sản cũng đang không ngừng khẳng định vị thế của mình trong sự phát triển của ngành ngư nghiệp Phú Vang. Để có những chiến lược phát triển, chính quyền và nhân dân nơi đây cần đánh giá về thực trạng và có những giải pháp kịp thời để nhằm tạo đột phá cho nền kinh tế biển và đầm phá, đặc biệt là nuôi trồng, khai thác và chế biến sản phẩm thủy sản. Đó cũng là động lực để đưa Phú Vang phát triển kinh tế, nâng cao mức sống cho người dân nơi đây.

Quốc Toàn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phú Vang, Thừa Thiên Huế: Chú trọng kinh tế biển và đầm phá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO