Phát triển bền vững trên nền tảng “kho báu” đa dạng sinh học

20/12/2018 11:53

(TN&MT) – Hoạt động giám sát nhằm bảo tồn và phát huy giá trị ĐDSH của Vịnh Hạ Long là rất cần thiết trong bối cảnh phát triển kinh tế và du lịch, nguy cơ đe dọa đến đa dạng sinh học, môi trường tự nhiên bị biến đổi và tác động lớn.

Bảo tồn “kho báu” ĐDSH

Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long mang giá trị đặc sắc về đa dạng sinh học (ĐDSH), được các nhà khoa học đánh giá là “kho báu” vô giá, nguyên liệu tuyệt vời để phục vụ sự phát triển bền vững trong tương lai. Sự kết hợp của môi trường, khí hậu, địa chất, địa mạo... đã khiến Vịnh Hạ Long trở thành quần tụ của ĐDSH.

Những báo cáo mới nhất gần đây cho thấy, hệ sinh vật trên những đảo đá vôi ở đây đã có trên 500 loài. Tính ĐDSH ở Vịnh Hạ Long cũng có sự khác biệt rõ ràng, đặc trưng so với các vùng khác. Vị trí tách biệt giữa các đảo trên Vịnh khiến sinh vật bị cách ly về địa lý, qua đó hình thành nên những không gian sinh sống khác nhau, chưa kể giống loài, quá trình cách ly lâu dài... hình thành nên những giống loài khác nhau, đặc hữu.

vịnh Hạ Long
Vịnh Hạ Long là quần tụ của ĐDSH. Ảnh: Internet

Hạ Long đang phát triển mạnh về kinh tế, đặc biệt là du lịch rất năng động và mạnh mẽ. Đây cũng là thế mạnh, động lực để công tác bảo tồn được tiến hành một cách thuận lợi. Các nhà quản lý tại đây đang tiến hành phối hợp với nhà khoa học để nghiên cứu ĐDSH một cách hệ thống, giúp người dân đến người quản lý đều hiểu tầm quan trọng của môi trường...

Tuy nhiên, việc phát triển các hoạt động du lịch sẽ đi kèm với việc xây dựng những công trình phụ trợ, điều này chắc chắn sẽ có tác động đến hệ sinh thái. Thực tế, mọi dự án phát triển đều có báo cáo tác động môi trường. Mặc dù vậy, Hạ Long cũng như nhiều nơi khác ở nước ta, nhà quản lý cũng chưa đủ nguồn lực để giám sát những ảnh hưởng của hoạt động phát triển này đến hệ sinh thái. Chính vì thế, để cân bằng giữa việc phát triển kinh tế và bảo tồn thiên nhiên thực sự là một bài toán rất khó.

Theo Tiến sĩ Lưu Hồng Trường, Viện trưởng Viện sinh thái học miền Nam (Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam), chưa có những nghiên cứu cụ thể để có thể khẳng định sự phát triển kinh tế sẽ tác động ở mức độ nào đến hệ sinh thái? Cho nên, hiện các nhà khoa học, cơ quan chủ quản đang nỗ lực hoàn thiện hệ thống giám sát ĐDSH để có phương án xử lý tốt nhất nếu có sự cố ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên. Và sau mỗi chu kỳ phát triển, chúng ta lại có thể rút ra những bài học để tránh những tác động tiêu cực đến hệ sinh thái và ĐDSH.

Giám sát ĐDSH để phát huy giá trị Di sản

Ngoài phục vụ khoa học, bảo tồn, “kho báu” ĐDSH ở Vịnh Hạ Long có thể được phát huy phục vụ phát triển kinh tế, hình thành các sản phẩm du lịch và phát huy giá trị Di sản một cách bền vững.

Thực tế cho thấy, ở các nước đang phát triển, các khu bảo tồn thiên nhiên được đưa vào khai thác du lịch vừa đem lại lợi ích kinh tế, vừa bảo vệ được hệ sinh thái và những giá trị tự nhiên vốn có. Việc hình thành những loại hình du lịch sinh thái như vậy còn có giá trị giáo dục, nâng cao ý thức con người trong việc bảo vệ môi trường và ĐDSH. Nếu khai thác hiệu quả ĐDSH và giá trị đặc hữu sinh vật trên Vịnh Hạ Long thành những hoạt động sinh thái chính là cách đem lại lợi nhuận, giá trị bền vững cho những nhà đầu tư, nhà quản lý.

hệ sinh thái đa dạng vịnh Hạ Long
Hệ sinh thái đa dạng Vịnh Hạ Long. Ảnh: Internet

Tiến sĩ Lưu Hồng Trường sau chuyến giám sát đa dạng sinh học mới đây tại Vịnh Hạ Long do IUCN tổ chức đã chỉ rõ, việc sử dụng vật liệu, công trình thân thiện, chính vẻ đẹp của hệ sinh thái, đa dạng của động vật, thực vật đặc hữu được coi là yếu tố chính tạo lên "hồn", vẻ đẹp của điểm đến. Tại đây, không chỉ có nhiều loài được bảo tồn, việc xây dựng công trình giữa rừng bằng gỗ; giữ nguyên không gian sinh sống của cây cối bằng cách khoét mặt sàn gỗ để cây sinh trưởng bình thường, chứ không cắt bỏ cây... Điều đó tạo sự độc đáo, cảnh quan thân thiện. Nhờ đó, giá trị của điểm đến này đang dần được khẳng định.

Do vậy, để bảo tồn, phát huy giá trị Di sản, việc xây dựng cơ sở dữ liệu và hệ thống giám sát ĐDSH rất cần thiết. Giám sát ĐDSH là dùng kỹ thuật khảo sát, điều tra ĐDSH, đánh giá theo định kỳ nhằm theo dõi sự thay đổi, biến động về quần thể, hệ sinh thái, quần xã của động vật, thực vật. Từ đó tìm hiểu lý do biến động để có biện pháp quản lý phù hợp, tránh ảnh hưởng tới hệ sinh thái và các giống loài, đồng thời tạo "kho dữ liệu" phục vụ công tác bảo tồn, phát huy Di sản.

Đây là hoạt động chiến lược đảm bảo thông tin khoa học đưa đến tay nhà quản lý phải dễ hiểu. Quá trình triển khai thực tiễn chắc chắn sẽ giúp đưa ra những kết luận cụ thể, từ đó rút ra những bài học cho việc mở rộng hoạt động giám sát trong tương lai...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển bền vững trên nền tảng “kho báu” đa dạng sinh học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO