Người dân vùng khu Đông Bình Định chủ động "sống chung với lũ"!

28/11/2017 00:00

(TN&MT) - Mưa lũ kéo dài, hết đợt này đến đợt khác khiến cuộc sống của người dân trong tỉnh nói chung và bà con vùng “rốn lũ” ở các xã khu Đông huyện Tuy Phước và Phù Cát nói riêng lâm vào cảnh khốn khó. Để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, bà con nơi đây chủ động các phương án “sống chung với lũ”…

Dập dềnh con nước

Ngày 27.11, nước lũ ở hạ lưu sông Hà Thanh và sông Kôn vẫn còn duy trì ở mức dưới báo động I, gây ngập lụt cục bộ ở một số xã như Phước Hòa, Phước Thắng, Phước Thuận… của huyện Tuy Phước. Tương tự, các bờ tràn qua về UBND xã Cát Chánh (Phù Cát) vẫn còn ngập sâu. Để về trung tâm xã, người dân phải nhờ đến sõng nhôm hoặc xe tải, xe độ chế. 

Nhiều khu dân cư trên địa bàn xã như thôn Vân Triêm, thôn Chánh Hội... vẫn còn ngập sâu trong nước. Đường vào xóm Chánh Hóa, thôn Chánh Hội, nước lũ tràn qua mặt đường bê tông, cao quá nửa bánh xe máy. Để chủ động đi lại, mỗi hộ dân tại đây đều có ít nhất một sõng nhôm.

Nước lũ trên sông Gò Bồi đoạn qua xã Phước Hòa (huyện tuy Phước) vẫn chảy xiết. Người dân nơi đây phải sử dụng sõng để đi lại trong điều kiện đường sá bị nước lũ chia cắt
Nước lũ trên sông Gò Bồi đoạn qua xã Phước Hòa (huyện tuy Phước) vẫn chảy xiết. Người dân nơi đây phải sử dụng sõng để đi lại trong điều kiện đường sá bị nước lũ chia cắt

Đây là đợt lũ thứ 3 xuất hiện ở tỉnh Bình Định từ sau bão số 12 xảy ra hồi đầu tháng 11. Do đã quá quen với tình hình mưa lũ diễn ra hằng năm, nên người dân vùng “rốn lũ” nơi đây không còn tâm lý “nước đến chân mới nhảy”. Trái lại, mỗi khi nghe đài, tivi thông báo có mưa to hoặc bão thì người dân chủ động nắm bắt thông tin để chủ động ứng phó. Thậm chí, bà con cũng biết cách xem một số dấu hiệu báo mưa lũ trong thiên nhiên như tổ kiến, tổ ong, hoặc dựa vào chu kỳ mưa lũ diễn ra hằng năm để dự tính.

Chủ động bảo vệ tài sản, vật nuôi

Điểm chung của người dân vùng “rốn lũ” ở các xã khu Đông của huyện Tuy Phước hoặc xã Cát Chánh là khi nghe tin báo lũ, bà con đã chủ động di chuyển, hoặc kê cao đồ đạc, tìm cách bảo quản tài sản trong nhà. Gia đình nào có chăn nuôi gia súc cũng chủ động trữ nguồn thức ăn, che chắn chuồng trại, hoặc chủ động đưa gia súc đang ở vùng thấp, trũng đến nơi cao ráo nhằm giảm thiểu thiệt hại.

Hộ bà Nguyễn Thị Cúc, thôn Tân Giản, xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước) chủ động xây dựng lại một góc tường, lợp tôn để tá túc tạm qua mùa lũ.
Hộ bà Nguyễn Thị Cúc, thôn Tân Giản, xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước) chủ động xây dựng lại một góc tường, lợp tôn để tá túc tạm qua mùa lũ.

Bà Nguyễn Thị Chín, 83 tuổi, ở thôn Tân Giản, xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước) chia sẻ: Mưa lũ ở đây không còn là chuyện xa lạ. Bà con đã chấp nhận sinh sống ở vùng này luôn xác định tâm thế “sẵn sàng ứng phó, hoặc chủ động làm quen với nhịp sống trong mùa lũ”. Ai cũng cho rằng, thiên tai là điều không ai mong muốn, nhưng không ai có thể cản nổi. Bởi, mưa lũ đã trở thành luật bất biến của tự nhiên và được lặp đi lặp lại theo chu kỳ. Giờ đây, chuyện xây nhà người dân đều tính tới nhà mê hoặc xây gác lửng khi có lũ về họ sẽ chủ động đưa đồ đạc lên cao và để ở”.

Sáng 27.11, nước đã rút ra khỏi nhà nhưng chị Nguyễn Thị Hồng Hoa (32 tuổi, ở thôn Chánh Hội, xã Cát Chánh, huyện Phù Cát) vẫn giữ nguyên những vật dụng quan trọng như thức ăn, gạo, tủ lạnh trên cao. Theo chị, thời tiết bất thường, chỉ cần mưa một trận lớn là lại tràn vào nhà. “Mùa này, mình cứ phòng thủ thiệt kỹ. Vật quan trọng như dầu lửa, gạo, đồ điện đều sắp xếp cao hơn mặt đất 1m”.

Chị Nguyễn Thị Hồng Hoa (32 tuổi, ở thôn Chánh Hội, xã Cát Chánh, huyện Phù Cát) chủ động kê thức ăn, gạo, tủ lạnh lên cao để tránh lũ
Chị Nguyễn Thị Hồng Hoa (32 tuổi, ở thôn Chánh Hội, xã Cát Chánh, huyện Phù Cát) chủ động kê thức ăn, gạo, tủ lạnh lên cao để tránh lũ

Không chỉ lo cho người, nhiều hộ dân còn chủ động chống lũ cho vật nuôi. Rút kinh nghiệm từ trận lũ lớn cuối năm 2016 làm chết 9 con dê, trước mùa mưa năm nay, ông Đỗ Văn Trí (43 tuổi, thôn Chánh Hội, xã Cát Chánh) đã hoàn thành công trình chuồng trại 2 tầng cho gà và dê. Ông Trí đúc trụ bê tông, mua trảy đóng thành tấm sạp lớn gộp thành chuồng. Tầng 1 cách đất 1,5m. Tầng 2 cao 2,5m.

Ông Trí tâm sự: “Nhà tôi dựa hẳn vào bầy dê 12 con và đàn gà để nuôi 3 đứa con đang tuổi ăn học và cha mẹ già. Nên, nhiều khi lo cho vật nuôi còn hơn lo cho người nữa. Tài sản của mình, mình phải tìm cách giữ gìn trước ảnh hưởng của thiên tai”.

Không chỉ vậy, nhiều hộ không may có nhà bị đổ sập do cơn bão số 12 cũng đã chủ động căng lều bạt hoặc dựng lại nhà để ở tạm thay vì trông đợi vào sự hỗ trợ của cấp trên. Đơn cử như hộ Nguyễn Thị Cúc, 54 tuổi, ở Đội 22, thôn Tân Giản, xã Phước Hòa (Tuy Phước). Ngôi nhà của bà dù bị cơn bão số 12 quật ngã. Sau bão, gia đình bà đã chủ động thuê mướn thợ tới xây tạm 3 vách tường, lợp tôn xi măng để ở tạm; đồng thời, tranh thủ gom lại các viên gạch còn nguyên vẹn còn sót lại dồn vào một góc.

Bà Cúc nói: “Nhà sập, nước lũ vẫn chưa rút nên giờ muốn xây lại cũng không được. Để có chỗ tá túc, tôi phải nhờ người xây tạm 3 vách tường, rồi gá đỡ mấy tấm tôn, giăn bạt để ở. Lũ rút rồi tính tiếp đến chuyện xây nhà”.

Chuồng dê 2 tầng cách lũ của gia đình ông Đỗ Văn Trí (43 tuổi, thôn Chánh Hội, xã Cát Chánh, huyện Phù Cát).
Chuồng dê 2 tầng cách lũ của gia đình ông Đỗ Văn Trí (43 tuổi, thôn Chánh Hội, xã Cát Chánh, huyện Phù Cát).

Theo phòng NN&PTNT huyện Tuy Phước, bão số 12 đi qua toàn huyện có 177 nhà bị sập hoặc bị tốc mái. Qua kiểm tra cho thấy, nhà bị sập trên 70% có 112 căn, nhà ở bị hư hỏng, tốc mái từ 50-70% có 65 căn. Bão đi qua thì mưa lũ lại ập tới khiến nhiều gia đình chưa thể xây dựng lại nhà cửa. Đối với các nhà bị tốc mái, đến nay, bà con đã chủ động lợp lại. Hộ có nhà bị sập thì chủ động tới tá túc nhà người thân, hoặc chủ động dựng lều bạt để ở.

Thực tế cho thấy, thiên tai không chiều lòng người. Vì vậy, đối với người dân ở vùng “rốn lũ” các xã khu Đông huyện Tuy Phước như Phước Hòa, Phước Thắng, Phước Sơn, Phước Thuận hoặc xã Cát Chánh (Phù Cát) không có cách nào khác hơn là chủ động “sống chung với lũ”. Nên, hầu như nhà nào cũng có ghe, sõng nhỏ; đồng thời, chủ động tích trữ lương thực, tự bảo quản tài sản mỗi khi nhận tin có bão, lũ xảy ra.

Hoàng Nguyên

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người dân vùng khu Đông Bình Định chủ động "sống chung với lũ"!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO