Lần đầu tiên được tổ chức, Ngày hội Vượn đen tuyền đã tạo điểm nhấn trong chuỗi hoạt động tuyên truyền về quản lý bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường và bảo tồn thiên nhiên tại Khu BTTN Mường La gắn với chuỗi sự kiện Lễ hội mừng cơm mới, du lịch cộng đồng, tâm linh văn hóa tại xã Ngọc Chiến, thiết thực Chào mừng Kỷ niệm 77 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9.
Ngày hội Vượn đen tuyền được tổ chức với 3 thông điệp chính: Vượn đen tuyền – Niềm tự hào của Mường La; Nói không với sử dụng súng săn trái phép trong Khu bảo tồn; Nói không với buôn bán, săn bắt vận chuyển động vật hoang dã.
Các hoạt động chính của Ngày hội gồm: Thi biểu diễn kịch, tìm hiểu kiến thức về bảo vệ Khu BTTN Mường La, bảo tồn loài động vật hoang dã; thi vẽ tranh, thuyết trình về tranh với chủ đề về bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã cho các em học sinh xã Ngọc Chiến; hoạt động thể thao bóng đá nam, nữ, trò chơi dân gian kéo co, đi cầu thăng bằng, bịt mắt bắt vịt…
Dù tiết trời mưa kéo dài, Ngày hội vẫn diễn ra sôi động, hấp dẫn, thu hút được 50 đội chơi với trên 300 người dân, học sinh đến từ các bản, trường học của xã tham gia và hàng nghìn cổ động viên là người dân trong xã Ngọc Chiến, cùng nhau hội tụ về đây để giao lưu học hỏi, quyết tâm tranh tài và tuyên truyền về quản lý bảo vệ rừng, bảo vệ thiên nhiên, đa dạng sinh học.
Các đội chơi đã cống hiến cho Ngày hội những đường bóng đẹp, những vở kịch hay, bức tranh giản dị, hấp dẫn, lột tả lại những hành động có tính chất vi phạm pháp luật trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã, mà đâu đó trong mỗi chúng ta, người dân đôi khi vô tình hay cố ý vi phạm.
Theo BTC Ngày hội, Vượn đen tuyền là loài linh trưởng quý hiếm, được liệt vào danh sách 25 loài linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trên thế giới giai đoạn 2008-2012. Tổ chức FFI Việt Nam là tổ chức đầu tiên và duy nhất đến thời điểm hiện tại hỗ trợ Khu BTTN Mường La thực hiện bảo tồn loài Vượn đen tuyền.
Từ khi phát hiện đàn vượn đầu tiên tại huyện Mường La, tổ chức FFI đã cử các chuyên gia phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Hạt Kiểm Lâm huyện Mường La, chính quyền địa phương điều tra, đánh giá và bảo vệ loài vượn này. Hỗ trợ kinh phí thành lập tổ bảo vệ rừng cộng đồng với trên 10 người, hàng tháng tuần rừng thực hiện theo dõi giám sát, ghi nhận tập tính, số lượng loài, tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn về bảo vệ vượn đen tuyền, hỗ trợ các trang thiết bị, vật phẩm thiết yếu cho tuần rừng... Tính đến thời điểm hiện tại, số lượng cá thể Vượn đen tuyền tại Khu BTTN Mường La được duy trì và có chiều hướng phát triển.
Ông Lê Tuấn Anh, Giám đốc Ban quản lý Khu BTTN Mường La cho biết: Khu BTTN Mường La được thành lập từ năm 2016 trên địa phận 3 xã Hua Trai, Nậm Păm, Ngọc Chiến của huyện Mường La. Qua điều tra, khảo sát, Khu bảo tồn có trên 1.015 loài thực vật, trên 323 loài động vật, nhiều loài nằm trong sách đỏ được ưu tiên bảo vệ. Đặc biệt là loài Vượn đen tuyền, loài đặc hữu của Việt Nam hiện chỉ còn 70 cá thể và trên 30 cá thể tại Khu BTTN Mường La.
Từ khi thành lập đến nay, Ban quản lý Khu bảo tồn đã thực hiện một số hoạt động nhằm phục hồi, bảo vệ nguyên vẹn nguồn đa dạng sinh học, cải thiện sinh kế và nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, như: Phối hợp với chính quyền địa phương, cộng đồng bản tổ chức các đợt tuần tra rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, tuyên truyền các quy định về lĩnh vực lâm nghiệp, đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường. Thực hiện khoán ổn định bảo vệ rừng hiện còn 13.800ha rừng cho 20 bản, nhóm hộ của 3 xã với tổng kinh phí hỗ trợ bảo vệ rừng từ chi trả dịch vụ môi trường rừng khoảng 10 tỷ đồng/năm. Hỗ trợ khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên 1.000ha cho 15 cộng đồng bản với kinh phí hỗ trợ trên 1 tỷ đồng/năm; tổ chức trồng rừng mới tại 7 bản với tổng diện tích trên 500ha; hỗ trợ 43 bản vùng đệm của 5 xã bằng việc cấp cây giống ăn quả, vật nuôi với tổng kinh phí 1,72 tỷ đồng/năm…
Được biết, BTC chương trình dự kiến sẽ đưa Ngày hội thành sự kiện thường niên hàng năm tổ chức luân phiên tại 3 xã thuộc Khu bảo tồn. Qua đó, nhằm nâng tầm giá trị của Khu BTTN Mường La, điểm nhấn là việc bảo vệ bền vững các loài động thực vật rừng hoang dã, đặc biệt là loài Vượn đen tuyền, trên cơ sở gắn kết các sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh của xã Ngọc Chiến, Nậm Păm và Hua Trai.
“Những giải thưởng trong các giải đấu, cuộc thi trong chương trình ngày hội Vượn đen tuyền năm nay không lớn nhưng có ý nghĩa vô cùng quan trọng, thể hiện được tinh thần đoàn kết, niềm đam mê, tình hữu nghị của người dân địa phương; sự đồng lòng, chung sức của Ban quản lý Khu BTTN Mường La, chính quyền xã Ngọc Chiến, Tổ chức FFI Việt Nam trong việc tổ chức Ngày hội.
Qua các hoạt động, góp phần lan tỏa, khơi dậy tình yêu rừng, yêu động vật hoang dã, yêu thiên nhiên, bảo vệ môi trường, lên án các hành động khai thác lâm sản, săn bắn, buôn bán động vật hoang dã trong mỗi cán bộ, người dân các xã thuộc Khu bảo tồn và huyện Mường La. Hướng tới đẩy lùi tình trạng khai thác, chế biến, buôn bán lâm sản; săn bắn động vật hoang dã, buôn bán, chế biến và sử dụng thực phẩm là sản phẩm của động vật hoang dã. Quảng bá, xây dựng hình ảnh Khu BTTN Mường La thành Khu rừng đặc dụng có giá trị đa dạng sinh học cao, điểm đến hấp dẫn, môi trường nghiên cứu khoa học gắn kết với chuỗi du lịch cộng đồng, tâm linh của xã Ngọc Chiến – Miền quê cổ tích - điểm dừng chân hấp dẫn không thể quên” – Giám đốc Ban quản lý Khu BTTN Mường La Lê Tuấn Anh nhắn gửi.