Nơm nớp sống cạnh kho hóa chất

23/10/2013 00:00

(TN&MT) - Bắc Kạn mới phát hiện 3 điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật tại Bạch Thông, Ngân Sơn và Chợ Mới.

   
(TN&MT) - Bắc Kạn đã thực hiện rà soát các điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật theo chỉ đạo của Chính phủ. Qua đó, phát hiện 3 điểm tồn lưu ảnh hưởng tới đời sống nhân dân tại Bạch Thông, Ngân Sơn và Chợ Mới. Sớm hoàn thành lập dự án và triển khai xử lý ngay đang là đòi hỏi bức thiết của những người dân nơi đây.
   
Lo ngay ngáy vì hóa chất
   
  Bản Vén, một thôn của xã Đôn Phong (Bạch Thông) nằm cách thị xã Bắc Kạn không xa là mấy. Đoạn đường vào thôn được dân bản góp ngày công đổ bê tông vững chắc đủ cho thấy ý chí và sự đoàn kết của người dân. Toàn thôn có 37 hộ với 151 nhân khẩu, không có hộ nghèo chỉ còn duy nhất 01 hộ cận nghèo. Đó hẳn là niềm tự hào của Bản Vén nhưng người dân trong thôn thì chưa hẳn đã hết âu lo. Nỗi lo âu luôn hiện hữu hàng ngày vì nước giếng đào lên đa phần có mùi khó chịu và lo lắng về điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật mới được phát hiện ở đây chưa lâu.
   
Ông Hạ Đình Hội (bên phải) cho biết dù cách xa vị trí tồn lưu nhưng nước giếng vẫn có mùi khó chịu.
    
   
  Phát hiện thì chưa lâu nhưng điểm tồn lưu này đã tồn tại ở Bản Vén từ những năm 1960 của thế kỷ trước. Trưởng thôn Đinh Văn Thái cho biết, toàn thôn có tới 8 người bị bệnh ung thư, có người đã mất. Không biết có phải do thuốc trừ sâu tồn lưu ô nhiễm đất, nước gây ra không nhưng giờ khi phát hiện điểm tồn lưu thì dân tình ai cũng lo lắng cả. Bởi lẽ, nước sinh hoạt ở thôn toàn sử dụng nước giếng đào mà giếng thì đa phần có mùi khó chịu. Ông Hạ Đình Hội dẫn chúng tôi xem giếng của gia đình. Ông Hội cho biết, giếng nhà anh đào sâu 8m, nước rất trong nhưng khi đun lên để sử dụng thì có mùi tanh như gỉ sắt. Nhiều nhà khác cũng trong hoàn cảnh như vậy.
   
  Chúng tôi tới nhà ông Hà Văn Quyền, căn nhà nằm sát với vị trí tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật. Nhà ông Quyền hiện chỉ có anh và một người chị vợ sinh sống. Vợ ông Quyền mới mất vì bệnh ung thư. Cả nhà ông có tới 4 người bị các căn bệnh ung thư khác nhau trong đó ông bị ung thư hạch. Người chị vợ giờ cũng phát hiện thấy có những cục u lồi trong bụng mà chưa có điều kiện đưa đi kiểm tra. Ông Quyền kể, ban đầu ông cũng không biết là có thuốc tồn lưu tại vị trí nền nhà cũ. Khi cuốc đất để trồng cây vào năm 1997, đào sâu khoảng 30cm thì phát hiện có một lớp bột trắng nặng mùi thuốc sâu. Ông Quyền đã xúc bỏ đi. Hỏi lại bà ngoại Nông Thị Thơ thì bà Thơ mới kể rằng đó là thuốc trừ sâu do bà đem về khi còn làm Đội trưởng đội sản xuất của Hợp tác xã vào những năm 1960. Dùng không hết nên để tại gầm sàn nhà rồi lấp vào.
   
  Giếng nước cũ nhà ông Quyền sử dụng từ năm 1996, nước cũng có mùi nhưng gia đình vẫn sử dụng cho tới tận năm 2011. Đến khi kết quả phân tích của Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Kạn cho thấy nồng độ các chất thuốc trừ sâu cao hơn nhiều mức cho phép thì ông Quyền mới đào giếng khác. Giếng thứ hai đào cách đó một đoạn ở vị trí cao hơn nhưng nước vẫn có mùi vì vậy ông đã phải đào thêm giếng thứ ba. Ông Quyền bảo, có ai nghĩ được là nước chứa thuốc trừ sâu đâu, giờ biết thì đã sử dụng quá lâu rồi.
   
Giếng nước này của gia đình ông Hà Văn Quyền nằm cách vị trí tồn lưu chỉ khoảng 30m
và đã sử dụng từ năm 1996- 2011.
    
   
  Nỗi lo của người dân Bản Vén cũng là nỗi âu lo của người dân sống tại tổ 3, thị trấn Chợ Mới và khu 2, xã Vân Tùng (Ngân Sơn). Tại Chợ Mới, cửa hàng Vật tư Nông nghiệp huyện có 01 kho chứa hóa chất bảo vệ thực vật được xây dựng từ những năm 1980. Kho có diện tích 610m2 nằm chính giữa địa bàn khu dân cư tổ 3. Hóa chất ngấm xuống đất, xuống nguồn nước mà không hay. Tại Vân Tùng cũng là điểm tồn lưu của một kho thuốc trừ sâu cũ. Nỗi lo dần trở thành ám ảnh khi việc có nhiều người bị ung thư đang khiến không ít người liên tưởng đó là do ô nhiễm thuốc trừ sâu.
   
Xử lý ngay
   
  Theo kết quả phân tích của Công ty Cổ phần Kỹ thuật và Phân tích môi trường (Hà Nội), các mẫu lấy tại các điểm tồn lưu nói trên đều vượt quy chuẩn cho phép. Mẫu đất tại Kho thuốc trừ sâu Vân Tùng (Ngân Sơn) có hàm lượng DDT là 0,024 mg/kg đất khô; Lindane là 0,018 mg/kg đất khô; Vofatox là 0,213 mg/kg đất khô trong khi mức cho phép theo quy chuẩn tại QCVN15- 2008/BTNMT là 0,01. Mẫu đất tại nhà ông Hà Văn Quyền, Bản Vén, Đôn Phong (Bạch Thông) có hàm lượng DDT là 2,6 mg/kg đất khô; Lindane 2,3 mg/kg đất khô; Vofatox 1,9 mg/kg đất khô, cao hơn rất nhiều mức cho phép. Trong khi đó, mẫu đất gần kho thuốc cửa hàng Vật tư nông nghiệp Chợ Mới có hàm lượng DDT vượt quy chuẩn 12,6 lần; hàm lượng Lindane vượt 3,6 lần và hàm lượng Vofatox vượt 0,17 lần. Mẫu đất tại vườn hộ dân có hàm lượng DDT vượt vượt quy chuẩn 4,8 lần; hàm lượng Lindane vượt 1,3 lần.
   
Ông Hà Văn Quyền chỉ vị trí đào thấy thuốc trừ sâu 666 và DTT dạng bột.
    
   
  Ông Hoàng Thanh Oai - Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Bắc Kạn cho biết, sau khi được UBND tỉnh đồng ý cho lập dự án xử lý các điểm tồn lưu, đơn vị đã tham mưu cho Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai thực hiện. Đơn vị tư vấn là Viện hóa học vật liệu (Bộ Quốc phòng) đã khảo sát hiện trường, lấy mẫu phân tích để làm cơ sở lập dự án. Trong tháng 9/2013, dự án đã xin ý kiến đóng góp của các ban, ngành liên quan trong tỉnh.
   
  Theo đó, dự toán kinh phí cho dự án xử lý tồn lưu ở cả ba điểm khoảng 80 tỷ đồng. Theo chủ trương của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì Bộ sẽ hỗ trợ 50% và tỉnh đối ứng 50%. Các đơn vị liên quan cũng đã cơ bản nhất trí với phương án xử lý cụ thể đối với từng điểm. Đối với điểm tồn lưu tại Ngân Sơn và Chợ Mới thực hiện bốc đất và di chuyển xử lý. Đối với điểm tồn lưu Đôn Phong thực hiện cuốn chiếu theo cách xử lý tại chỗ bằng hóa chất và vi sinh. Cụ thể, sẽ bốc đất ô nhiễm lên trộn hóa chất, vi sinh xử lý; xây bể chứa đất này vào rồi lấp đất sạch lên trên…
   
  Ông Hoàng Thanh Oai cho biết thêm, đơn vị tư vấn đang gấp rút chỉnh sửa dự án để trình UBND tỉnh phê duyệt. Khi được phê duyệt sẽ trình Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét bố trí kinh phí. Ngành Tài nguyên và Môi trường sẽ nỗ lực để thực hiện xử lý các điểm tồn lưu càng sớm càng tốt. Trước mắt, trong thời gian này, Sở Tài nguyên Môi trường đã phối hợp với các địa phương triển khai biện pháp cô lập, ngăn chặn nguồn ô nhiễm có thể phát sinh; xây dựng phương án di dời công trình, nhà cửa hộ dân đến nơi an toàn đồng thời hướng dẫn sử dụng nước sinh hoạt, gieo trồng rau màu bảo đảm quy định an toàn hóa chất thực vật./.
   
  Bài & ảnh: Tuấn Sơn
   
   
   
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nơm nớp sống cạnh kho hóa chất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO