Kinh tế

Tây Ninh: Tập trung thu hút đầu tư phát triển công nghiệp

Thục Vy 07/05/2024 - 15:59

(TN&MT) - Trong bối cảnh kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều khó khăn thách thức, nhưng thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) của tỉnh Tây Ninh có nhiều khởi sắc, nhất là thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

phuoc-dong-ipp-3-555.jpg
Chất lượng môi trường ở các KCN, KKT ở Tây Ninh đến nay cơ bản được bảo đảm.

Tỉnh Tây Ninh hiện có 6 KCN nằm trong quy hoạch KCN Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với tổng diện tích 3.959 ha. Trong đó, có 5 KCN đã được cấp phép thành lập và hoạt động, gồm: KCN Trảng Bàng, Khu Chế xuất và Công nghiệp Linh Trung III, KCN Chà Là, KCN Phước Đông và KCN Thành Thành Công.

Tổng diện tích đất của 5 KCN này là 3.383,07 ha; diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê là 2.540,1 ha; đã cho thuê 1.709,87 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy 67%. Diện tích đất công nghiệp có thể mời gọi đầu tư ngay là khoảng 350 ha, trong đó, lô đất có diện tích lớn nhất khoảng 50 ha; 1 KCN vừa được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư là KCN Hiệp Thạnh. Trên địa bàn tỉnh còn có 2 KKT cửa khẩu Mộc Bài quy mô 21.284 ha và Xa Mát quy mô 34.197 ha.

Theo Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Tây Ninh, hiện nay, các KCN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh cơ bản đã hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật để phục vụ cho hoạt động của các doanh nghiệp trong KCN. Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, năm 2023 thu hút vốn đầu tư vào các KCN, KKT đạt được 807,74 triệu USD, gồm cấp mới 27 dự án, trong đó, 25 dự án FDI vốn đăng ký 252,62 triệu USD và 2 dự án trong nước vốn đăng ký 47 tỷ đồng, 33 dự án điều chỉnh tăng vốn 461,02 triệu USD và 2.117,3 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu so với năm 2022.

Riêng trong 4 tháng đầu năm 2024, Tây Ninh đã thu hút được 127,48 triệu USD vốn đầu tư, gồm: cấp mới 7 dự án FDI - tổng vốn đầu tư 29,5 triệu USD và 8 dự án điều chỉnh tăng vốn - tổng vốn đầu tư 97,98 triệu USD và 19 tỷ đồng. Hiện nay, có nhiều nhà đầu tư cũng đang tìm hiểu môi trường đầu tư tại các KCN, trong đó, có 3 nhà đầu tư đang làm thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn khoảng 33 triệu USD. Dự kiến trong năm 2024 sẽ có 18 dự án đi vào hoạt động, năm 2025 có 15 dự án đi vào hoạt động.

Bên cạnh sự đột phá về thu hút vốn đầu tư, thực hiện chính sách của Nhà nước về bảo vệ môi trường đối với KCN và KKT, tỉnh Tây Ninh còn khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để mọi tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động bảo vệ môi trường; đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục pháp luật về môi trường; cương quyết xử lý các hành vi gây ô nhiễm môi trường trong KKT, KCN; ưu đãi về đất đai cho nhà máy xử lý chất thải trong KCN, tăng cường phát triển kết cấu hạ tầng bảo vệ môi trường tại các KKT, KCN. Do đó, hiện chất lượng môi trường ở các KCN, KKT Tây Ninh cơ bản được bảo đảm.

Ông Lê Thanh Kiệt - Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Tây Ninh cho biết, trong năm 2023, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh đã thực hiện chương trình kiểm tra, giám sát đối với 70 doanh nghiệp trong các KCN, KKT về công tác bảo vệ môi trường. Hầu hết các doanh nghiệp đều quan tâm thực hiện theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, vận hành thường xuyên các công trình bảo vệ môi trường đảm bảo chất thải được thu gom, xử lý đảm bảo quy chuẩn theo quy định trước khi thải ra nguồn tiếp nhận.

Cũng theo ông Kiệt, sự hình thành và phát triển của các KCN đóng vai trò quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp trong GRDP, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mở rộng nguồn thu ngân sách cho tỉnh. Đặc biệt, Tây Ninh luôn chú trọng công tác bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển KCN, KKT xanh, góp phần thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa của tỉnh, góp phần tăng mạnh giá trị sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh.

“Trong thời gian tới, Ban Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh tiếp tục tập trung thúc đẩy các công ty hạ tầng hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật của KCN theo quy hoạch được duyệt; tăng cường công tác xúc tiến đầu tư gắn với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh quy hoạch KKT cửa khẩu Mộc Bài và Xa Mát theo định hướng mới; phát triển KKT cửa khẩu Mộc Bài theo hướng công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp xanh, đô thị xanh - sạch, thông minh bền vững, kết nối quốc tế…”, ông Kiệt chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tây Ninh: Tập trung thu hút đầu tư phát triển công nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO