Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, từ năm 2013 đến nay, dự án đã phát hành thành công tổng số hơn 2,3 triệu tín chỉ, trở thành dự án có số lượng tín chỉ các bon theo cơ chế tự nguyện lớn nhất thế giới về giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực khí sinh học.
Chương trình khí sinh học cho ngành chăn nuôi Việt Nam đã và đang triển khai qua 3 giai đoạn (năm 2003 – 2006; 2007 – 2016 và 2016 – 2020). Mục tiêu tổng thể nhằm phát triển ngành khí sinh học định hướng thị trường và giảm phát thải khí nhà kính từ việc sản xuất chăn nuôi, thông qua hỗ trợ xây dựng các công trình khí sinh học tại nông hộ.
Qua 16 năm triển khai, Chương trình đã xây dựng và lắp đặt hơn 170.000 công trình ở 55 tỉnh/thành trên cả nước, giúp cải thiện đáng kể công tác quản lý chăn nuôi, chất thải chăn nuôi và cung cấp nguồn năng lượng sạch cho người dân.
HIện nay, doanh thu từ bán tín chỉ các bon đã đóng góp hơn 50% tổng kinh phí thực hiện chương trình trong bối cảnh nguồn vốn viện trợ ODA giảm dần và nguồn đối ứng của Chính phủ Việt Nam còn hạn chế.
Theo ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi kiêm Giám đốc Dự án, Chương trình KSH Việt Nam đã đăng ký thành công với Tổ chức chứng nhận quốc tế Gold Standard (Tiêu chuẩn Vàng) kỳ phát hành đầu tiên vào năm 2013. Đến năm 2016, dự án tiếp tục phát hành lần 2 với tổng số hơn 1,2 triệu tín chỉ Các bon và thu về 2,5 triệu USD.
Trong giai đoạn 3 (năm 2016 – 2020), Chương trình đã đệ trình lên Tổ chức chứng nhận quốc tế Gold Standard thẩm định, chứng nhận phát hành thương mại thêm 1.072.197 tín chỉ các bon.
Đây sẽ là nguồn lực đáng kể để tái đầu tư, phát triển Chương trình trong thời gian tới để đạt được mục tiêu xây dựng 500.000 hầm KSH đến năm 2020, góp phần giảm thải 1,46 triệu tấn CO2 mỗi năm. Hoạt động này cũng cụ thể hóa nỗ lực của ngành nông nghiệp trong nỗ lực chung thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) về ứng phó biến đổi khí hậu.
Đánh giá cao về các thành quả mà chương trình đạt được, đại diện Đại sứ quán Hà Lan cho rằng, Chương trình đã tạo điểm nhấn trong xây dựng quan hệ đối tác giữa các quốc gia, giữa trung ương và địa phương, giữa doanh nghiệp và các tổ chức xã hội dân sự. Yếu tố quan trọng nhất tạo nên thành công này là Chương trình đã hướng tới nâng cao năng lực quản trị, đẩy mạnh hợp tác, học hỏi, cải thiện chất lượng công trình và đổi mới cách tiếp cận tài chính.
Đại diện quỹ tài trợ dự án Endev/GIZ, ông Christoph Mesingger khẳng định, Quỹ Endev sẽ tiếp tục tài trợ cho dự án đến hết năm 2020 nhằm thúc đẩy khối tư nhân đóng góp vào các mục tiêu về BĐKH nhiều hơn nữa.
"Việt Nam cùng với các quốc gia tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu đã đệ trình “Báo cáo đóng góp dự kiến cho quốc gia tự quyết định” tại COP 21 tại Paris, Pháp năm 2015. Theo đó, Việt Nam cam kết giảm phát thải khí nhà kính 8% vào năm 2030 so với kịch bản phát triển thông thường. Mục tiêu có thể đạt trên 25% nếu có hỗ trợ quốc tế về tài chính và công nghệ, năng lực. Hướng đến phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính là một trong những nhiệm vụ ưu tiên của Bộ NN&PTNT”, Thứ trưởng Vũ Văn Tám khẳng định.