Môi trường

Phú Quý (Bình Thuận): Gắn nhiệm vụ bảo vệ môi trường với giảm nghèo bền vững

Linh Nga 20/06/2023 - 15:06

(TN&MT) - Những năm qua, huyện Phú Quý (Bình Thuận) đã tập trung triển khai nhiều giải pháp bảo vệ môi trường (BVMT) nhằm thay đổi diện mạo của huyện đảo này theo hướng xanh, bền vững, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giúp địa phương thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

a1.-phu-quy.jpg
Các lực lượng cùng tham gia bảo vệ môi trường - nói không với rác thải nhựa

Hướng đến cuộc sống an toàn, bền vững

Ông Lê Quang Vinh, Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Phú Quý cho biết: Huyện đảo Phú Quý được biết đến là địa phương có tiềm năng kinh tế biển, nhất là về lĩnh vực thủy sản và du lịch. Tuy vậy, đi đôi phát triển kinh tế thì chất lượng môi trường tại một số nơi bị ảnh hưởng và có nguy cơ ô nhiễm cao… Do đó, để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý BVMT, hướng đến cuộc sống an toàn, bền vững của người dân địa phương và trở thành một điểm đến thân thiện, xanh - sạch - đẹp trong mắt du khách, huyện đã và đang vào cuộc với nhiều giải pháp thực hiện rất thiết thực.

Theo đó, huyện Phú Quý thường xuyên tổ chức tuyên truyền, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về những quy định pháp luật về BVMT; đồng thời, triển khai việc cải tạo cảnh quan môi trường trên các tuyến đường; xây dựng các mô hình BVMT tại các khu dân cư; tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở nuôi trồng thủy sản, xử phạt nghiêm các cơ sở vi phạm pháp luật về BVMT.

Huyện Phú Quý còn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của tỉnh Bình Thuận đầu tư Nhà máy xử lý và tái chế rác thải với công suất 70 tấn/ngày, xử lý bằng công nghệ đốt kết hợp làm phân vi sinh. Công trình đi vào hoạt động từ tháng 4/2021, cơ bản giải quyết được toàn bộ lượng rác thải phát sinh hằng ngày tại địa phương (khoảng 35-40 tấn/ngày) và gần 139.000 tấn rác thải tồn đọng trước đó.

Ngoài ra, Phú Quý cũng tập trung việc khuyến khích các dự án đầu tư phát triển du lịch xanh gắn bảo tồn thiên nhiên, văn hóa, thân thiện môi trường; hỗ trợ các công ty tổ chức các sản phẩm du lịch xanh, các tour chuyên đề với mục tiêu kết hợp du lịch với hoạt động BVMT bằng những việc làm thiết thực như: trồng cây xanh, nhặt rác trên bãi biển, sử dụng túi ni lông tự hủy, nói không với rác thải nhựa...

Ông Phạm Sinh (thôn Triều Dương, xã Tam Thanh) cho biết, trước đây, khi chưa có Nhà máy xử lý rác, thì toàn bộ rác thải sinh hoạt tại huyện đảo Phú Quý được xử lý theo hình thức chôn lấp, nhưng vài năm nay, du lịch phát triển, du khách đến đảo nhiều hơn nên lượng rác thải cũng tăng theo, trong khi đó việc chôn lấp tại các bãi rác không xử lý kịp, lượng rác tồn đọng nhiều làm phát tán mùi hôi ra các khu dân cư, khiến nhiều người lo lắng. Nhưng từ khi Nhà máy xử lý rác thải đi vào hoạt động thì mọi vấn đề tồn tại trước đó đã được giải quyết, môi trường ở địa phương đảm bảo xanh - sạch - đẹp, cuộc sống của người dân ngày một tốt hơn.

a2.-phu-quy.jpg
Nuôi trồng thủy sản đã giúp nhiều người dân địa phương vươn lên thoát nghèo

Phục vụ mục tiêu giảm nghèo bền vững

Ông Lê Quang Vinh, Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Phú Quý cho hay: Với lợi thế về tài nguyên biển, Phú Quý đã xác định kinh tế biển chính là nền kinh tế mũi nhọn của địa phương. Do đó, huyện đã luôn bám sát tình hình thực tiễn để khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên quý giá này để vừa góp phần nâng cao đời sống của người dân địa phương và vừa góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển

Phú Quý là một đảo nhỏ, chỉ khoảng 17 km2 nhưng xung quanh lại có nhiều vùng lạch, eo vịnh kín gió, đây cũng là nơi hội tụ đủ các điều kiện để phát triển nuôi thủy sản trên biển. Vì vậy, ngoài việc rà soát và đề xuất quy hoạch vùng nuôi thủy sản phù hợp, Phú Quý còn triển khai nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân phát triển nuôi trồng thủy sản, tạo đà cho phát triển kinh tế ở địa phương.

Hiện trên địa bàn huyện Phú Quý có gần 100 cơ sở nuôi trồng thủy sản với diện tích khoảng 14.484 m2, trong đó, có 61 hộ nuôi lồng bè với diện tích nuôi trồng là 9.301 m2. Năng suất và nguồn thu nhập từ việc nuôi trồng thủy sản của người dân trên địa bàn huyện trong thời gian qua là khá ổn định, đã tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân, giúp nhiều người dân ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

Bên cạnh đó, huyện Phú Quý cũng đã triển khai nhiều chính sách mở rộng khai thác thủy sản xa bờ, gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo; đồng thời, huyện Phú Quý còn hỗ trợ người dân vay vốn để đầu tư đóng tàu mới công suất lớn, thuận lợi cho việc bám biển dài ngày, tiết kiệm chi phí vận chuyển, nâng cao giá trị khai thác thủy sản. Để khai thác tối đa tiềm năng du lịch, huyện Phú Quý cũng đã tập trung phát triển các loại hình và sản phẩm du lịch gắn với biển cũng như đa dạng hóa các loại hình du lịch hướng đến phát triển du lịch xanh và bền vững.

Ông Lê Quang Vinh cho rằng: Thời gian qua, với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương, cùng với các giải pháp trọng tâm, trọng điểm, phù hợp, kinh tế - xã hội của huyện Phú Quý không ngừng phát triển, đời sống, vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng cao, quốc phòng, an ninh được củng cố vững chắc, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chủ quyền quốc gia trên biển.

Thời gian tới, để góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới giảm nghèo bền vững, huyện Phú Quý sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực phát triển toàn diện kinh tế biển cả về khai thác, nuôi trồng và các dịch vụ du lịch; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ người dân; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức về BVMT biển, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đảm bảo sự phát triển ổn định nghề cá của huyện. Qua đó, nâng cao năng suất, tăng chất lượng sản phẩm, đảm bảo đời sống cho người dân địa phương ngày càng tốt hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phú Quý (Bình Thuận): Gắn nhiệm vụ bảo vệ môi trường với giảm nghèo bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO