Tác động cực đoan của BĐKH đến đời sống nông nghiệp
Chiến lược quốc gia về Biến đổi khí hậu (BĐKH) giai đoạn đến năm 2050 được phê duyệt tại Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26/7/0222 của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ ra rằng, xu thế BĐKH là không thể đảo ngược, là thách thức lớn nhất đối với nhân loại, đã, đang và sẽ tác động đến mọi mặt về kinh tế, chính trị, ngoại giao, an ninh toàn cầu. Báo cáo AR6 WGII “Tác động, khả năng thích ứng và tính dễ bị tổn thương” của Uỷ ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) đã công bố vào tháng 2/2022 chỉ ra rằng, tốc độ nóng lên toàn cầu đang diễn ra ở mức độ chưa từng có, các hiện tượng cực đoan đang đe dọa nghiêm trọng đến môi trường, khí hậu và an ninh lương thực toàn cầu.
TS. Nguyễn Đăng Mậu – Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu cho rằng, từ những thách thức trên, nông nghiệp là ngành chịu nhiều rủi ro, tổn thương và tác động động do BĐKH như: Làm gia tăng các hiện tượng cực đoan, gia tăng nguy cơ phá hủy mùa màng, làm gián đoạn các hoạt động sản xuất phá hủy và làm giảm độ bền của các công trình thủy lợi; hiện tượng nước biển dâng làm suy giảm các nguồn tài nguyên (tài nguyên đất, tài nguyên nước) làm giảm diện tích đất sản xuất nông nghiệp.
Cụ thể, lũ lụt và nước biển dâng sẽ làm mất đất canh tác trong nông nghiệp. Nếu mực nước biển dâng cao thêm 1m mà không có biện pháp phòng ngừa hữu hiệu, thì khoảng 40% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), 11% diện tích Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) và 3% diện tích của các tỉnh khác thuộc vùng ven biển sẽ bị ngập. Lũ lụt sẽ khiến gần 50% diện tích đất nông nghiệp vùng ĐBSCL bị ngập chìm không còn khả năng canh tác.
Tình trạng xâm nhập mặn ở khu vực ven biển cũng sẽ làm thu hẹp diện tích đất nông nghiệp. Một phần diện tích đáng kể đất trồng trọt ở vùng Đồng bằng Sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị nhiễm mặn vì 2 đồng bằng này đều là những vùng đất thấp so với mực nước biển. Xâm nhập mặn làm cho diện tích đất canh tác giảm, từ đó hệ số sử dụng đất có thể giảm từ 3-4 lần/năm xuống còn 1-1,5 lần/năm.
Nhiệt độ tăng, hạn hán sẽ ảnh hưởng đến sự phân bố của cây trồng, đặc biệt làm giảm năng suất. Cụ thể là năng suất lúa của vụ xuân có xu hướng giảm mạnh hơn so với năng suất lúa của vụ mùa; năng suất ngô vụ đông có xu hướng tăng ở Đồng bằng Bắc Bộ và giảm ở Trung Bộ và Nam Bộ. Ngành thủy sản cũng ảnh hưởng nghiêm trọng khi các sinh kế phụ thuộc vào nguồn nước và sự phong hú của nguồn lợi ven biển.
Đối với tài nguyên rừng và hệ sinh thái, thời gian qua, do những nguyên nhân khác nhau, đa dạng sinh học, các hệ sinh thái, đặc biệt là các hệ sinh thái rừng bị suy thoái trầm trọng. Nước biển dâng lên làm giảm diện tích rừng ngập mặn ven biển tác động xấu đến hệ sinh thái rừng tràm và rừng trồng trên đất bị nhiễm phèn ở ĐBSCL; nhiệt độ và lượng nước bốc hơi tăng làm hạn hán kéo dài sẽ làm ảnh hưởng tới khả năng sinh trưởng của các loài thực vật và động vật rừng.
Cơ cấu lại ngành nông nghiệp, hướng đến nông nghiệp xanh, bền vững
Trước ảnh hưởng khó lường của BĐKH tới ngành nông nghiệp, việc xây dựng các giải pháp nhằm đảm bảo an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo là điều cần thiết.
TS. Đăng Mậu cho biết, trong báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) 5 năm 2016-2020 tại Đại hội XIII của Đảng đã xác định “Khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, sạch, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao thông minh, thích ứng với BĐKH”, đồng thời giai đoạn 2016-2022, nhiều văn bản pháp luật, cơ chế chính sách phát triển nông nghiệp ứng phó với BĐKH đã được ban hành.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã triển khai nhiều chính sách, chương trình, dự án và đề án về các mô hình sản xuất tiên tiến thân thiện với môi trường (như VietGAP, Global GAP), chuyển đổi mô hình sản xuất đối với những vùng kém hiệu quả, nghiên cứu giống cây trồng có khả năng chống chịu với BĐKH (từ 2010 đã công nhận chính thức 180 giống lúa thích ứng với BĐKH), Chương trình Khí sinh học cho Ngành Chăn nuôi Việt Nam đã được Tổ chức Tiêu chuẩn Vàng (Gold Standard, GS), Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030 đã được triển khai trên quy mô thử nghiệm và phạm vi hẹp để áp dụng thực tiễn.
Tuy nhiên, hầu hết các nhiệm vụ vẫn đang trong giai đoạn triển khai thực hiện, chưa có đánh giá khả năng nhân rộng, thiếu các nghiên cứu đánh giá tổng hợp có căn cứ khoa học và thực tiễn về phân vùng phát triển cây trồng dựa trên tài nguyên thiên nhiên (tài nguyên khí hậu, tài nguyên đất, tài nguyên nước, …).
Do đó, để phục vụ vụ công tác “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với BĐKH”, một số nhiệm vụ cần đẩy mạnh thực hiện như: Triển khai rà soát, đánh giá và phân vùng phát triển cây trồng có giá trị kinh tế cao, cây trồng chính, cây trồng chủ lực,… phù hợp với tài nguyên thiên nhiên (nguyên khí hậu, tài nguyên đất, tài nguyên nước) trong bối cảnh BĐKH. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học về giống cây trồng và vật nuôi thích ứng với BĐKH, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và xây dựng. Kết quả phân vùng sẽ cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn phục vụ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xác định khu vực phù hợp cho từng loại cây. Các đánh giá này cần thực hiện từ quy mô quốc gia đến địa phương, thậm chí là đến quy mô triển khai dự án như khu vực nông trại.
Xây dựng và ban hành cơ chế hợp tác chặt chẽ với các ngành, với địa phương và giữa các địa phương về chia sẻ thông tin, kinh nghiệm; triển khai các dự án chuỗi giá trị nông nghiệp; phát triển dịch vụ khí hậu nông nghiệp thông minh thích ứng với BĐKH; rà soát, đánh giá và đúc kết các kinh nghiệm, mô hình và kết quả nghiên cứu khoa học đã được triển khai trong giai đoạn 2016-2021; xây dựng chính sách hỗ trợ nhân rộng và triển khai nhân rộng các mô hình nông nghiệp thông minh, hiệu quả, các giống cây trồng thích ứng với BĐKH.
Đặc biệt, để đạt được hiệu quả cao từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo Nghị quyết Đại hội XIII về phát triển Nông nghiệp công nghệ cao, thích ứng với BĐKH cần tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách phát triển công nghệ cao trong nông nghiệp, thích ứng với BĐKH. Xem xét thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù cho các vùng chuyên canh; thúc đẩy hợp tác quốc tế để hỗ trợ ngành nông nghiệp thích ứng với BĐKH và phát triển sinh kế bền vững. Hoàn thiện chính sách hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa; bảo vệ và phát triển rừng gắn với xóa đói giảm nghèo…
Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch sản xuất. Kết hợp giữa cơ cấu lại theo nhóm sản phẩm chủ lực với cơ cấu lại theo lĩnh vực và cơ cấu lại theo vùng. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sản xuất nông nghiệp. Kiểm soát chặt chẽ quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp. Xây dựng quy trình canh tác cho các cây trồng chủ lực tại mỗi vùng, bảo đảm năng suất, bảo vệ đất, có khả năng thích ứng với BĐKH.
Thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp; ưu tiên phát triển giống cây trồng, vật nuôi mới cho năng suất cao, khả năng chống chịu tốt, thích ứng với điều kiện các vùng sinh thái. Thực hiện chuyển giao công nghệ, lựa chọn nhập khẩu công nghệ cao thuộc danh mục ưu tiên, nghiên cứu, thử nghiệm, làm chủ và thích ứng với điều kiện thực tế của từng vùng, miền.
Ngoài ra, cần khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao; nhân rộng mô hình trung tâm/vườn ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao. Khuyến khích nông hộ làm nông nghiệp công nghệ cao. Đẩy mạnh xúc tiến, tìm kiếm thị trường, thực hiện chuỗi liên kết - tiêu thụ. Khai thác hiệu quả cơ hội từ các hiệp định tự do thương mại; Nâng cao năng lực phân tích, nghiên cứu, dự báo thị trường.