Bến Tre: Bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học
(TN&MT) - Là địa phương ven biển nằm cuối nguồn sông Mê Công, tỉnh Bến Tre đã và đang tăng cường các giải pháp về chính sách quản lý, khoa học thực tiễn trước các thách thức về nguồn nước, khí hậu, phát triển du lịch sinh thái, môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH).
Bến Tre được xem như vùng đất ngập nước rộng lớn với mạng lưới sông, kênh, rạch chằng chịt. Khu vực ven biển và các vùng cửa sông, bãi bồi, với trên 90% diện tích tự nhiên là đất ngập nước đã hình thành nên các hệ sinh thái tự nhiên rất đa dạng và năng suất sinh học cao. Đặc biệt, với tổng diện tích hơn 4.441ha, hệ sinh thái rừng ngập mặn trải dài 3 huyện ven biển được coi là công trình đê bao tự nhiên khổng lồ, có vai trò quan trọng trong việc giảm nhẹ thiên tai. Ngoài chức năng bảo vệ môi trường (BVMT), nhờ tính ĐDSH của các khu rừng ngập mặn và bãi bồi ven biển đã đem lại những giá trị to lớn về kinh tế - xã hội.
Nhận thức vai trò quan trọng của rừng ngập mặn, Bến Tre đã tập trung tăng cường tuyên truyền sâu rộng về tầm quan trọng của việc bảo vệ, phát triển rừng, gắn với các hoạt động BVMT, bảo vệ các loài động vật hoang dã bằng nhiều hình thức phù hợp, hiệu quả. Điển hình như bảo vệ Sân chim Vàm Hồ tại huyện Ba Tri với diện tích khoảng 60ha có hệ sinh thái đa dạng. Sở TN&MT hiện đang phối hợp Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia TP.HCM thực hiện nhiệm vụ Đánh giá, đề xuất Di sản thiên nhiên Sân chim Vàm Hồ và khu vực lân cận là di sản thiên nhiên cấp tỉnh theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, nhằm bảo tồn môi trường tự nhiên, các loài chim hoang dã bản địa và di cư nguy cấp, quý hiếm, đồng thời, góp phần cải thiện sinh kế, phát triển bền vững du lịch sinh thái và nuôi trồng, khai thác thủy sản.
Ông Võ Văn Ngoan, Phó Giám đốc Sở TN&MT Bến Tre cho biết: Thời gian qua, để tăng cường các giải pháp bảo tồn, tỉnh Bến Tre đã xây dựng và ban hành Kế hoạch hành động ứng phó BĐKH giai đoạn 2021 - 2030 và Kế hoạch hành động bảo tồn ĐDSH đến năm 2030; bảo tồn ĐDSH được đưa vào quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050; nghiên cứu các mô hình canh tác thích hợp trên đất nhiễm mặn và trồng rừng ven biển, xây dựng, nâng cấp các công trình đê bao, cống ngăn mặn điều tiết nước, nhà máy cấp nước, nhà tránh bão.
Bến Tre còn tập trung bảo vệ và phát triển bền vững diện tích rừng hiện có và diện tích rừng được trồng mới trong giai đoạn 2021 - 2030, đáp ứng yêu cầu phòng hộ và BVMT sinh thái, bảo tồn ĐDSH, giảm thiểu tác động tiêu cực do thiên tai gây ra, tăng cường khả năng thích ứng với BĐKH. Để tăng cường công tác bảo tồn, phát huy giá trị dịch vụ hệ sinh thái, UBND tỉnh Bến Tre đã có chủ trương giao Sở TN&MT thực hiện nhiệm vụ "Xây dựng Đề án chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên tỉnh Bến Tre", dự kiến hoàn thành trong năm 2026.
Đáng chú ý là hợp tác xuyên biên giới giữa tỉnh Bến Tre và tỉnh Tulcea, nước Romania, Viện Nghiên cứu và Phát triển Quốc gia Đồng bằng Danube, Khu dự trữ sinh quyển Đồng bằng Danube. Qua 10 năm hợp tác, các bên duy trì thúc đẩy quan hệ hữu nghị, phát triển kinh tế, chia sẻ kinh nghiệm, những giải pháp về chính sách quản lý, khoa học thực tiễn trước các thách thức về nguồn nước, khí hậu, phát triển du lịch sinh thái, bảo tồn ĐDSH. Tỉnh Tulcea và các chuyên gia Đồng bằng Danube đã giúp Bến Tre xây dựng dự án "Thành lập thí điểm Khu bảo tồn ĐDSH phục vụ phát triển bền vững du lịch sinh thái và Trung tâm Tri thức về phát triển du lịch sinh thái tại Đồng bằng sông Mê Công".
Theo ông Võ Văn Ngoan, công tác bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH có bước phát triển tốt, góp phần tăng năng lực thích ứng với BĐKH và phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh, phát triển "Bến Tre xanh, sinh thái". Trong đó, tỉnh Bến Tre đã xây dựng kế hoạch hành động bảo tồn ĐDSH làm cơ sở, bước đầu triển khai các nhiệm vụ, dự án. Đồng thời, công tác tuyên truyền, giáo dục được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện; công tác phối hợp giữa các lực lượng thực thi pháp luật ĐDSH của tỉnh được duy trì thường xuyên, có tính hiệu quả cao.