Doanh nghiệp - doanh nhân

“Chai xanh” của Việt Nam vươn tầm thế giới

Phạm Oanh (thực hiện) 15/02/2024 - 16:13

Là doanh nghiệp tái chế đầu tiên tại Việt Nam đạt chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao, Công ty Nhựa Tái chế DUYTAN đang sử dụng hiệu quả nguồn rác thải trong nước, tái chế ra các sản phảm chất lượng cao xuất khẩu sang Mỹ, Châu Âu.

dt.jpg
z5162369269511_2fd061104a86168a455c8b09d222ba63(1).jpg
z5162369269511_2fd061104a86168a455c8b09d222ba63(1).jpg

Tái chế đã khó, tái chế đạt chất lượng cao với chuẩn “3 không”, không rác thải, không khí thải, không nước thải càng khó hơn. Vậy, đâu là “chìa khóa” để DUYTAN thành công như hiện nay? Báo Tài nguyên và Môi trường đã trò chuyện cùng ông Lê Anh – Giám đốc Phát triển bền vững của Công ty Nhựa Tái chế DUYTAN để tìm câu trả lời.

z5162349682832_baa7212e82facf2caf57353c88e5793d.jpg
PV Báo Tài nguyên và Môi trường trao đổi cùng ông Lê Anh – Giám đốc Phát triển bền vững của Công ty Nhựa Tái chế DUYTAN

PV: Tái chế bao bì nhựa là ngành tái chế tăng trưởng mạnh nhất trên toàn thế giới. Tuy nhiên, ở Việt Nam, “hơn 40 năm phát triển, ngành này vẫn như một đứa trẻ” với quy mô phát triển manh mún và vô vàn khó khăn từ khâu nguyên liệu đầu vào? Vậy, tại sao Nhựa Tái Chế DUYTAN lại lựa chọn và mạnh dạn đầu tư vào ngành này thưa ông?

Ông Lê Anh: Chúng tôi có 36 năm trong ngành nhựa (từ năm 1987), vì thế sau khi làm nhựa gia dụng chúng tôi đã tập trung sang lĩnh vực mới mang giá trị chất xám cao hơn. Đó là 2 mảng chính gồm: nhựa tái sinh và nhựa kĩ thuật cao

Về nhựa tái sinh: Như mọi người biết ngành tái chế đã có hơn 40 năm, mặc dù lớn tuổi nhưng thật ra vẫn còn non trẻ bởi vì công nghệ thô sơ. Có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành nhựa, chúng tôi hiểu rõ cần có nhiều hơn những đóng góp vì môi trường. Chính vì vậy, Nhựa Tái Chế DUYTAN lựa chọn đầu tư thành lập nhà máy nhựa tái chế chất lượng cao. Đây được xem là một bước tiến đúng đắn của chúng tôi. Mặc dù gặp nhiều thách thức nhưng vẫn cần có người tiên phong thực hiện. Chúng tôi đã bắt đầu nghiên cứu từ năm 2016 cho đến nay và chúng tôi rất vui mừng khi nhận được nhiều sự ủng hộ của các tổ chức, hiệp hội và doanh nghiệp trong suốt hành trình đó.

Về nhựa kĩ thuật cao: Chúng tôi cũng có công ty MIDA – chuyên thiết kế và sản xuất khuôn cho các ngành điện, điện tử, xe hơi và y tế. Các khuôn lượng cao của MIDA được ứng dụng cho các sản phẩm nổi bật trên thị trường: đồng hồ Casio G-shock, loa Sony, máy lạnh Sharp, máy hút bụi Samsung, máy quét mã vạch Datalogic,... Bên cạnh đó, MIDA đã thiết kế và sản xuất hơn 4000 sản phẩm khuôn cung cấp cho các tập đoàn lớn trên thế giới: Schneider Electrics, Canon, Amphenol, Furukawa, Eldor,...

z5162346725654_0fa0b1a7339461f649b1991a228572a6.jpg
Ngày 30/10/2023, DUYTAN được cấp chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao

PV: Ngành tái chế coi EPR là cơ hội chưa từng có để vươn mình phát triển, không chỉ để tìm kiếm lợi nhuận mà còn khẳng định lại vai trò không thể thiếu trong nền kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, cơ hội ấy không phải dành cho tất cả. Chỉ có những nhà tái chế đạt chuẩn mới nhận được lợi ích từ EPR. Vậy Nhựa Tái Chế DUYTAN đã và đang làm gì để nắm lấy cơ hội này, thưa ông?

Ông Lê Anh: Ngành tái chế đã xuất hiện và tồn tại rất lâu về trước nhưng đa số đều mang tính nhỏ lẻ và sử dụng công nghệ thô sơ. Theo tôi, ngành tái chế tại Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội phát triển tốt khi EPR được áp dụng; các doanh nghiệp được đầu tư bài bản và có cam kết vì môi trường. Không chỉ riêng nhà máy tái chế nhựa mà còn có nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp trong các mảng tái chế khác: nhựa mềm, giấy, nhôm, kim loại, săm lớp, cao su,.. Chúng tôi đánh giá cao những đơn vị tiên phong trong ngành. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội nhưng cũng có rất nhiều thách thức, cần phải đầu tư nghiên cứu, học hỏi chuyên sâu để có thể tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường chất lượng cao, đạt chuẩn xuất khẩu sang thị trường quốc tế.

