Kinh tế

Bình Định: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ngân hàng chính sách trong giảm nghèo

Thanh Tùng 25/04/2024 - 17:17

Trong những năm qua, nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã trở thành “đòn bẩy”, hỗ trợ đắc lực cho nhiều gia đình khó khăn ở Bình Định phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, từng bước vươn lên trong cuộc sống, góp phần tích cực vào thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững.

Hiệu quả lớn

Nhiều hộ nghèo, cận nghèo ở xã Cát Khánh, huyện Phù Cát đã vay nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Phù Cát để đầu tư mua bán nhỏ, cải tạo vườn, chăn nuôi… phát triển kinh tế gia đình. Từ nguồn vốn này, nhiều hộ dân đã vượt qua khó khăn, từng bước có cuộc sống ổn định, nhiều hộ vươn lên làm giàu. Điển hình như mô hình chế biến nước mắm của chị Mai Thị Diệu Thủy - thôn An Quang Đông mang lại thu nhập 40-60 triệu đồng/năm; mô hình nuôi ốc hương của ông Trần Ngọc Hậu - thôn Ngãi An cho thu nhập 700 triệu đồng/năm…

anh-1.jpg
Người dân vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Bình Định

Bên cạnh đó, nhiều hộ dân nhờ có nguồn vốn vay và biết tiếp thu các tiến bộ khoa học kỹ thuật, mạnh dạn đầu tư vốn vào chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như hộ ông Nguyễn Văn Hạnh, Nguyễn Văn Phẩm, Hồ Tài, Hồ Xuân Thanh ở thôn Thắng Kiên; hộ ông Nguyễn Tấn Dũng ở thôn Chánh Lợi; hộ ông Nguyễn Văn Sáng ở thôn An Quang Đông… Cách làm của các hộ gia đình này đều cho thu nhập từ 50-60 triệu đồng/năm. Cá biệt có những hộ đã mạnh dạn đầu tư vốn đóng mới tàu bám biển đánh bắt dài ngày, hàng năm cho thu nhập từ 400-500 triệu đồng.

Thống kê cho thấy, toàn xã Cát Khánh hiện có 21 Tổ tiết kiệm và vay vốn, với 1142 hộ vay với tổng dư nợ trên 63 tỷ đồng. Bà Nguyễn Thị Nguyệt Mai - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn của Hội Phụ nữ xã Cát Khánh cho biết, Tổ đang quản lý 58 thành viên, dư nợ trên 3,3 tỷ đồng và không có nợ quá hạn. Có được kết quả đó, trong quản lý vốn, Tổ trưởng phải tham gia đầy đủ các cuộc họp giao ban sau buổi giao dịch để nắm chính sách vốn, tham gia các chương trình tập huấn và nắm chắc nghiệp vụ, quy trình cho vay. Hàng tháng, tuyên truyền, vận động các hộ về mục đích sử dụng vốn, theo dõi, nhắc nhở kịp thời các hộ vay về các khoản nợ sắp đến hạn.

Báo cáo của UBND tỉnh Bình Định cho biết, trong 3 năm (2021 - 2023), Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã thực hiện cho vay ưu đãi 118 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn; với tổng số tiền hơn 5.545 tỷ đồng. Mặt trận Tổ quốc và các hội, đoàn thể đã huy động trên 635 tỷ đồng, hỗ trợ 160 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã bố trí hơn 417 tỷ đồng, trong đó, hơn 77 tỷ đồng hỗ trợ phát triển sản xuất cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.

“Từ đó, đến cuối năm 2023, Bình Định có hơn 26.790 hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo. Tỷ lệ giảm nghèo đa chiều bình quân chung của tỉnh đạt 2,05%, vượt kế hoạch 1,5 - 2%/năm đã đề ra. Riêng năm 2023, tỷ lệ giảm nghèo đạt 2,89%, với 12.667 hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo”, báo cáo của UBND tỉnh Bình Định cho biết.

Đảm bảo công khai, minh bạch trong hoạt động cho vay

Theo số liệu thống kê, đến hết năm 2023, toàn tỉnh Bình Định hiện có 1.202 hộ nghèo vì không có đất sản xuất; 3.558 hộ nghèo vì không có vốn sản xuất, kinh doanh; 6.100 hộ nghèo vì không có lao động; 3.204 hộ nghèo vì không có công cụ, phương tiện sản xuất; 1.763 hộ nghèo không có kiến thức về sản xuất; 2.176 hộ nghèo không có kỹ năng lao động, sản xuất; 8.133 hộ nghèo có người ốm đau, bệnh nặng, tai nạn. Như vậy, số lượng hộ nghèo do không có vốn sản xuất, kinh doanh còn chiếm tỷ lệ khá cao.

Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Định Đỗ Thị Diệu Hạnh cho biết, năm 2024, Bình Định phấn đấu giảm 8.797 hộ nghèo, hộ cận nghèo, tỷ lệ giảm nghèo đa chiều 2%. Để thực hiện được mục tiêu này, các địa phương phải xây dựng kế hoạch giảm nghèo hết sức cụ thể, chi tiết đến từng cấp xã, cấp huyện; phải xác định rõ thực trạng từng hộ nghèo, hộ cận nghèo và thành viên của hộ theo 8 nguyên nhân nghèo. Từ đó có các giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế của hộ để hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên thoát nghèo.

anh-2.jpg
Tại xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, nhiều người dân phát triển kinh tế từ nguồn vốn vay ngân hàng chính sách xã hội

Có thể khẳng định, hoạt động tín dụng chính sách mang lại hiệu quả cụ thể và ngày càng lan tỏa, tạo hiệu ứng tích cực, được chính quyền các địa phương đánh giá cao. Vì thế, cùng với việc trích ngân sách ủy thác qua ngân hàng cho người dân vay vốn với lãi suất ưu đãi, nhiều địa phương đã bố trí vốn cho các hội, đoàn thể xây dựng nhiều mô hình đầu tư phát triển kinh tế; tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, giúp bà con phát huy vốn vay. Nhờ vậy, hàng nghìn hộ dân được hưởng lợi từ chính sách tín dụng chính sách xã hội có điều kiện vươn lên thoát nghèo, làm giàu.

Tại huyện Phù Cát, để nguồn vốn đến tay hộ nghèo và các đối tượng chính sách có hiệu quả; hàng năm, phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phù Cát đã phối hợp với UBND xã và các tổ chức chính trị- xã hội tổ chức tuyên truyền, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách mới của Chính phủ, của tỉnh và địa phương; thực hiện niêm yết công khai đầy đủ các chính sách tín dụng ưu đãi về cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách tại xã. Đồng thời, thường xuyên chỉ đạo, rà soát chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn, kiểm tra việc bình xét cho vay đảm bảo công khai, minh bạch, đôn đốc, giám sát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ, trả lãi đúng quy định.

Năm 2023, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tây Sơn thực hiện cho vay trên 194 tỷ đồng, với 4.113 khách hàng. Tổng dư nợ đạt trên 607 tỷ đồng, với 10.459 khách hàng đang dư nợ, hoàn thành 100% kế hoạch tăng trưởng, tăng trên 74 tỷ đồng, tỷ lệ tăng trưởng đạt 14%. Chính sách tín dụng ưu đãi đã đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, đặc biệt là các tầng lớp dân cư có thu nhập thấp. Thông qua nguồn vốn vay, có 4.814 hộ tiếp cận vốn một cách thuận lợi và kịp thời, góp phần giúp hơn 715 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nguồn vốn đầu tư chăn nuôi, sản xuất.

Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tây Sơn Nguyễn Thị Thủy cho biết, thời gian tới, ngân hàng tiếp tục bám sát chương trình hành động phát triển kinh tế - xã hội của huyện; phân công cán bộ phụ trách địa bàn, chủ động nắm bắt tình hình kinh tế, nhu cầu vay vốn của từng hộ dân và đẩy mạnh các chương trình tín dụng chính sách, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân vay vốn. Cùng với đó, phối hợp với chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể tư vấn, hướng dẫn cho bà con lựa chọn và thực hiện phương án đầu tư phù hợp; tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, giúp bà con phát huy hiệu quả nguồn vốn vay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Định: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ngân hàng chính sách trong giảm nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO