Huyện Phong Thổ có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, đặc biệt là đá làm vật liệu xây dựng. |
Phong Thổ là huyện có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, đa dạng, từ khoáng sản nguyên liệu đến khoáng sản quý hiếm, một số khoáng sản có ý nghĩa quan trọng trong lĩnh vực phát triển công nghiệp luyện kim (đồng, chì, kẽm...), công nghiệp điện hạt nhân (đất hiếm, uran...) và tài nguyên nước nóng. Tuy nhiên, đa phần các khoáng sản trên còn ở dưới dạng tiềm năng, chưa được điều tra đánh giá một cách đầy đủ và hệ thống khoa học để khai thác hợp lý; công tác điều tra cơ bản chưa được phủ kín, còn sơ lược.
Tính đến nay, tổng các dự án khai thác khoáng sản được cấp phép trên địa bàn huyện là 10 dự án (trong đó: giai đoạn 2017-2020 cấp phép 1 dự án). Hiện tại, các dự án đã hết hạn khai thác là 5 dự án, 5 dự án còn hoạt động. Từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn huyện được cấp 3 giấy phép thăm dò khoáng sản (trong đó: Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp 1 giấy phép và UBND tỉnh cấp 2 giấy phép).
Khai thác cát tại sông Nậm Na. |
Ông Lê Hữu Hồng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phong Thổ cho biết: Giai đoạn 2017-2020, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực tài nguyên khoáng sản, UBND huyện Phong Thổ đã ban hành các văn bản chỉ đạo về quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện; công tác quản lý hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản trên địa bàn huyện đã được tăng cường, duy trì kiểm tra, xử lý thường xuyên với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng tình ủng hộ của nhân dân trong huyện. Triển khai thực hiện các nội dung chỉ đạo, điều hành một cách đồng bộ, thống nhất và có hiệu quả trong công tác quản lý đối với hoạt động khoáng sản trên địa bàn huyện.
UBND huyện Phong Thổ cũng thường xuyên chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản, đã tổ chức tập huấn, tuyên truyền tại các xã (gồm lãnh đạo và công chức địa chính, cán bộ đoàn thể và các tổ chức, cá nhân) với trên 800 lượt người tham gia phổ biến những nội dung cơ bản của Luật Khoáng sản, Nghị định, Thông tư hướng dẫn và một số văn bản khác có liên quan. Tăng cường công tác tập huấn, tổ chức các Hội nghị giao ban cán bộ địa chính, tham gia các Hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản do Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức.
Qua công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành tài nguyên và môi trường nói riêng và nhân dân trên địa bàn huyện nói chung, từng bước tạo chuyển biến mạnh mẽ và sâu rộng về ý thức tự giác chấp hành pháp luật, sử dụng hợp lý, tiết kiệm các nguồn tài nguyên, cùng chung tay bảo vệ tài nguyên khoáng sản, đưa công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn ngày càng đi vào nề nếp và có hiệu quả.
Công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác thường xuyên được quan tâm. Thông qua kiểm tra, đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn, yêu cầu khắc phục hành vi vi phạm pháp luật, công tác quản lý khai thác khoáng sản trái phép đã có những chuyển biến tích cực, ý thức và nhận thức pháp luật về khoáng sản tiếp tục được nâng cao. Đã có sự phối hợp tích cực giữa các cấp các ngành, tổ chức chính trị xã hội và trách nhiệm của người đứng đầu trong cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thực thi pháp luật tại địa phương, góp phần bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác, kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khoáng sản.
Công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện Phong Thổ có nhiều chuyển biến, nhận thức người dân bảo vệ khoáng sản chưa khai thác được nâng cao. |
Tuy nhiên, công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện Phong Thổ vẫn tồn tại một số hạn chế. Với địa bàn rộng, nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, tập trung nhiều tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản, nhu cầu về vật liệu xây dựng ngày càng lớn; trong khi đó, cán bộ, công chức thực hiện quản lý khoáng sản ở cấp huyện, xã còn mỏng, chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm nên rất khó khăn cho công tác quản lý. Một số điểm mỏ được cấp phép đi vào hoạt động, tuy nhiên có một số dự án chậm làm thủ tục thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; có dự án đã được thăm dò đánh giá trữ lượng nhưng việc đăng ký vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện chưa được Nhà đầu tư quan tâm ảnh hưởng đến quá trình triển khai thực hiện dự án.
Điểm mỏ khai thác chì, kẽm tại xã Mù Sang, huyện Phong Thổ. |
Ông Lê Hữu Hồng cho biết thêm, để siết chặt công tác quản lý khai thác khoáng sản, khoáng sản chưa khai thác trong thời gian tới, huyện sẽ thường xuyên chỉ đạo công tác kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn; tập trung vào các doanh nghiệp hoạt động theo cấp phép, các khu vực có nguy cơ khai thác khoáng sản trái phép; trong quá trình kiểm tra các tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác cơ bản đã thực hiện tốt các quy định của pháp luật trong khai thác khoáng sản.
Cùng với đó, yêu cầu các Chủ đầu tư (doanh nghiệp được cấp phép khai thác) trước khi thực hiện khai thác khoáng sản theo giấy phép đã được cấp phải nộp đầy đủ lệ phí cấp giấy phép khai thác, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường, lập thiết kế khai thác mỏ phù hợp với thiết kế cơ sở đã phê duyệt, bổ nhiệm Giám đốc mỏ, thông báo kế hoạch khai thác khi tiến hành khai thác khoáng sản.