Để nắm lấy cơ hội, nhà máy Nhựa Tái Chế DUYTAN tự hào đạt chứng nhận Doanh nghiệp Công nghệ cao do Bộ Khoa học & Công nghệ cấp. Chúng tôi luôn vận hành theo tiêu chí 3 không: Không rác thải – Không khí thải – Không nước thải. Bên cạnh đó, để đảm bảo chất lượng sản phẩm, chúng tôi tự hào có hệ thống 21 chứng nhận đảm bảo đầy đủ về những yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm như FDA của cục quản lý thực phầm và dược phẩm Hoa Kỳ, chứng nhận EFSA từ cơ quan an toàn thực phẩm Châu Âu, cũng như hệ thống các chứng nhận ISO. Năm 2023, chúng tôi đã xuất khẩu 10,800 tấn hạt nhựa tái sinh sang 11 nước trong đó có Hoa Kỳ và Châu Âu. Để vào được thị trường khó tính này đòi hỏi rất chặt chẽ về mức độ an toàn của sản phẩm.

z5162413195732_46bc5d6ef84bd1dcf1e82b4671fbe8f0.jpg
Công nghệ và quy trình sản xuất hiện đại tạo ra những sản phẩm Hàng Việt Nam chất lượng cao

PV: Cơ hội luôn đi đôi với thách thức và cạnh tranh, vậy đâu là lợi thế cạnh tranh của Nhựa Tái Chế DUYTAN trong giai đoạn sắp tới, khi có rất nhiều “ông lớn” sẽ gia nhập đường đua này?

Ông Lê Anh: Khi EPR được áp dụng sẽ có nhiều doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi luôn lấy chất lượng sản phẩm làm kim chỉ nam và tập trung vào việc nghiên cứu, sản xuất ra các sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất. Bên cạnh đó, sự đồng hành, ủng hộ của các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp và người tiêu dùng cũng chính là động lực mạnh mẽ đối với chúng tôi trên hành trình hướng đến phát triển nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Ngành tái chế Việt Nam vẫn còn non trẻ, nếu các “ông lớn” với những khoản đầu tư khổng lồ gia nhập vào đường đua này chính là thách thức lớn cho các doanh nghiệp tại VN. Tôi nghĩ các cơ quan, ban ngành nên tạo điều kiện nhiều hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam phát triển về đầu tư công nghệ và học hỏi kinh nghiệm để có thể thực hiện và phát triển nhiều hơn trong ngành.

Bên cạnh đó, là thành viên ban chấp hành của Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam, tôi có cơ hội làm việc cùng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi trường trên cả nước. Qua đó, tôi cảm nhận được tình yêu nước của các doanh nghiệp là rất cao, về phần này tôi đánh giá lòng yêu nước và mong muốn đóng góp thành tựu của họ cho nền kinh tế nước nhà có phần nổi trội hơn so với các doanh nghiệp nước ngoài. Vì lẽ đó, chúng ta nên ủng hộ và đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt trong hành trình chung tay góp phần vì một môi trường Việt Nam xanh – sạch – đẹp.

z5162296380886_bc4e76b80d808b8766ac84ea34cdea5f.jpg
Toàn bộ nước thải của DUYTAN được tuần hoàn và được sử dụng để bài trí cảnh quan, hồ cá Koi là điểm nhấn.

PV: Có thể nói, Nhựa Tái Chế DUYTAN đã nhìn nhận những cơ hội lớn đến với ngành công nghiệp tái chế cũng như vai trò dẫn dắt sự lột xác, chuyển mình của ngành nhựa tái chế. Vậy Công ty kỳ vọng và có những đề xuất gì để đưa ngành công nghiệp nhựa tái chế Việt Nam trở thành điểm sáng trong khu vực và quốc tế, thưa ông?

z5162346696695_2009ed8233addbd239f56e31d5b41223.jpg
Ông Lê Anh tự hào cầm trên tay chai nước sử dụng nhựa tái chế của Việt Nam khi ở nước Mỹ.

Ông Lê Anh: Hiện nay, Việt Nam là một trong những nước tiên phong về EPR trong khu vực. Mô hình EPR tại Việt Nam được áp dụng vào đầu năm 2024 và là mô hình đáng được học hỏi. Tôi rất hi vọng có nhiều cơ hội giới thiệu và chia sẻ về công nghệ tái chế Việt Nam đến các nước, đặc biệt là các nước trong khu vực. Trước đây, nhiều nước cứ nghĩ Việt Nam chỉ có thế mạnh trong xuất khẩu nông nghiệp, sản phẩm giá trị thấp thì giờ đây sẽ biết đến Việt Nam có thể sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm giá trị cao, đặc biệt là các sản phẩm có nguyên liệu là rác thải được thu gom và tái chế.

Tôi rất tự hào khi đến Hoa Kỳ và sử dụng những sản phẩm bao bì nước uống có nguyên liệu là rác thải nhựa được thu gom và tái chế tại Việt Nam. Vì vậy, tôi hi vọng trong tương lai, Việt Nam sẽ là một trong những nước tiên phong trong khu vực về sử dụng các sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường. Hi vọng rằng, ngọn cờ Việt Nam sẽ được vươn cao, ngành tái chế tại Việt Nam sẽ ngày càng phát triển và nhiều người biết đến.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Chai xanh” của Việt Nam vươn tầm thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO