Ô nhiễm ở làng gạch Phiêng My

03/09/2014 00:00

(TN&MT) - Chỉ có 15 hộ dân nhưng thôn Phiêng My, xã Huyền Tụng (thị xã Bắc Kạn) có tới 8 lò gạch thủ công nằm sát nhau nhả khói thường xuyên.

   
(TN&MT) - Chỉ có 15 hộ dân nhưng thôn Phiêng My, xã Huyền Tụng (thị xã Bắc Kạn) có tới 8 lò gạch thủ công nằm sát nhau nhả khói thường xuyên. Dân bản địa chỉ được hưởng lợi một phần nhỏ từ việc cho thuê đất làm gạch còn thì phải hứng chịu nhiều nguy cơ suy giảm sức khỏe do ô nhiễm từ khói, bụi lò.
   
Nguy cơ ô nhiễm
   
Phiêng My là một trong những thôn nằm xa trung tâm nhất của xã Huyền Tụng. Thôn được tách ra từ thôn Tổng Nẻng và chỉ có vỏn vẹn 15 hộ dân. Đường đến thôn đã được bê tông hóa nhưng nay đã hư hại nhiều vì các xe ô tô chở gạch lặc lè qua lại. Thôn không có nhiều ruộng và đa phần người dân được giao đất lâm nghiệp để sản xuất. Từ chỗ chỉ một vài hộ cho những thợ gạch ở các tỉnh miền xuôi xây lò sản xuất thì nay toàn thôn đã có khoảng 8 lò gạch thủ công nằm san sát nhau.
   
Một lò gạch thủ công ở Phiêng My đang “nhả khói” cuồn cuộn vào những ngày cuối tháng 8/2014
   
Theo Quyết định 817/2012/QĐ- UBND ngày 25/5/2012 của UBND tỉnh Bắc Kạn ban hành Quy định về hoạt động sản xuất gạch, ngói thủ công trên địa bàn Bắc Kạn thì thời gian cho phép nung đốt lò gạch thủ công từ 01/10 năm trước đến 01/3 năm sau nhằm bảo đảm không ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng, tại thời điểm chúng tôi có mặt vào cuối tháng 8/2014 những lò gạch tại đây vẫn đang hoạt động sôi động, khói lò nồng nặc bốc lên. Bên cạnh những lợi ích kinh tế mang lại thì không khó để nhận thấy lò gạch thủ công mang nhiều bất cập khi hàng loạt diện tích đất đồi bị đào xới vô tội vạ; nguy cơ ô nhiễm cao cho người dân.
   
Đất để sản xuất gạch được đào ngay từ những vạt đồi được các chủ lò thuê lại
   
Bà Hà Thị Chương, 66 tuổi, đã sống tại Phiêng My được hơn 20 năm cho biết, những lò gạch tại đây hoạt động quanh năm suốt tháng, trung bình mỗi lò cũng đốt ít nhất cũng khoảng 2 lần/tháng. Mỗi khi các lò đồng loạt đốt thì không khí như quánh lại bởi mùi than, mắt mũi người dân kèm nhèm vì khói. Sức khỏe bà không tốt nên cứ mỗi lần như vậy là thấy khó thở vô cùng. Theo bà Chương, không rõ mức độ ảnh hưởng là đến đâu nhưng những cây ăn trái trong vườn nhà chẳng mấy khi còn có quả, nếu có thì cũng bị nám hoặc rơi rụng từ rất sớm, nhiều diện tích lúa năng suất thấp hẳn đi. Bà cho biết thêm, nhiều người có tuổi trong thôn còn muốn chuyển đi nơi khác sống vì sợ không khí lò gạch này.
   
Bà Hà Thị Chương chỉ những quả cam bị nám và rụng sớm thường xuyên. Bà cho rằng khói bụi từ lò gạch là nguyên nhân gây nên tình trạng này
   
Bà Nguyễn Thị Đẹp, một người dân trong thôn cho biết, gia đình bà cũng có diện tích đất cho thợ gạch xuôi thuê làm gạch. Hai bên thỏa thuận chia phần trăm theo tỷ lệ cứ mỗi lò thì gia đình bà được hưởng giá trị tương đương 5.000 viên gạch nung. Diện tích cho thuê phơi gạch được tính riêng. Đất để làm gạch được đào luôn trên chính diện tích đã cho thuê. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, tất cả 8 lò gạch tại Phiêng My đều được các thợ xuôi (chủ yếu là người Hưng Yên) lên thuê đất sản xuất. Có hộ cho thuê xây dựng 2 lò, hộ cho thuê xây 01 lò, các lò nằm không cách xa nhau là mấy. Tỷ lệ phần trăm lợi nhuận do các hộ thỏa thuận ăn chia với các chủ lò nhưng thường mỗi hộ cũng có thu nhập từ 2- 5 triệu đồng/tháng từ việc cho thuê đất. Trong hoàn cảnh khó phát triển kinh tế thì đây là khoản thu nhập đáng mơ ước nhưng liệu nó có xứng đáng với sự mất mát và ảnh hưởng về sức khỏe của người dân hay không?.
   
Giải pháp nào cho Phiêng My?
   
Trao đổi với chúng tôi, ông Hà Đức Tuyên - Chủ tịch UBND xã Huyền Tụng thừa nhận những lò gạch tại Phiêng My gây ô nhiễm nhưng ô nhiễm tới mức nào thì cũng chưa có số liệu cụ thể. Tuy nhiên, theo ông Tuyên độ ô nhiễm chưa ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp mà chỉ ảnh hưởng tới bầu không khí chung?. Các chủ lò gạch tại Phiêng My thực hiện nộp thuế môn bài, thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường theo quy định. Những chủ lò dưới xuôi lên, mỗi lò có khoảng 5 người đều thực hiện đăng ký tạm trú, tạm vắng đầy đủ. Những diện tích đất giao cho dân ở Phiêng My đều đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp và đất vườn.
   
Theo quy định của pháp luật thì việc khai thác đất lâm nghiệp và đất vườn để sản xuất gạch nung là không được phép. Như vậy, nếu có hộ dân nào ở Phiêng My sử dụng diện tích đất dạng này cho thuê để khai thác đất lên phục vụ sản xuất gạch là trái với quy định. Thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện cũng chưa có chủ lò gạch nào ở Phiêng My xin cấp phép thăm dò, khai thác các mỏ sét để lấy nguyên liệu phục vụ cho sản xuất gạch. Theo đồng chí Hoàng Thị Thúy - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Kạn, qua kiểm tra tại Phiêng My trong thời gian qua thì cơ bản các chủ lò đều đăng ký kinh doanh với địa phương. Tuy nhiên, các lò này thực hiện việc nung đốt quanh năm không đúng với quy định thời gian cho phép nung đốt lò gạch thủ công từ 01/10 năm trước đến 01/3 năm sau. Các chủ lò này cũng chưa có kế hoạch chuyển đổi lò gạch thủ công sang lò công nghệ tiên tiến khác bảo đảm quy chuẩn về bảo vệ môi trường.
   
Đồng chí Hoàng Thị Thúy cho biết thêm, khu vực thôn Phiêng My nằm trong quy hoạch sản xuất vật liệu xây dựng của tỉnh. Như vậy, việc phát triển sản xuất gạch tại đây là phù hợp nhưng cần phải thực hiện đúng theo lộ trình xóa bỏ các lò gạch thủ công. Đến năm 2017, tất cả các lò phải chuyển sang công nghệ lò đứng liên tục để bảo đảm theo đúng quy định Bộ Xây dựng đã đặt ra. Tuy nhiên, việc chuyển đổi này cần kinh phí vài tỷ đồng/lò là điều mà các hộ cá thể khó có thể đáp ứng nổi.
   
Các lò gạch thủ công nơi đây không áp dụng một biện pháp hạn chế khói bụi nào
   
Vấn đề đặt ra ở đây là hầu hết các chủ lò tại Phiêng My đều là dân ngoại tỉnh. Họ thừa biết về lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công. Tuy nhiên, vì là đất thuê và trong khi thời gian chốt “xóa sổ” lò gạch thủ công vẫn còn vài năm nữa thì không tránh khỏi có thể sẽ xảy ra tình trạng tập trung sản xuất hết công suất trong những năm này rồi sau đó bỏ không làm nữa. Như vậy, vừa tận thu được đất sản xuất vừa đỡ phải chuyển đổi sang lò đứng liên tục. Và như thế, người dân tại Phiêng My vẫn cứ sẽ phải sống chung với bầu không khí độc hại hàng ngày./.
   
Tuấn Sơn
   
    
 Lò gạch thủ công sử dụng than, củi để đốt lò sẽ thải ra môi trường hàng loạt khí độc hại, rất nguy hiểm cho sức khỏe, môi trường sống như lưu huỳnh đioxit (SO2), lưu huỳnh trioxit (SO3), cacbon đioxit (CO2), cacbon monoxit (CO), nitơ oxit (NOx). Ngoài ra, cũng tạo ra những hợp chất hữu cơ độc hại khác, có khả năng gây tử vong như metan (CH4), benzen và các hợp chất hữu cơ nhân thơm rất độc hại và có khả năng gây ung thư... 
    
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ô nhiễm ở làng gạch Phiêng My
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO