Nhựa tái chế: Chìa khóa mở ra nền kinh tế tuần hoàn

Nguyệt Chi| 17/12/2020 10:01

(TN&MT) - ​​​​​​​Nền kinh tế tuần hoàn được xem là giải pháp cho bao bì sau sử dụng. Trong đó, vỏ chai nhựa có thể được thu gom và tái chế thành chai hoàn toàn mới và an toàn để sử dụng cho lần tiếp theo. Với mô hình này, chai nhựa không những không bị thải bỏ ra môi trường mà còn trở thành nguồn nguyên liệu giá trị.

Tại thị trường Việt Nam, mới đây, Công ty TNHH La Vie, một thành viên của Tập đoàn Nestlé, ra mắt dòng sản phẩm nước khoáng thiên nhiên sử dụng chai nhựa tái chế dùng cho thực phẩm (rPET). Theo đó, La Vie là nhãn hiệu nước khoáng đầu tiên tại Việt Nam dùng chai được làm từ nhựa tái chế. Động thái này được đánh giá là bước mở đầu một mô hình kinh tế tuần hoàn cho bao bì.

La Vie là nhãn hiệu nước khoáng đầu tiên tại Việt Nam sử dụng chai được làm từ nhựa tái chế. Ảnh: Trí Đăng

Nhựa rPET là gì?

Hiện nhựa PET, nhôm, thủy tinh… là những nguyên liệu được dùng phổ biến cho sản xuất bao bì của ngành nước giải khát và chúng đều có thể tái chế hoàn toàn. Trong đó, nhựa PET được đánh giá là nguyên liệu lý tưởng vì giúp giữ được mùi vị và chất lượng của sản phẩm, đồng thời có trọng lượng rất nhẹ nên thuận tiện cho việc vận chuyển và có thể tái chế 100%.

Từ những năm 1990, nhựa PET bắt đầu được các hãng nước giải khát sử dụng ngày càng phổ biến để dần thay thế cho nhựa PVC – một loại nhựa khó tái chế và có trọng lượng nặng hơn. Nhựa PET khi được tái chế sẽ tạo ra nhựa rPET dùng cho ngành thực phẩm và đồ uống vì đảm bảo được an toàn vệ sinh.

Để tạo ra được nhựa rPET đòi hỏi một quy trình phân loại, thu gom và tái chế rất chặt chẽ. Trong đó, vỏ chai nhựa sau khi sử dụng phải được phân loại từ người tiêu dùng cho đến đơn vị thu gom & tái chế. Bởi vì, nếu sản phẩm đầu vào của quy trình tái chế (tức chai nhựa PET) bị nhiễm bẩn thì không thể tạo ra được loại nhựa rPET chất lượng cao dùng cho thực phẩm. Khi ấy, chai PET sau sử dụng chỉ có thể tái chế thành những sản phẩm có vòng đời tuần hoàn ngắn hơn, như hộp nhựa, thảm hay áo thun…

Vì có quy trình phân loại, thu gom, làm sạch và tinh lọc hết sức nghiêm ngặt, nên chi phí của loại chai làm từ nhựa rPET cao hơn so với chai nhựa nguyên sinh PET. Theo đại diện La Vie, công ty này đang phải nhập khẩu nhựa rPET từ châu Âu với chi phí cao hơn từ 30-50% so với nhựa mới (nhựa nguyên sinh).

Quy trình tái chế chai nhựa rPET rất nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: Duy Mạnh

Tạo cơ hội để chai nhựa được thu gom và tái sinh

Ông Fausto Tazzi, Tổng giám đốc Công ty La Vie, cho biết việc công ty này sử dụng chai được làm từ 50% nhựa rPET có ý nghĩa giúp hạn chế đưa thêm nhựa mới vào môi trường. Ngoài ra, quá trình tạo ra lượng rPET dùng cho chai nhựa La Vie cũng góp phần thúc đẩy việc thu gom & tái chế lượng chai nhựa tương đương đang có trong môi trường để chúng quay lại vòng sản xuất và tiếp tục được sử dụng.

Sáng kiến dùng chai rPET được áp dụng ban đầu với sản phẩm nước khoáng thiên nhiên La Vie 700ml - chai 50% rPET và dự kiến được mở rộng trong danh mục sản phẩm của công ty dựa trên nguồn cung nguyên liệu của thị trường.

Ông Fausto Tazzi cho biết thêm: “Chúng tôi hi vọng rằng, đến một lúc nào đó, không chỉ là 50% rPET mà chúng tôi có thể ra mắt sản phẩm dùng chai được làm từ 100% rPET. Hiện tại, rPET dùng cho thực phẩm chưa được sản xuất tại Việt Nam mặc dù chúng tôi rất mong muốn được hợp tác với các nhà sản xuất địa phương để sản xuất ra loại bao bì từ nhựa tái chế này”.

 

Động thái của La Vie cũng là tín hiệu cho thấy nhu cầu nhựa rPET rất lớn từ các công ty nước giải khát như La Vie, góp phần tạo động lực cho doanh nghiệp trong nước đầu tư sản xuất loại nhựa này.

Ngoài ra, một khi đã có doanh nghiệp sản xuất rPET tại Việt Nam thì vấn đề quan trọng không chỉ là giải pháp tái chế mà đòi hỏi phải có quy trình phân loại chai nhựa tại nguồn (từ người tiêu dùng đến đơn vị thu gom). Theo đó, việc dùng rPET còn có ý nghĩa tạo động lực cho các dự án phân loại và thu gom bao bì sau sử dụng.

Ngoài ra, để thúc đẩy một nền kinh tế tuần hoàn thực sự cho bao bì đòi hỏi sự hợp tác của 4 bên (nhà sản xuất, doanh nghiệp tái chế, chính quyền và người tiêu dùng) trong việc thu gom và tái chế nhằm đảm bảo đem đến cơ hội tái sinh cho chai nhựa. Song song đó, các công ty giải khát cần đầu tư bao bì bền vững và phát triển các nguyên liệu có thể tái tạo, đồng thời khuyến khích người tiêu dùng tham gia vào nền kinh tế tuần hoàn.

Về phía La Vie, sáng kiến sử dụng nhựa rPET là một phần trong kế hoạch thực hiện mục tiêu có thể tái chế và tái sử dụng 100% bao bì sản phẩm tới năm 2025 của Công ty La Vie & Tập đoàn Nestlé. Mục tiêu này xuất phát từ tầm nhìn: Không có bao bì nào của Nestlé trở thành rác thải sau khi sử dụng.

Với nỗ lực phát triển bao bì bền vững, trước đó, năm 2018, La Vie là công ty đầu tiên loại bỏ màng co nắp chai vì đây là phần bao bì khó thu gom và dễ thải ra môi trường. Năm 2019, La Vie lần đầu ra mắt sản phẩm sử dụng chai thủy tinh và đầu tư quy trình để thu gom & tái chế hoàn toàn vỏ chai sau sử dụng. Hiện công ty này cũng tập trung vào sản phẩm bình dung tích lớn (loại 19 lít) có thể tái sử dụng nhiều lần.

Công ty La Vie hiện còn là thành viên sáng lập của Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) và đang hợp lực với các thành viên của PRO Việt Nam để cùng thúc đẩy mô hình phân loại, thu gom & tái chế rác thải thông qua các dự án triển khai tại Việt Nam.

Mới đây, La Vie được vinh danh là một trong 100 doanh nghiệp phát triển bền vững xuất sắc nhất tại Việt Nam năm 2020 bởi Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhựa tái chế: Chìa khóa mở ra nền kinh tế tuần hoàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO