Kông Chro (Gia Lai): Nỗ lực xóa đói giảm nghèo
(TN&MT) - Tại huyện Kông Chro (Gia Lai), công tác giảm nghèo bền vững được cấp ủy, chính quyền xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, huy động mọi nguồn lực thực hiện và đã mang lại những kết quả khả quan.
Kông Chro là một huyện nghèo nằm ở phía Đông của tỉnh Gia Lai, có diện tích gần 144.000 ha chia làm 14 đơn vị hành chính cấp xã; dân số khoảng 54.000 người, trong đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 74,35% dân số toàn huyện với 18 dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn. Đất đai của huyện Kông Chro không màu mỡ, có khí hậu khắc nghiệt, đặc biệt là nguồn nước khan hiếm và khí hậu khô khan. Đây cũng là địa phương có một phần địa hình phẳng và cánh đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, nhất là chăn thả gia súc lớn và cây trồng ngắn ngày như mía, ớt....
Theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025, đến cuối năm năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo trong tổng số hộ dân trên địa bàn huyện Kông Chro là 33,78% với 4.336 hộ nghèo (giảm 1.406 hộ so với năm 2019), riêng hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số là 4.186.
Những năm gần đây, công tác xóa đói giảm nghèo được Đảng bộ, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân huyện Kông Chro triển khai bằng nhiều chủ trương, chính sách và chương trình hành động cụ thể. Trong đó, chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, chương trình phát triển kinh tế - xã hội xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai đồng bộ ở các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn huyện.
Theo thông tin từ UBND huyện Kông Chro, trong giai đoạn 2019-2024, huyện đã tiếp nhận 1.440 tỷ đồng để triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án phát triển kinh tế-xã hội thuộc 3 Chương trình mục tiêu quốc gia: Chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình giảm nghèo bền vững và Chương trình xây dựng nông thôn mới. Riêng đối với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, trong 3 năm (từ năm 2022 đến 2024), huyện Kông Chro được phân bổ hơn 240,3 tỷ đồng; đến nay huyện đã giải ngân được hơn 161,2 tỷ đồng, đạt 67,09% kế hoạch vốn.
Với mục tiêu đến cuối năm 2024 đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống còn 28,2%, huyện Kông Chro đang nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Các chương trình hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ sinh kế cho người nghèo được triển khai một cách thiết thực, hiệu quả. Tận dụng lợi thế của địa phương về địa hình và các đồng cỏ rộng lớn, các chính sách hỗ trợ xóa đói giảm nghèo của huyện Kông Chro đã chú trọng hỗ trợ người dân phát triển chăn nuôi gia súc lớn, đặc biệt là chăn nuôi bò sinh sản. Trong 2 năm (2022 và 2023), huyện Kông Chro đã xây dựng được 14 mô hình nuôi bò sinh sản ở các xã, thị trấn, hỗ trợ 133 con bò sinh sản cho các hộ nghèo và cận nghèo với nguồn vốn hỗ trợ hơn 2 tỷ đồng. Đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, từ năm 2022 đến nay có 312 lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vùng đồng bào đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ phát triển sản xuất, cấp bò sinh sản với tổng kinh phí hơn 13,6 tỷ đồng.
Trong quá trình thoát nghèo của người dân huyện Kông Chro, nguồn vốn vay ưu đãi đóng một vai trò rất quan trọng. Đây là nguồn lực giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, giải quyết nhu cầu về nhà ở, về nước sạch, đào tạo nghề và chuyển đổi nghề nghiệp. Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Kông Chro đã thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi đối với hàng nghìn lượt hộ vay trên địa bàn, trong đó phần lớn là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Chỉ tính riêng địa bàn xã Ya Ma, nguồn vốn tín dụng chính sách từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Kông Chro lũy kế đến tháng 6/2024 đã lên tới hơn 14 tỷ đồng, với 426 hộ vay vốn. Nhiều hộ dân đã thoát nghèo, mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách.
Công tác đào tạo nghề cũng được huyện Kông Chro quan tâm thực hiện, đặc biệt là đối với lao động người dân tộc thiểu số. Hàng năm, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện phối hợp với các cơ sở đào tạo mở hàng chục lớp đào tạo nghề với hàng nghìn học viên tham gia, bao gồm cả đào tạo nghề nông nghiệp (kỹ thuật trồng trọt, kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho gia súc...) và đào tạo nghề phi nông nghiệp (sửa chữa, vận hành máy nông nghiệp, cắt may, dệt...). Người lao động được đào tạo kỹ năng, nâng cao tay nghề sẽ góp phần làm tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập, góp phần ổn định cuộc sống, xóa đói giảm nghèo bền vững.