Người suốt đời vì thiên nhiên và môi trường Việt Nam

25/06/2015 00:00

(TN&MT) - Nhắc đến ông người ta nhớ tới một cây “đại thụ”, một trong những người đã đặt nền móng đầu tiên cho ngành sinh vật học Việt Nam. Ông đã cùng tập thể các nhà khoa học viết nên Danh mục sách đỏ Việt Nam góp phần không nhỏ cho việc bảo tồn thiên nhiên và môi trường. Ông chính là GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh.

In dấu chân trên mọi miền đất nước

Gặp ông giữa căn nhà giản dị, vị giáo sư tuổi đã ở ngưỡng gần 90 vừa có một chuyến khảo sát dài ngày giữa đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ. Trong chất giọng đậm chất xứ Quảng, những câu chuyện về một trí thức lớn dần hé mở...

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh là một người con của quê hương Quảng Nam, có lẽ duyên nghiệp đã gắn cuộc đời ông với những cánh rừng. Năm 14 tuổi chàng trai trẻ Đặng Huy Huỳnh đã theo tiếng gọi của non sông “xếp bút nghiên lên đường đi chiến đấu”. Suốt 9 năm trên khắp chiến trường trên đất Lào, Campuchia ông đều gắn bó với những cánh rừng, có lẽ vì thế thiên nhiên đã trở thành người bạn thân thiết. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông tập kết ra Bắc và cái duyên với rừng già đã như “theo đuổi” khi ông được theo học khoa Sinh của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Tốt nghiệp ra trường ông được chọn về làm tại Ban Sinh vật học địa học của Ủy ban khoa học Nhà nước (nay là Bộ KH&CN) dưới sự chỉ đạo của Giáo sư Tạ Quang Bửu.

Khi đó, mảng khoa học nghiên cứu sinh vật học còn khá non trẻ nên ông được giao nhiệm vụ viết và xây dựng kế hoạch nghiên cứu. Năm 1962, bộ phận động vật học được ra đời do chính ông phụ trách. Cũng tại nơi này, ông còn được giao nhiệm vụ phụ trách đoàn cán bộ đi điều tra, khảo sát hệ động vật ký sinh trùng và côn trùng khu vực phía Bắc. Đoàn với nhiệm vụ điều tra, khảo sát tài nguyên thiên nhiên, động thực vật từ đó đề xuất phục hồi, khai thác sử dụng cho sự phát triển của đất nước sau những năm tháng chiến tranh. Những chuyến đi xuyên rừng dài ngày từ 4 – 5 tháng đã là nơi “lửa thử vàng” ý chí, nghị lực, tình yêu niềm say mê với khoa học phục vụ Tổ quốc của những trí thức trẻ. Ông cùng đồng nghiệp đã ngược dòng sông Đà, xuôi dòng Lô giang để qua miền Tây Bắc với núi non trùng điệp, đi từ cái nắng bỏng rát da tay của miền Trung nắng cháy tới mùa mưa giữa đại ngàn Trường Sơn xanh ngút, đi từ núi đá cheo leo của địa đầu Hà Giang tới mênh mông rừng tràm, rừng đước nơi đất mũi Cà Mau. Khoảng thời gian từ năm 1961 – 1975, ông đã tham dự hàng chục chuyến đi và ngay cả sau này, khi đã là Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật năm nào ông cũng phải dành từ 4 – 5 tháng khảo sát thực tế. Chính những chuyến đi thực tế ấy đã làm thành một cuốn “phim tư liệu” về các thông tin khoa học, góp phần không nhỏ cho việc biên soạn cuốn Động vật chí Việt Nam và Sách đỏ Việt Nam sau này.

Những chuyến đi xuyên rừng bạt núi ấy theo lời kể của GS Đặng Huy Huỳnh thì chủ yếu là đi bộ, “sang” lắm thì có ngựa thồ hàng. Tất cả đều trèo đèo lội suối tới những cánh rừng sâu thẳm, thậm chí là có nơi chưa ai từng đặt chân tới. Hành trang mang theo ngoài thiết bị kỹ thuật thì chỉ có cá khô và cơm nắm. Những năm tháng trong và sau chiến tranh không ít lần đoàn đã thoát khỏi sự phục kích của phỉ, Phun Rô trong gang tấc. Bản thân GS Huỳnh đã từng có lần suýt bỏ mạng tại sông Ông Đốc (Cà Mau) vì thuyền bị đắm. Những khó khăn ấy không ngăn được tình yêu của ông với thiên nhiên Việt Nam. Bước chân của ông đã đặt lên hết mọi nẻo đường trên “con đường thiên lý mã” của dặm dài đất Việt. Chỉ có một nơi duy nhất ông chưa từng đặt chân tới... Nơi ấy là Trường Sa. Nhưng chính ông lại là người chủ nhiệm đề tài Nghiên cứu tài nguyên sinh vật và xử lý ô nhiễm môi trường trên quần đảo Trường Sa (TS03) năm 1993. Những cây bàng vuông nở hoa tím ngắt, những cây phong ba kiên cường đứng trong nắng gió, những luống rau xanh ngút ở Trường Sa có được như hôm nay là có một phần đóng góp của ông...

Hơn 50 năm qua, ông đã tham gia rất nhiều công trình khoa học quan trọng như Nghiên cứu, điều tra các tỉnh Tây Nguyên; Nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đối với hệ sinh thái và đa dạng sinh học ở Mã Đà (Đồng Nai), A Lưới (Thừa Thiên Huế), Ngọc Hiển, Năm Căn (Cà Mau) làm căn cứ cho việc đề ra hướng khắc phục và góp phần vào việc đấu tranh với Mỹ về giải quyết hậu quả chất độc hóa học đối với môi trường Việt Nam... Ngoài ra, ông còn tham gia hàng chục công trình nghiên cứu cấp Nhà nước thuộc các hướng như: Động vật học, xây dựng Động vật chí Việt Nam, phân vùng địa động vật làm cơ sở cho việc xây dựng hệ thống Vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên. Ông còn tham gia hội đồng biên tập bộ sách Động vật chí Việt Nam, Sách đỏ Việt Nam, Danh lục đỏ Việt Nam...

Hành động vì thiên nhiên bằng cả trái tim

Được trò chuyện tôi mới hiểu hết được tình yêu của ông với thiên nhiên, với môi trường không chỉ bằng những công trình khoa học mà đó là cả tình yêu, tâm huyết. Có một câu chuyện khi nhắc tới ông các đồng nghiệp vẫn nhớ lại rằng: Trong một chuyến đi công tác tại Tây Nguyên, khi đến thì bản làng vừa thịt một con bò rừng. Thấy cán bộ Trung ương về điều tra khổ quá toàn phải ăn cơm với cá khô, già làng Pun ĐRăng thuộc xã CrôngaNa đã tặng hẳn một cái đùi bò để cán bộ... cải thiện. Nhưng GS Huỳnh (khi đó là Trưởng đoàn) đã nhất định không nhận mặc cho sự thuyết phục của dân làng. Sau này ông tâm sự: Tôi biết có anh em không hài lòng cho rằng tôi cứng nhắc quá, mặc dù cũng thương anh em ăn uống kham khổ nhưng mình là nhà khoa học về môi trường, đang đi vận động bà con không giết hại thú rừng mà lại đi ăn thịt bò thì nói bà con sao được. Anh em cùng tôi chịu khổ, mình ăn cơm cá khô nó cũng quen rồi, cố tí cũng không sao”. Đó không chỉ là nguyên tắc của một nhà khoa học chân chính mà còn là một tình yêu lớn với thiên nhiên.

Cách ông bảo vệ thiên nhiên rất nhẹ nhàng nhưng kiên trì. Hơn chục năm trước, khi mọi người còn nghi ngờ về Dự án cứu hộ linh trưởng quý hiếm của nhà khoa học người Đức Tillo Nadler, ông đã viết thư cho Hội Động vật Frankfurt Đức đến gặp lãnh đạo Bộ NN&PTNT để bảo vệ Dự án. Chính từ hành động táo bạo này ông được xem là người “đỡ đầu” cho các loài linh trưởng ở Việt Nam. Ông cũng chính là một trong những người đầu tiên viết thư gửi Thủ tướng Chính phủ về việc bảo vệ gia đình nuôi hổ tại Bình Dương. Và cũng chính ông đã viết thư gửi lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội cảnh báo việc xâm lấn đất ở Vườn Quốc gia Ba Vì đề nghị bảo vệ nguyên vẹn lá phổi xanh của thủ đô.

Tính đến nay ông đã công bố 150 công trình nghiên cứu và xuất bản 14 cuốn sách chuyên khoa về tài nguyên động vật, sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học... Với những đóng góp hết mình cho thiên nhiên và môi trường Việt Nam, nhân dịp Tết Giáp Ngọ, GS Đặng Huy Huỳnh vinh dự được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến thăm và chúc Tết. Khi được Chủ tịch nước hỏi thăm về điều kiện sinh hoạt cũng như có lời đề nghị nào với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ông không nghĩ cho cá nhân mà mong muốn lãnh đạo Đảng, Nhà nước hãy quan tâm và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên có như thế mới phát triển đất nước một cách bền vững...

Năm nay đã ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng cuộc trò chuyện của tôi và ông tới lúc chia tay vẫn nhiều lần bị ngắt quãng bởi những cuộc điện thoại và sắp xếp lịch đi công tác của giáo sư. Ông bảo còn sức khỏe thì mình còn cố gắng vì thiên nhiên khi nào đôi chân chưa mỏi mệt thì ngày đó giáo sư còn tới những vùng đất mới làm giàu đẹp cho thiên nhiên Việt Nam.

Nguyễn Cường

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người suốt đời vì thiên nhiên và môi trường Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO