Phong Thổ (Lai Châu): Nâng cao nhận thức bảo vệ rừng của người dân

11/11/2014 00:00

(TN&MT) – Những năm gần đây nhận thức của người dân huyện Phong Thổ (Lai Châu) trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ngày càng được nâng cao.

(TN&MT) – Nhờ có các biện pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ và phát triển rừng nên những năm gần đây nhận thức của người dân huyện Phong Thổ (Lai Châu) trong lĩnh vực này ngày càng được cải thiện và nâng cao.
   
Động lực để thay đổi tư duy, nâng cao nhận thức bảo vệ rừng…
   
  Bên cạnh các hình thức tuyên truyền thì nhận thức của bà con nơi đây ngày càng được nâng cao từ ngày được chi trả dịch vụ môi trường rừng. Theo ông Nguyễn Đình Hoà, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Phong Thổ thì chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng là một chính sách vô cùng ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay. “Đây chính là “lối thoát” trong việc huy động nguồn lực tài chính ngoài ngân sách Nhà nước cho các chủ rừng là tổ chức. Còn đối với các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân thì số tiền chi trả chính là động lực để họ cải thiện cuộc sống, từ đó nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng. Bởi với mức hỗ trợ bảo vệ rừng từ ngân sách Nhà nước hiện nay là 300 nghìn đồng/ha/năm còn thấp, không tạo ra động lực, điều kiện thuận lợi cho các hộ dân phát huy khả năng bảo vệ rừng” – ông Hoà nói.
   
Ông Nguyễn Đình Hoà trao đổi với PV Báo TN&MT
   
  Đến nay trên địa bàn huyện Phong Thổ có hơn 12.000 hộ thuộc 17 xã và 1 thị trấn tham gia nhận khoán bảo vệ rừng. Trong đó, Nậm Xe là xã đứng đầu cả huyện về số tiền dịch vụ môi trường rừng được hưởng. Năm 2013 bà con trong xã được nhận gần 2,2 tỷ đồng với diện tích được chi trả là 6724, 6 ha. Bà con đã hiểu có rừng là có thảo quả, có táo mèo, có nguồn nước, có mùa màng, có cuộc sống sung túc và hơn thế nữa mỗi năm tất cả các hộ dân trong xã tham gia bảo vệ rừng đều được nhận một khoản tiền đáng kể.
   
Gia đình ông Vòong Cá Lành thường xuyên lên rừng phát quang cỏ dại
   
  Ông Voòng Cá Lành, thôn Pa So, thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ cho biết: “Năm ngoái, nhà tôi được nhận 130 triệu đồng tiền bảo vệ rừng với mức phí gần 318 nghìn đồng/ha và năm nay dự toán là 700 nghìn đồng/ha. Chúng tôi vui lắm và ai cũng tự giác bảo vệ rừng. Bây giờ trong mỗi lần họp thôn, trưởng thôn bao giờ cũng dành ít thời gian tuyên truyền bảo vệ rừng. Mỗi khi trẻ con vào rừng người lớn đều tịch thu máy lửa, diêm… để phòng cháy rừng. Thôn chúng tôi còn đề ra hương ước nếu ai tự ý vào rừng để hái măng, lấy củi, phá rừng, xâm hại rừng… sẽ bị phạt bất kể đó là ai và ở đâu”.
   
… đến trân trọng giá trị của rừng
   
  Theo đánh giá của Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Phong Thổ thì thời gian gần đây ý thức bảo vệ rừng của nhân dân được nâng lên đáng kể. Tính đến năm 2013, toàn huyện đã có 166 tổ, đội xung kích bảo vệ rừng. Khi xảy ra cháy, hoặc có dấu hiệu cháy rừng các thành viên của các tổ, đội xung kích nhanh chóng có mặt để bảo vệ rừng. Nhiều bản, xã liên tiếp nhiều năm liền không để xảy ra cháy rừng, chặt phá rừng bừa bãi.
    
  Theo ông Nguyễn Văn Tuân, Phó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Phong Thổ thì BCĐ- PCCCR huyện đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện phối hợp với các ban ngành đoàn thể, đài truyền thanh truyền hình tổ chức họp các thôn bản, tuyên truyền di động bằng loa phát thanh, tranh tuyên truyền, ký cam kết bảo vệ rừng, PCCCR giữa các hộ gia đình với các ông trưởng bản ... Từ kết quả tuyên truyền trên đã làm chuyển biến rõ rệt về ý thức bảo vệ rừng và PCCCR của người dân, từ đó góp phần giảm thiểu các vụ cháy rừng, phá rừng và các vi phạm khác trên địa bàn.
   
Phó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Phong Thổ Nguyễn Văn Tuân đến kiểm tra công tác bảo vệ và chăm sóc rừng của gia đình ông Lành
    
  Theo bà Đỗ Thị Liễu, vợ của ông Vòong Cá Lành thì để có được chi phí trang trải cho cuộc sống sinh hoạt gần 7 triệu đồng mỗi tháng của cả gia đình, ông bà phải kết hợp giữa trồng rừng với khoanh nuôi tái sinh và ươm cây trồng rừng. Mặc dù kinh tế từ trồng rừng mang lại không cao nhưng ông bà vẫn yêu nghề, yêu rừng và muốn gắn bó với nghề, với rừng mãi mãi bởi ông bà hiểu được giá trị và ý nghĩa mà rừng mang lại cho cuộc sống của ông bà cũng như của nhiều gia đình khác trong huyện.
   
Bài và ảnh:Mai Đan
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phong Thổ (Lai Châu): Nâng cao nhận thức bảo vệ rừng của người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO