Lấy phòng tránh là chính
Năm 2020, trên địa bàn huyện Phong Thổ có trên 8 đợt thiên tai xảy ra, đã gây thiệt hại tổn thất lớn về người, tài sản, cơ sở hạ tầng nhà cửa, hoa màu, nông nghiêp, vật nuôi của Nhân dân trên địa bàn huyện. Tổng thiệt hại ước tính khoảng trên 129 tỷ đồng. Hơn hết, thiên tai đã làm chết 4 người và khiến 15 người bị thương.
Ngay từ đầu năm 2021, tình hình thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp, cực đoan, bất thường. Đợt rét đậm rét hại từ ngày 11/01-14/01 và ngày 9/2 do ảnh hưởng của không khí lạnh có cường độ rất mạnh được tăng cường liên tục đã làm chết rét 23 con trâu, nghé của 20 hộ gia đình tại các xã Dào San, Bản Lang, Mồ Sì San, Tung Qua Lìn, Sin Suối Hồ, Huổi Luông, Pa Vây Sử, Xã Sì Lở Lầu, thiệt hại 154,7ha cây thảo quả. Tổng giá trị thiệt hại ước 1.870 triệu đồng.
Huyện Phong Thổ thường xuyên chịu thiệt hại nặng do thiên tai gây ra. |
Ông Vương Thế Mẫn, Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ cho biết: Trước thực trạng đó, ngay từ những ngày đầu của mùa mưa năm nay, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện, UBND các xã thị trấn tập trung theo phương châm “lấy phòng tránh là chính”. Chính vì vậy, huyện đã chỉ đạo các địa phương xây dựng phương án ứng phó với rủi ro thiên tai sát với tình hình thực tế tại địa phương; phân công công việc cụ thể rõ ràng cho các thành viên; chủ động xây dựng kế hoạch bổ sung nhằm đảm bảo đủ trang bị, phương tiện thiết yếu phục vụ cần thiết để có thể huy động kịp thời khi có rủi ro thiên tai xảy ra; xây dựng phương án cụ thể trong việc tổ chức di dời, bảo vệ dân ở vùng chịu ảnh hưởng của lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn; chủ động ngân sách địa phương và các nguồn kinh phí khác theo quy định để khắc phục hậu quả, sớm ổn định sản xuất và đời sống nhân dân.
Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn các công trình thủy lợi, nhất là các hồ chứa trên địa bàn để phối hợp với các đơn vị quản lý công trình xây dựng phương án PCTT bảo đảm an toàn công trình trong mùa mưa bão. Đồng thời theo dõi sát sao mực nước tại các hồ thủy điện trên địa bàn để chủ động trong việc xả lũ, đảm bảo an toàn vùng hạ du…
Với phương châm lấy phòng tránh là chính, huyện Phong Thổ đã chủ động di dời người dân ra khỏi khu vực chịu ảnh hưởng thiệt hại của thiên tai. |
Ông Vũ Hữu Lưỡng, Trưởng phòng nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Thổ cho biết: Phòng cũng đã chỉ đọa các xã, thị trấn xây dựng Phương án điều chỉnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mùa vụ phù hợp với dự báo, cảnh báo và tình hình diễn biến của khí hậu. Hướng dẫn người dân thay đổi khung thời vụ gieo trồng để tránh những đợt rét đậm, rét hại khi gieo cấy và mưa lũ khi thu hoạch; áp dụng quy trình sản xuất phù hợp, hướng tới nền nông nghiệp hiện đại; thực hiện các biện pháp kiểm soát, phòng chống dịch bệnh cây trồng và vật nuôi, hướng dẫn người dân chủ động phòng chống rét cho gia súc, gia cầm, hạn chế chăn thả, chủ động dự trữ thức ăn cho gia súc…
Cũng theo ông Lưỡng, hiện trên địa bàn còn một số hộ đang nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở, cần phải di chuyển. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức tự chủ động phòng, tránh thiên tai của người dân, nhất là đối với các gia đình đang sinh sống tại các sườn núi, ven sông, suối có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ ống, lũ quét cao để hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Cứu nạn khẩn trương - khắc phục kịp thời
Theo thống kê của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Phong Thổ, năm 2020, tổng số nhà bị thiệt hại do thiên tai là 3.452 nhà, với tổng thiệt hại ước khoảng 16.761 triệu đồng, trong đó: Thiệt hại hoàn toàn trên 70% là 3 nhà; thiệt hại từ 50-70% (thiệt hại rất nặng) là 2 nhà; thiệt hại từ 30-50% là 2.373 nhà; thiệt hại một phần dưới 30% là 1.073 nhà; ngoài ra có 19 hộ nằm trong vùng nguy cơ sạt lở cần phải di chuyển.
Thiên tai cũng ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, khiến 224,823ha lúa Đông xuân (lúa thuần) bị thiệt hại; hoa màu, rau đậu các loại bị thiệt hại 32ha. Cùng với đó, hàng nghìn héc-ta cây trồng lâu năm, cây trồng hàng năm và cây ăn quả tập trung bị thiệt hại… Tổng giá trị ước bị thiệt hại trên 100 tỷ đồng. Hơn hết, thiên tai đã làm chết 4 người và khiến 15 người bị thương.
Cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Lai Châu giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai. Ảnh: Châu Long. |
Thực hiện phương châm “cứu nạn khẩn trương – khắc phục kịp thời”, Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện Phong Thổ đã chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung nguồn lực để khi thiên tai xảy ra thực hiện tốt 4 tại chỗ: “Chỉ huy tại chỗ - Lực lượng tại chỗ - Vật tư thiết bị tại chỗ - Hậu cần tại chỗ”. Trong đó, tập trung thành lập 17 đội xung kích với 1.227 thành viên; chuẩn bị sẵn các nhu yếu phẩm để đảm bảo phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho người dân; chuẩn bị sẵn các phương tiện tham gia thực hiện tìm kiếm cứu nạn…
Năm 2020, toàn huyện đã tổ chức tuyên truyền vận động, hỗ trợ 3.452 nhà đã được khắc phục sửa chữa xong. Đồng thời tổ chức bố trí sắp sếp di dân cho 16 hộ nằm trong vùng nguy cơ sạt lở di chuyển xen ghép đến nơi an toàn. Ngoài ra, bổ sung diện tích giải phóng mặt bằng 1,1ha và 3 hộ vào Dự án di dân tập trung xã Lản Nhì Thàng.
Đối với sản xuất nông nghiệp, huyện đã chủ động nguồn giống để người dân tiếp tục sản xuất. Toàn huyện đã hỗ trợ 728kg giống lúa vào sản xuất vụ mùa; kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ 300kg giống ngô để sản xuất vụ xuân hè; triển khai hỗ trợ cấp phát 13.000kg giống lúa, 12.300 kg giống ngô; 164 kg giống rau từ nguồn dự trữ quốc gia để người dân khôi phục diện tích lúa mùa, ngô xuân hè. Chính vì vậy diện tích ngô xuân hè, lúa vụ mùa đã được khôi phục đảm bảo diện tích gieo trồng theo kế hoạch, tổng sản lượng lượng thực có hạt tính đến hết năm 2020 trên địa bàn huyện đạt 35.700 tấn đạt 100,3% kế hoạch đề ra.
Bên cạnh đó, huyện đã lồng ghép các nguồn vốn (30a, 135, NQ05, sự nghiệp khuyến nông) để triển khai trồng mới 31ha chuối để khắc phục thiên tai và triển khai 9 Dự án chăn nuôi với quy mô 39.102 con gia cầm được hỗ trợ cho các hộ trên địa bàn để khôi phục chăn nuôi.
Về giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, ngay sau khi xảy ra thiên tai, huyện đã chỉ đạo khắc phục 6 hạng mục công trình giao thông bằng nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương với tổng kinh phí 3.650 triệu đồng. Có 2 công trình thủy lợi đã được UBND huyện cân đối ngân sách để khắc phục với tổng kinh phí 700 triệu đồng. Cùng với đó, huyện đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục lồng ghép vào nguồn vốn sự nghiệp giáo dục để khắc phục sửa chữa thiệt hại do thiên tai gây ra.
Huyện Phong Thổ chỉ đạo các địa phương "thuận thiên"để ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong ảnh: Người dân huyện Phong Thổ thay thế mái tôn sau trận mưa đá. |
Ông Vương Thế Mẫn, Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ cho biết thêm: Trong năm 2021, thời tiết khí hậu được dự báo tiếp tục có những diễn biến thất thường. Để chủ động phòng chống thiên tai, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung tăng cường các giải pháp theo phương án ứng phó với rủi ro thiên tai gắn với tình hình thực tế tại địa phương. Có kế hoạch dự trữ lương thực và nhu yếu phẩm phục vụ nhân dân đảm bảo đủ nhu cầu khi có rủi ro thiên tai. Xây dựng Phương án điều chỉnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mùa vụ phù hợp với dự báo, cảnh báo và tình hình diễn biến của khí hậu. Hướng người dân “thuận thiên” để ứng phó trước tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và thiên tai gây ra.
Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức tự chủ động phòng, tránh thiên tai của người dân, nhất là đối với các gia đình đang sinh sống tại các sườn núi, ven sông, suối có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ ống, lũ quét cao. Tăng cường kiểm tra các khu vực trọng điểm thường xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất… Đôn đốc các hộ dân sống trong vùng nguy hiểm chủ động sơ tán đảm bảo an toàn về người và tài sản. Chỉ đạo và phát huy có hiệu quả Đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã với 1.277 thành viên.