Xây dựng mạng lưới khu bảo tồn biển vì mục tiêu đa dạng sinh học
“Trái đất đang gặp rắc rối, đại dương có thể giúp đỡ. Đây là thời điểm chúng ta có thể đầu tư vào đại dương”.
Đây là nhấn mạnh của Bà Bùi Thị Thu Hiền, phụ trách Chương trình biển và vùng bờ của IUCN Việt Nam, tại chuỗi sự kiện diễn đàn và hội thảo kỹ thuật về Mạng lưới Khu bảo tồn biển/Vườn quốc gia tại Viêt Nam, diễn ra trong thời gian từ ngày 19-21/11 tại Hà Nội.
Chuỗi các sự kiện tập huấn, hội thảo kỹ thuật cho mạng lưới Khu bảo tồn biển/Vườn quốc gia tại Việt Nam được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị “Bảo vệ môi trường trong lĩnh vực thuỷ sản năm 2024”, nhằm thúc đẩy vai trò, trách nhiệm và nâng cao năng lực cho các cơ quan quản lý địa phương trong bảo vệ hệ sinh thái ven biển và môi trường ngành thủy sản.
Tham dự chuỗi hoạt động có đại diện của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bao gồm Cục Thủy sản, Ban quản lý dự án "Bảo vệ Hệ sinh thái ven biển vùng đồng bằng sông Cửu Long (MDC)" do Cơ quan Hợp tác Phát triển Hoa kỳ (USAID) tài trợ thông qua IUCN, và một số cơ quan, đơn vị, các viện nghiên cứu trực thuộc Bộ; Chi cục Thủy sản, Chi cục Kiểm ngư các tỉnh, thành phố; mạng lưới các Khu bảo tồn biển, Vườn Quốc Gia, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức và các bên liên quan khác của hai tỉnh Kiên Giang và tỉnh Sóc Trăng.
Tại diễn đàn và hội thảo kỹ thuật về mạng lưới Khu bảo tồn biển/Vườn quốc gia tại Việt Nam, bà Bùi Thị Thu Hiền, phụ trách Chương trình biển và vùng bờ của IUCN Việt Nam, nhận định: Đại dương chứa 95% sự sống trên hành tinh và cũng hấp thụ 93% lượng nhiệt dư thừa và khoảng 30% lượng khí carbon dioxide do con người tạo ra. Đồng thời, hệ sinh thái này cũng tạo ra hơn 50% lượng oxy trên hành tinh, trong đó, các hệ sinh thái biển và ven biển có khả năng lưu trữ lượng carbon gấp 3-5 lần so với diện tích rừng nhiệt đới trên đất liền.
Tuy hệ sinh thái biển và ven biển đang có nhiều đóng góp lớn cho môi trường và đa dạng sinh học, nhưng tại các Khu bảo tồn biển vẫn chưa thực sự ưu tiên phát triển và chưa đầu tư đầy đủ nguồn lực tài chính để phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo, giáo dục, và chi trả một loạt các chi phí thường xuyên.
“Điều này đã dẫn đến một số lượng lớn các ‘khu bảo tồn biển trên giấy’, nghĩa là các khu bảo tồn chỉ tồn tại trên văn bản nhưng lại không có hoạt động thực tế”, bà Bùi Thị Thu Hiền lưu ý.
Để giải quyết vấn đề này và thúc đẩy một mạng lưới khu bảo tồn biển vì mục tiêu đa dạng sinh học, bà Bùi Thị Thu Hiền cho rằng cần có sự quan tâm và chung tay của cơ quan chức năng địa phương và cả cộng đồng. Thông qua bảo tồn các vùng biển và ven biển, Việt Nam và cả thế giới có thể thúc đẩy thực hiện các mục tiêu đã đề ra về đa dạng sinh học.
Tiếp lời bà Bùi Thị Thu Hiền, PGS.TS Võ Sĩ Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Hải Dương học, cho biết Việt Nam đang đề ra tiêu chí bảo tồn 6% diện tích biển. Đây là mục tiêu vô cùng tham vọng bởi hiện nay, tỷ lệ diện tích biển được bảo tồn mới được khoảng 0,2%.
Nói rõ hơn về vấn đề này, bà Trần Minh Hằng, Chuyên gia Dự án MDC cho biết: Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 về "Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Nghị quyết số 36), với mục tiêu tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt tối thiểu 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia.
Tính đến tháng 10/2023, tổng diện tích vùng biển được bảo tồn đạt 185.000 ha, tương đương 0,185% diện tích vùng biển tự nhiên của Việt Nam, chưa đạt được mục tiêu 0,24% đến năm 2020 được đề ra tại quyết định 742/QĐ-TTg.
Theo đó, để đạt được mục tiêu đã đề ra, PGS.TS Võ Sĩ Tuấn nhấn mạnh: Bảo tồn biển không phải trách nhiệm của riêng ngành thuỷ sản mà cần có sự tham gia, phối hợp của đa ngành.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề cần lưu ý như vai trò và trách nhiệm của lãnh đạo các địa phương; thiếu hợp tác điều phối giữa các ngành trong quản lý và sử dụng tài nguyên ở các khu bảo tồn biển hay vấn đề khai thác quá mức nguồn lợi.
Theo đó, PGS.TS Võ Sĩ Tuấn đề xuất cần có Chỉ thị của Ban Bí thư và Nghị định / Quyết định của chính phủ về thực hiện mục tiêu bảo tồn thiên nhiên biển theo Nghị quyết 36. Trong đó, cần quy định các dạng bảo tồn biển bao gồm: KBTB, Vườn Quốc Gia, Khu Dự trữ sinh quyển, di sản thiên nhiên thế giới, các vùng bảo tồn hiệu quả khác.
Ngoài ra, cần quy định thiết lập và quản lý KBTB ở vùng biển đảo do quân đội quản ly; Phân quyền và giao trách nhiệm cho UBND các tỉnh ven biển; Quán triệt tính liên kết biển – bờ, thiết lập KBT biển gồm vùng nước và vùng đất (đảo hoặc đất liền) liền kề.
Đặc biệt, cần lập mạng lưới các Khu bảo tồn biển và ven bờ để tăng cường liên kết, trao đổi kinh nghiệm giữa các khu bảo tồn, qua đó cùng nhau tháo gỡ khó khăn, hướng tới hiện thực hoá các mục tiêu về đa dạng sinh học.
Tại chuỗi sự kiện Diễn đàn và Hội thảo, đại diện các Khu bảo tồn biển và Vườn quốc gia đã trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm cũng như những thách thức, khó khăn trong việc bảo tồn hệ sinh thái biển và ven bờ liên quan tới tài chính bền vững.
Đại diện Khu bảo tồn biển Hòn Cau cho biết, nguồn tài chính dành Kế hoạch quản lý 5 năm (2020 - 2024) Khu bảo tồn biển Hòn Cau được bố trí từ nguồn vốn Nhà nước, vốn hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, phi Chính phủ và nguồn thu từ tham quan du lịch tại Khu bảo tồn biển Hòn Cau.
Tuy nhiên, việc cấp vốn từ ngân sách nhà nước thường không đủ để đáp ứng nhu cầu quản lý và bảo tồn khu vực này. Trong khi đó, việc kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp hoặc tổ chức phi chính phủ còn gặp nhiều thách thức do thiếu cơ chế thu hút và các chính sách ưu đãi rõ ràng.
Về vấn đề này, các khu bảo tồn cho rằng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan, từ chính quyền địa phương, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, cho đến các tổ chức phi chính phủ và nhà tài trợ quốc tế.
Một số vấn đề khác được các đại biểu thảo luận tại sự kiện bao gồm sự tham gia của doanh nghiệp, hoạt động thực thi pháp luật và giám sát đa dạng sinh học tại các khu bảo tồn.