Xã hội

Quảng Ngãi: Chinh phục đất gò đồi

Võ Hà 18/09/2024 - 17:53

(TN&MT) - Những năm qua, huyện Nghĩa Hành (tỉnh Quảng Ngãi) luôn xác định phát triển kinh tế vùng gò đồi, chuyển đổi cây trồng là một trong những chương trình trọng điểm, thế mạnh của địa phương để khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Lập nghiệp trên đất gò đồi

Dạo quanh khu vườn sầu riêng xanh tốt nằm trên quả đồi thoai thoải, anh Nguyễn Tấn Hạnh (thôn Phú Lâm Tây, xã Hành Thiện, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) không giấu được niềm vui khi thấy thành quả lao động của mình đã đến ngày thu hoạch.

z5747907196926_cdf827804f5ad632886a054c66268d1c.jpg
Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cây trồng trên đất gò đồi, đến nay vườn cây sầu riêng của anh Hạnh đã cho "quả ngọt"

Anh Hạnh cho biết, trước đây, vườn đồi này chủ yếu trồng keo cho hiệu quả kém, tuy nhiên anh đã “bén duyên” với cây sầu riêng và một số loại cây trồng nhờ được tiếp cận với khoa học công nghệ, tập huấn kỹ thuật trồng trọt.

Với diện tích 5.000 mét vuông, anh Hạnh hiện có 40 gốc sầu riêng giống Mang Thong chuẩn bị thu hoạch rộ. Bình quân 36 trái sầu riêng/ cây. Dự kiến sản lượng gần 1,5 tấn, giá bán hiện tại vườn 70 nghìn đồng/kg. Đây là năm thứ 2 anh Hạnh thu hoạch sầu riêng. Không chỉ ngon, sạch, nhờ chăm sóc tốt và áp dụng kỹ thuật hiệu quả, vườn sầu riêng đều cho trái đạt yêu cầu, kích cỡ đều, chất lượng không thua nơi nào.

nghiahanh1.jpg
Vườn cây xanh tốt của anh Hạnh đã giúp gia đình cải thiện kinh tế

Theo anh Hạnh để cây xanh tốt, cho năng suất, ngoài việc tưới đủ nước thì chủ yếu bón phân cho cây bằng phân hữu cơ, phân vi sinh. Đó cũng là biện pháp để cải tạo, tăng độ tơi xốp cho đất. Khi mới bắt tay vào trồng trọt cũng vất vả trăm bề, bởi không phải trồng cây là có nguồn thu liền.

“Cây sầu riêng có cái khó là mức đầu tư rất lớn, thật sự giai đoạn cây còn nhỏ, gia đình tôi rất khó khăn. Mãi tới khi cây được 4-5 tuổi, bắt đầu có trái, gia đình mới an tâm. Tôi kiên trì chăm sóc vườn sầu riêng đúng kĩ thuật. Không phụ lòng người, cây phát triển tốt, cho trái thơm, ngọt, mỏng vỏ”, anh Hạnh chia sẻ.

Bên cạnh vườn sầu riêng, nhìn hàng trăm cột tiêu thẳng tắp, xanh mơn mởn khó ai có thể hình dung được rằng, hơn mười năm trước, vùng gò đồi này đất khô cằn. Hiện có khoảng 600 gốc tiêu, 14 năm tuổi. Riêng năm 2024, anh Hạnh đã thu hoạch 3 tạ tiêu, giá bán 130 nghìn đồng/ kg.

Anh Hạnh chia sẻ: “Muốn cây tiêu phát triển tốt, ngoài giống tốt cần chú ý đến cách chăm sóc và bón phân. Chọn trồng trụ cây sống cho dây tiêu leo cũng mang lại hiệu quả cao, hạn chế được sâu bệnh”.

nghiahanh4.jpg
Huyện Nghĩa Hành luôn xác định phát triển kinh tế vùng gò đồi, chuyển đổi cây trồng là một trong những chương trình trọng điểm

Dẫn chúng tôi dạo quanh vườn, anh Hạnh phấn khởi nói, để có nguồn thu, bên cạnh trồng những cây lâu năm, anh trồng thêm cây ngắn ngày như: sả, bơ, … Lấy ngắn nuôi dài, tận dụng từng khoảng đất trống, cứ thế vườn tược của anh ngày càng xanh tốt, cho năng suất cao. Riêng thu nhập từ trồng sả quanh vườn, mỗi năm anh bán gần 20 triệu đồng. Ngoài ra, trong vườn anh hiện có trên 700 cây cau.

Khai thác hiệu quả lợi thế của địa phương

Cũng giống như anh Hạnh, tận dụng lợi thế đất đai, sau hơn 10 năm lập nghiệp trên đất gò đồi, trồng rau, nuôi gà, cây ăn quả, anh Trần Quốc Vương (thôn Trường Lệ, xã Hành Tín Đông) tạo dựng được mô hình chăn nuôi gia trại kết hợp với trồng trọt, mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng.

“Để có được cơ ngơi như ngày hôm nay, ngay từ lúc khởi nghiệp tôi đã được địa phương, Ngân hàng chính sách xã hội huyện tạo điều kiện vay vốn tín dụng, hỗ trợ cây con giống, tham gia các lớp tập huấn, tham quan các mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu để về đầu tư mô hình hiệu quả”, anh Vương chia sẻ.

Phó Chủ tịch UBND xã Hành Tín Đông Trương Thị Thúy Vân cho biết: “Một trong những yếu tố quan trọng nhất để giảm nghèo bền vững chính là phải thay đổi tư duy, xóa nghèo từ tư tưởng, do đó, công tác tuyên truyền luôn được địa phương quan tâm triển khai”.

Những năm qua, huyện Nghĩa Hành luôn xác định phát triển kinh tế vùng gò đồi, chuyển đổi cây trồng là một trong những chương trình trọng điểm, thế mạnh của địa phương. Trong đó có việc hình thành các trang trại trồng cây ăn quả kết hợp nuôi gia súc, gia cầm quy mô lớn và nhỏ tập trung chủ yếu trên đất gò đồi. Nhờ mô hình này, nhiều hộ đã có cuộc sống khá giả và ổn định, đây cũng là định hướng phát triển kinh tế cho những vùng đất cằn cỗi của địa phương.

nghiahanh2.jpg
Nhiều hộ nông dân ở Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) thoát nghèo nhờ mạnh dạn khai thế đất đai gò đồi

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Nghĩa Hành Phan Công Huân cho biết, cùng với nỗ lực vươn lên làm giàu trên mảnh vườn của gia đình, người dân đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, làm giàu chính đáng.

Sắp tới, địa phương sẽ thành lập các tổ về cây ăn quả như sầu riêng, bưởi, chôm chôm để các nông dân cùng chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật và thị trường, cùng nhau phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả bền vững trên đất gò đồi, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo và tăng thu nhập cho người dân địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ngãi: Chinh phục đất gò đồi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO