Phát triển Xanh

Vườn Quốc gia Hoàng Liên: Nỗ lực xứng đáng “Trung tâm đa dạng sinh học, Vườn Di sản Asean”

Bích Hợp 19/11/2024 - 14:07

(TN&MT) - Điều kiện tự nhiên đã đem đến cho Vườn Quốc gia Hoàng Liên sự phong phú, đa dạng sinh học được xếp vào hàng thứ nhất trong hệ thống rừng đặc dụng của Việt Nam. Những năm qua, Vườn Quốc gia Hoàng Liên đã thực hiện nhiều giải pháp phát triển, bảo tồn đa dạng sinh học để xứng đáng là “Trung tân đa dạng sinh học, Vườn Di sản Asean”.

Trung tâm đa dạng sinh học

Theo đánh giá của các tổ chức khoa học về bảo tồn đa dạng sinh học rừng, Vườn Quốc gia Hoàng Liên có hệ thực vật Fansipan mang đặc trưng các yếu tố thực vật á nhiệt đới và ôn đới của 3 luồng là Vân Nam - Himalaya, Bắc Việt Nam - Nam Trung Hoa và luồng thực vật Ấn Độ - Malaysia. Bước đầu đã thống kê được 2.847 loài thực vật có mạch thuộc 1.064 chi và 229 họ.

Bên cạnh đó, Vườn Quốc gia Hoàng Liên có nhiều thực vật quý hiếm, đặc hữu và nhiều loại cây dược liệu có giá trị cao. Về hệ động vật, đến nay đã thống kê được 555 loài động vật có xương sống trên cạn, trong đó có 96 loài thú, 346 loài chim, 63 loài bò sát và 50 loài lưỡng cư. Đặc biệt, Vườn Quốc gia Hoàng Liên đang bảo tồn nguồn gen của một nửa loài ếch, nhái có ở Việt Nam.

vuon-quoc-gia-5.jpg
Lực lượng chức năng tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên luôn nỗ lực bảo vệ rừng, bảo vệ đa dạng sinh học.

Vì vậy, Vườn Quốc gia Hoàng Liên được chọn là một trung tâm đa dạng của các loài thực vật trong chương trình bảo tồn các loài thực vật của Hiệp hội Bảo vệ thiên nhiên thế giới (IUCN). Vườn cũng được Quỹ môi trường toàn cầu xếp vào loại A, cao cấp nhất về giá trị đa dạng sinh học của Việt Nam. Năm 2003, Vườn Quốc gia Hoàng Liên được công nhận là Vườn Di sản ASEAN.

Dù thành phần các loài động vật, thực vật ở Vườn Quốc gia Hoàng Liên đa dạng nhất trong hệ thống rừng đặc dụng của Việt Nam nhưng cũng đang đối mặt với nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến đa dạng sinh học. Bởi, đa dạng sinh học ở Vườn Quốc gia Hoàng Liên được cấu thành từ điều kiện tự nhiên và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác, trong đó có rừng. Cùng với đó, đặc thù về xã hội và xu hướng phát triển kinh tế dựa vào tài nguyên rừng thiếu bền vững cũng như những bất cập trong quản lý đã và đang tạo ra nhiều khó khăn, thách thức cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học ở Vườn Quốc gia Hoàng Liên.

vuon-quoc-gia-1.jpg
Vườn Quốc gia Hoàng Liên tuyên truyền bảo vệ rừng, bảo vệ đa dạng sinh học cho người dân sống trong vùng lõi của Vườn.

Một trong những tác động lớn nhất là hoạt động sinh sống của người dân trong vùng lõi, vùng đệm của Vườn Quốc gia Hoàng Liên. Nhiều người dân vẫn giữ thói quen sống dựa vào việc khai thác lâm sản, sản phẩm phụ từ rừng phục vụ nhu cầu của gia đình. Ảnh hưởng của kinh tế thị trường dẫn đến sự phân hóa xã hội sâu sắc và nhu cầu về vật chất ngày càng tăng đã thúc đẩy người dân vào rừng khai thác lâm sản phục vụ nhu cầu của gia đình và xã hội. Mỗi khi các sản phẩm từ rừng có giá trị kinh tế cao thì đó là động lực kích thích sự khai thác của cộng đồng. Lợi nhuận từ việc khai thác lâm sản, đặc biệt là gỗ quý, hiếm, động vật hoang dã làm cho nhiều người dân vào rừng khai thác trộm nhằm thu lợi bất chính.

Bên cạnh giữ rừng, Vườn Quốc gia Hoàng Liên cũng thực hiện nhiều dự án nghiên cứu, nhân giống các loại động vật, thực vật nhằm bảo tồn nguồn gen những loài đặc hữu, nguy cấp, quý, hiếm. Vườn Quốc gia Hoàng Liên tăng cường tuyên truyền thêm cho các đối tượng như hướng dẫn viên du lịch, người khuân vác đồ tham gia phục vụ khách du lịch, học sinh và người dân các xã, phường trên địa bàn thị xã Sa Pa.

vuon-quoc-gia-3.jpg
Cán bộ Vườn Quốc gia Hoàng Liên cùng các chuyên gia nước ngoài trao đổi về bảo vệ đa dạng sinh học tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên.

Hằng năm, người dân các xã vùng lõi, vùng đệm đều được tham gia các hội nghị tuyên truyền với nhiều chủ đề bảo vệ môi trường khác nhau như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, nước và sử dụng nước, rác thải và xử lý rác thải, vệ sinh môi trường nông thôn, cảnh quan và môi trường miền núi...

Với những giải pháp cụ thể, Vườn Quốc gia Hoàng Liên đang nỗ lực gìn giữ, bảo tồn đa dạng sinh học, khẳng định vị trí hàng đầu, được Quỹ môi trường toàn cầu xếp vào loại A, cao cấp nhất về giá trị đa dạng sinh học của Việt Nam.

Đồng bộ nhiều giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học

Để bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học, thời gian qua Vườn Quốc gia Hoàng Liên đã đồng bộ nhiều giải pháp bảo vệ đa dang sinh học như: Tăng cường nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, trong năm 2024, Vườn đã phối hợp đón tiếp, làm việc với 14 đoàn có yếu tố nước ngoài đến điều tra, nghiên cứu. Nghiên cứu hoàn thiện quy trình kỹ thuật nhân giống cây Hoàng đàn (Cupressus torulosa D. Don) tại VQG Hoàng Liên”. Duy trì chăm sóc, theo dõi sinh trưởng đối với 18.000 cây Hoàng đàn nhân giống bằng hom, 2.000 cây Hoàng đàn nhân giống bằng hạt. Thực hiện biên tập tài liệu tập huấn kỹ thuật chọn cây mẹ và nhân giống hoàng đàn; kỹ thuật trồng và chăm sóc cây Hoàng đàn. “Khai thác & phát triển nguồn gen cây thuốc Tế tân lá tim”…

vuon-quoc-gia-2.jpg
Cán bộ Vườn Quốc gia Hoàng Liên cùng các lực lượng chức năng của thị xã Sa Pa và người dân đi kiểm tra bảo vệ rừng, bảo vệ đa dạng sinh học.

Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong 10 tháng đầu năm 2024 Vườn đã tổ chức 58 cuộc, thu hút 3.504 lượt người tham dự và 141 lượt tuyên truyền lưu động. Trọng tâm tuyên truyền: Các hoạt động bị nghiêm cấm trong hoạt động Lâm nghiệp theo Luật Lâm nghiệp năm 2017. Các hành vi, khung, mức bị xử phạt trong Nghị định 35/2019/NĐ-CP; các quy định về quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; vai trò của cộng đồng dân cư trong hoạt động bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên.

Với công tác phát triển rừng, Vườn đã trồng 60 ha rừng thay thế trong phân khu phục hồi sinh thái Vườn Quốc gia Hoàng Liên giai đoạn 2021 - 2027 (phê duyệt theo Quyết định số 4866/QĐ-UBND ngày 30/12/2020 của UBND tỉnh Lào Cai): Thống kê diện tích rừng đã thực hiện trồng là 51,98 ha; loài cây trồng (Sa mộc và Tống quá sủ). Hiện còn lại 41,43 ha (do diện tích rừng trồng bị cháy 5,16ha năm 2023; 5,39 diện tích rừng trồng bị cháy năm 2024). Hoàn thiện hồ sơ khắc phục diện tích rừng sau cháy; điều chỉnh thiết kế công trình trồng rừng thay thế chuyển mục đích sử dụng rừng của VQG Hoàng Liên, trình phê duyệt.

vuon-quoc-gia-4.jpg

Về công tác cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật, Vườn thường xuyên thực hiện chăm sóc, phun thuốc tiêu độc khử trùng, sửa chữa chuồng trại, làm giàu môi trường sống cho các loài động vật.

Tiến hành tái thả 04 đợt với 96 cá thể thuộc 20 loài. Thực hiện tiếp nhận 51 vụ với 139 cá thể thuộc 28 loài từ người dân và các cơ quan chức năng. Tỷ lệ cứu hộ thành công là 132/139 cá thể đạt 95%.

vuon-quoc-gia-7.jpg
Hàng năm Vườn Quốc gia Hoàng Liên cũng cứu hộ và tái thả hàng trăm loài động vật hoang dã về với tự nhiên.

Theo ông Nguyễn Duy Thịnh, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Hoàng Liên cho biết, một trong những giải pháp quan trọng để bảo tồn đa dạng sinh học tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên là giữ rừng. Diện tích rừng được bảo vệ tốt, đạt độ che phủ 89% tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên không những có vai trò quan trọng về sinh thái môi trường tự nhiên ở Việt Nam mà còn ở khu vực Đông Nam Á với ý nghĩa là một dãy núi cao nhất Đông Dương. Để giữ rừng, bên cạnh công tác tuần tra, bảo vệ, phòng chống cháy rừng thì cần thực hiện tốt các dự án phát triển sinh kế cho người dân sống gần rừng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vườn Quốc gia Hoàng Liên: Nỗ lực xứng đáng “Trung tâm đa dạng sinh học, Vườn Di sản Asean”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO