Ninh Thuận: Nhiều giải pháp ứng phó BĐKH

22/11/2016 00:00

 (TN&MT) - Thời gian qua, tỉnh Ninh Thuận đã không ngừng triển khai các biện pháp ứng phó BĐKH nhằm đảm bảo cuộc sống ổn định cho người dân và bảo vệ tốt...

 

(TN&MT) - Là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu (BĐKH), tỉnh Ninh Thuận luôn phải trong tư thế sẵn sàng ứng phó với những tình huống xấu nhất xảy ra. Để có thể chủ động trước những diễn biến phức tạp của thiên tai và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, thời gian qua, tỉnh Ninh Thuận đã không ngừng triển khai các biện pháp ứng phó BĐKH nhằm đảm bảo cuộc sống ổn định cho người dân và bảo vệ tốt nhất nguồn tài nguyên môi trường cho địa phương.

Hạn hán khiến nhiều nơi ở Ninh Thuận “sa mạc hóa”
Hạn hán khiến nhiều nơi ở Ninh Thuận “sa mạc hóa”

Ứng phó BĐKH bằng nhiều giải pháp

Để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó BĐKH, tỉnh Ninh Thuận đã  chỉ đạo triển khai xây dựng nhiều dự án ứng phó BĐKH giai đoạn 2010-2015 như: Dự án xây dựng công trình Đê sông Phú Thọ với tổng mức đầu tư 119 tỷ đồng; dự án hệ thống thủy lâm kết hợp để phòng chống hoang mạc hóa và thích ứng biến đổi khí hậu trên địa bàn huyện Ninh Phước và huyện Thuận Nam; dự án trồng mới phục hồi và kết hợp quản lý bảo vệ rừng chống xâm thực bờ biển thuộc địa bàn các huyện Ninh Hải, Ninh Phước, Thuận Nam; dự án đập hạ lưu sông Dinh; dự án công trình Kè chắn lũ huyện Ninh Hải.

Giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh Ninh Thuận tiếp tục trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, tạo điều kiện cho tỉnh Ninh Thuận triển khai thực hiện, các dự án gồm: dự án cập nhật kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu; dự án công trình kè chống sạt lở bờ biển, bảo vệ dân cư khu vực xã Nhơn Hải đến xã Thanh Hải thuộc huyện Ninh Hải; dự án đê cửa sông Cái Phan Rang.

Bên cạnh việc xây dựng các dự án mang mục tiêu lâu dài, tỉnh Ninh Thuận còn triển khai nhiều giải pháp nhằm phòng ngừa và giảm thiểu thiệt hại do BĐKH gây ra.

Tỉnh chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, điều chỉnh mùa vụ, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu. Nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trong đó chú trọng phát triển các loại giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản, thích ứng với biến động thời tiết và khả năng kháng dịch cao... Tỉnh Ninh Thuận còn triển khai các chương trình, dự án phòng chống hoang mạc hóa, sa mạc hóa, thoái hóa đất canh tác nông nghiệp, nhất là đảm bảo diện tích đất cho phát triển rừng ở các vùng ven biển huyện Ninh Phước, Thuận Nam, Ninh Hải và các vùng miền núi huyện Ninh Sơn, Bác Ái, Thuận Bắc.

Hạn hán kéo dài và thường xuyên, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp
Hạn hán kéo dài và thường xuyên, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp

Tại các vùng ven biển TP. Phan Rang – Tháp Chàm, nơi có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề của BĐKH thường xuyên nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng trành thiên tai cho cộng đồng, đảm bảo sinh kế cho người dân. Chuẩn bị sẵn sàng các phương án di dân ở các vùng thoát lũ như hạ lưu Nam sông Dinh, vùng ven kênh Bắc, kênh Nam, kênh Chàm và vùng thoát lũ các hồ thủy lợi Tân Giang, sông Sắt, sông Trâu. Đồng thời bảo vệ không gian thoát lũ trên các lưu vực sông, lòng sông Cái, sông Lu.

Tỉnh Ninh Thuận cũng thường xuyên phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương xây dựng và tăng cường năng lực dự báo thời tiết và cảnh báo thiên tai trên địa bàn tỉnh; rà soát, bổ sung, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, phát triển kinh tế xã hội phù hợp kịch bản nước biển dâng; thường xuyên kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng và sửa chữa, nâng cấp bảo đảm an toàn các công trình thủy lợi, các đoạn đê, kè biển, sông suối xung yếu.

Ngoài ra, những vùng bị tác động của bão, lụt, những khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tỉnh Ninh Thuận cũng xây dựng phương án cụ thể về di dời, bố trí quỹ đất tái định cư để sắp xếp lại các điểm dân cư. Chú trọng đến các cụm dân cư vùng núi, vùng trũng thấp và khu vực bờ sông, bờ biển bị sạt lở. Xây dựng và thực hiện chiến lược, kế hoạch hành động quản lý tổng hợp vùng bờ của tỉnh làm cơ sở cho việc tổ chức khai thác, sử dụng hiệu quả, hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển.

Bằng nhiều giải pháp thiết thực, thời gian qua tỉnh Ninh Thuận đã có nhiều mô hình thích ứng dựa vào cộng đồng đã được xây dựng và triển khai ở một số địa phương, mang lại lợi ích thiết thực được người dân đồng thuận và đánh giá cao như mô hình trồng, phục hồi rừng phòng hộ đầu nguồn, ven biển kết hợp tạo sinh kế bền vững cho người dân, mô hình nuôi tôm quảng canh, mô hình canh tác tiết kiệm nước...

Triển khai dự án; “Tái tạo nguồn nước bằng các biện pháp giữ nước dưới đất” do Chính phủ Hà Lan tài trợ để ứng phó với BĐKH ở Ninh Thuận
Triển khai dự án; “Tái tạo nguồn nước bằng các biện pháp giữ nước dưới đất” do Chính phủ Hà Lan tài trợ để ứng phó với BĐKH ở Ninh Thuận

Khó khăn về kinh phí

Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH tỉnh Ninh Thuận đã đề ra 16 dự án ưu tiên ứng phó BĐKH và nước biển dâng trong giai đoạn 2013 – 2015, nhưng đến nay chưa có dự án nào được triển khai thực hiện vì không có kinh phí. Hàng năm, trên cơ sở văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, UBND tỉnh Ninh Thuận đã chỉ đạo xây dựng, đề xuất các dự án ứng phó với BĐKH của tỉnh trình các Bộ, ngành Trung ương nhưng đến nay chưa có dự án nào được bố trí vốn để thực hiện.

Ninh Thuận đã và đang chịu tác động nặng nề của BĐKH và hiện nay đang gặp không ít khó khăn về tài chính và kỹ thuật, do đó, để triển khai kế hoạch hành động có tính khả thi, ứng phó hiệu quả với BĐKH  tỉnh Ninh Thuận cần sự hỗ trợ từ các Bộ, ngành Trung ương cập nhật kịch bản BĐKH, nước biển dâng cho Việt Nam, chi tiết đến từng địa phương làm cơ sở định hướng để tỉnh có cơ sở xây dựng và triển khai hiệu quả kế hoạch hành động ứng phó BĐKH.

Tỉnh Ninh Thuận cũng kiến nghị phía Trung ương tăng cường đầu tư ngân sách cho địa phương để ưu tiên triển khai các dự án, công trình trọng điểm về BĐKH có tính cấp bách, cấp thiết; xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích, huy động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư tài chính, chuyển giao công nghệ ứng phó BĐKH; hỗ trợ địa phương đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công tác quản lý, hoạch định chính sách cũng như nghiên cứu khoa học công nghệ về BĐKH.

Đối với các mô hình thí điểm thích ứng với BĐKH đã triển khai trong giai đoạn 2010 – 2015, cần hoàn thiện và tiến hành đánh giá, rút kinh nghiệm và xem xét khả năng nhân rộng trong giai đoạn 2016 – 2020 đối với các vùng có điều kiện tương tự. Như dự án Mô hình tưới nước cho dân nghèo Nam Trung bộ tại Ninh Thuận do tổ chức International Development Enterprises (iDE) tài trợ đã được triển khai từ năm 2011 đã mang lại hiệu quả cao cho nông dân.

Bài & ảnh: Anh Dũng – Yến Nhi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ninh Thuận: Nhiều giải pháp ứng phó BĐKH
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO