Nâng cao nhận thức cộng đồng, chủ động phòng tránh sạt lở đất, đá

Đình Tiệp (thực hiện)| 05/10/2021 11:19

(TN&MT) - Khu vực Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế) là những tỉnh chịu tác động trực tiếp và gián tiếp nhiều loại thiên tai. Đặc biệt, hiện tượng sạt lở đất, đá đã và đang gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Phóng viên Báo TN&MT có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Tiến, Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn (KTTV) Bắc Trung Bộ (Tổng cục KTTV - Bộ TN&MT) về vấn đề này.

Ông Nguyễn Xuân Tiến - Phó Giám đốc Đài KTTV Bắc Trung Bộ

PV: Xin ông cho biết đôi nét về thực trạng và nguyên nhân sạt lở đất, đá ở khu vực miền núi các tỉnh Bắc Trung Bộ?

Ông Nguyễn Xuân Tiến:

Khu vực Bắc Trung Bộ có nhiều núi cao, địa hình bị chia cắt mạnh tạo thành hệ thống sông suối có độ dốc rất lớn. Hàng năm, khu vực này chịu tác động trực tiếp và gián tiếp của nhiều loại thiên tai, đặc biệt như bão, ATNĐ, lũ, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất... Thiên tai đã và đang gây nhiều thiệt hại về người và tài sản. Với đặc điểm địa hình dốc, mưa rất lớn và tập trung trong thời gian ngắn kết hợp với độ che phủ của thảm thực vật thấp do bị tàn phá mạnh tạo điều kiện hình thành nhiều đợt lũ quét, sạt lở đất. Sự xuất hiện của lũ quét thường chỉ trong vài giờ sau khi có mưa với cường độ rất lớn. Những vùng có các hoạt động mạnh về xây dựng công trình giao thông, thủy lợi, thủy điện,… làm phá vỡ sự cân bằng của mặt đệm sẽ gia tăng lũ quét và sạt lở đất.

Năm 2002, trên sông Ngàn Phố (Hà Tĩnh) đã xảy ra trận lũ quét lịch sử làm 77 người chết, hàng trăm người bị thương, 70.694 nhà bị sập, cuốn trôi hoặc hư hỏng nặng; Năm 2007, trận lũ quét tại Nậm Giải, Quế Phong (Nghệ An) đã cướp đi sinh mạng 17 người dân ở hai bản Pục và bản Méo cùng hàng trăm ngôi nhà, trường học bị cuốn trôi; Năm 2019, tại Quan Sơn (Thanh Hóa), trận lũ quét đã làm 16 người chết và mất tích (trong đó huyện Quan Sơn có 13 người, huyện Mường Lát: 3 người); ước tính thiệt hại khoảng 914 tỷ đồng. Theo thống kê trong 5 năm qua, có khoảng gần 12 đợt lũ quét và sạt lở đất xảy ra. Đặc biệt là các đợt sạt lở đất đá ở các tỉnh miền Trung năm 2020 đã gây ra thiệt hại rất nặng nề…

Thực tế cho thấy, những năm gần đây, khu vực Bắc Trung Bộ có nhiều vùng dễ xảy ra lũ quét, sạt lở đất như: Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa (Thanh Hóa); Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Kỳ Sơn, Tương Dương (Nghệ An); Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang (Hà Tĩnh), trong đó, Mường Lát là vùng dễ xảy ra lũ quét, sạt lở đất nhất.

Cảnh báo lũ quét, sạt lở đất được thực hiện với 2 hình thức: Cảnh báo từ xa trong các bản tin cảnh báo, dự báo mưa lớn. Loại cảnh báo này được đưa ra khi nhận định trong thời gian tới có khả năng cao xảy ra mưa lớn trên khu vực để cộng đồng chuẩn bị phòng ngừa trước. Cảnh báo dựa trên sự theo dõi thường trực lượng mưa trên khu vực thông qua ảnh mây vệ tinh, ra đa thời tiết Vinh, trạm đo mưa tự động và hệ thống các trạm KTTV cơ bản...

Sạt lở đất đá tại QL 15, xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát, Thanh Hóa

PV: Như ta đã biết, mưa lũ là tác nhân lớn gây ra hiện tượng sạt lở đất, đá. Vậy, dự báo tình hình mưa lũ những tháng còn lại trong năm 2021 ở khu vực Bắc Trung Bộ sẽ diễn ra như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Xuân Tiến:

Dự báo nhiệt độ mặt nước biển tại khu vực trung tâm Thái Bình Dương (khu vực NINO3.4) có xu hướng giảm thêm và có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina từ khoảng tháng 10/2021 và duy trì cường độ yếu cho đến hết năm 2021 với xác suất khoảng 70%, sang đến đầu năm 2022 nhiệt độ mặt nước biển có xu hướng tăng dần nhưng vẫn thấp hơn TBNN và trong trạng thái pha lạnh.

Cho nên, từ nay đến hết năm 2021 còn khoảng 6 - 8 cơn bão và ATNĐ hoạt động trên Biển Đông, trong đó có khoảng 1 - 2 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền khu vực. Có khả năng xảy ra mưa dồn dập trong tháng 10 và nửa đầu tháng 11 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ. Khi mưa lớn liên tiếp xảy ra sẽ làm tăng khả năng trượt lở của đất đá trong thời gian này.

Hiện nay, các bản tin cảnh báo của Đài KTTV khu vực Bắc Trung Bộ đã được gửi tới các địa chỉ theo Quy định, Đài đã gửi tới các Trạm KTTV, UBND các huyện trên khu vực; Đài cũng đã thường xuyên cập nhật trên Cổng Thông tin điện tử của Đài theo địa chỉ (http://dkvbtb.gov.vn/).

PV: Công nghệ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất cho vùng núi của ta hiện nay ra sao? Theo ông, giải pháp nào để các tỉnh Bắc Trung Bộ ứng phó hiệu quả với sự cố sạt lở đất, đá ở các huyện miền núi?

Ông Nguyễn Xuân Tiến:          

Hiện, Đài KTTV khu vực Bắc Trung Bộ đã nhận được chuyển giao Bản đồ nguy cơ lũ quét, sạt lở đất từ Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Viện Khoa học KTTV và sản phẩm mô hình dự báo thời tiết số trị của Trung tâm dự báo KTTV quốc gia, về việc đồng hóa số liệu địa phương cho mô hình khu vực phân giải cao cho phép nâng cao chất lượng dự báo mưa lớn, mưa cực trị, qua đó nâng cao được năng lực cảnh báo ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất. 

Để ứng phó hiệu quả hơn với sự cố sạt lở đất, đá ở các huyện miền núi Bắc Trung Bộ, trước hết cần chi tiết hóa Bản đồ nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Qua đó, quy hoạch các vùng dân cư an toàn, di dời dân ra khỏi vùng có nguy cơ mất an toàn. Nâng cao chất lượng dự báo mưa số trị, xác định nhanh các vị trí có thể xảy ra lũ quét, sạt lở trước 3 - 6 giờ. Nâng cao nhận thức cộng đồng về thiên tai để người dân chủ động phòng tránh.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

 

Ông Phan Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Lộc Tiến, Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế)

Cần có chính sách hỗ trợ và phương án di dời

Khu vực đèo Phú Gia thuộc xã nhiều năm nay luôn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đất với vết nứt gãy lộ rõ trên chiều dài khoảng 200m, bề ngang khoảng 1,5m, xuất hiện từ năm 2008. Nguyên do trước đó đơn vị khai thác đất, đá đã đào làm hỏng chân núi. Hiện có 14 hộ với 65 nhân khẩu tại thôn Phú Gia bị ảnh hưởng bởi sạt lở.

Nhiều năm qua, mỗi lần có bão hay mưa kéo dài, tổ công tác (chủ yếu là Công an xã) sẽ thông báo và yêu cầu các hộ dân di dời khẩn cấp. Trường hợp nào không đi, UBND xã buộc phải cưỡng chế nhân đạo với phương châm bảo đảm tính mạng trước rồi mới bảo vệ tài sản. Trong những tháng cuối năm 2020, chính quyền địa phương đã 4 lần phát “lệnh” di dời khẩn cấp...

Qua nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, người dân và địa phương cũng đã đề xuất chính sách hỗ trợ và có phương án di dời nhằm đảm bảo an toàn cho các hộ dân. Theo đó, sẽ hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ dân để tái định cư tại xã. Vừa qua, địa phương cũng đề xuất huyện hỗ trợ đền bù tài sản trên đất (nhà cửa, công tình hạ tầng) cho các hộ dân di dời...

 

Ông Lương Phi Thanh, Chủ tịch UBND xã Tam Hợp, Tương Dương (Nghệ An)

Mong muốn sớm di dời người dân đến nơi ở mới

Đó cũng là mong muốn của đông đảo người dân ở xã biên giới này trước tình trạng sạt lở và nguy cơ sạt lở đất, đá trên địa bàn đang đe dọa đến sự an nguy của hơn 70 nhân khẩu tại bản Xốp Nặm. Sau đợt mưa lũ năm 2018, núi Khe Tương, bản Xốp Nặm, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu bất thường, đất ở chân núi trở nên mềm nhão, phía trên cao, hàng chục tảng đá bị xói chân có thể lăn xuống bất cứ lúc nào.

Bản Xốp Nặm trải dài theo sườn núi Khe Tương có độ dốc rất lớn, tình trạng sạt lở đất đá đang đe dọa đến sự an nguy của 19 hộ với 73 nhân khẩu và 1 điểm trường mầm non. Qua kiểm tra cho thấy, khu vực phía trên núi Khe Tương có rất nhiều hòn đá “mồ côi” có kích thước lớn, qua thời gian mưa gió xói mòn khiến nguy cơ đá lăn rất cao.

Hiện, xã đang chờ cấp trên sớm có phương án để di dời các hộ dân đến nơi ở mới. Trong khi chờ đợi, chính quyền đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân khi có mưa bão kéo dài phải di chuyển ngay đến nơi an toàn. Riêng điểm Trường Mầm non bản Xốp Nặm, chính quyền địa phương đã thống nhất di dời toàn bộ cơ sở vật chất đến điểm trường khác để các em kịp thời đón năm học mới.

 

Ông Lò Văn Piên, Trưởng bản Ngàm, xã Tam Thanh, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa)

Có nhà mới sẽ ổn định cuộc sống

Gia đình tôi sinh sống từ đời ông cha ở đây. Trước đây cuộc sống của bà con tương đối ổn định. Nhưng từ năm 2017 tới nay, tình hình mưa lũ, sạt lở đất có nhiều diễn biến bất thường khó lường trước cộng với những biến đổi về địa chất; người dân sống trong khu Co Hương, bản Ngàm rất lo sợ, nhất là mỗi khi mưa lớn, lũ về.

Khu Co Hương nơi người dân ở một bên là vách núi, một bên là suối Khà nên nguy cơ sạt lở cũng như lũ quét, lũ ống rất cao. Như hộ gia đình anh Lò Văn Kính chỉ sống cách suối Khà chừng 20m rất nguy hiểm. Năm 2018, khoảng 12 giờ đêm, nước lũ bất ngờ dâng cao tràn vào gầm nhà sàn, rất may gia đình anh Kính đã sớm di dời nên không có thiệt hại về người.

Nguyện vọng của tôi cũng như 19 hộ gia đình với 99 nhân khẩu ở khu Co Hương mong muốn Nhà nước sớm thực hiện di dời tới khu vực an toàn để người dân ổn định cuộc sống, cũng như không phải lo sợ mỗi khi mùa mưa lũ tới. Qua khảo sát, lấy ý kiến, 100% người dân đã đồng ý di dời tới nơi ở mới.

Nhóm Phóng viên (lược ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao nhận thức cộng đồng, chủ động phòng tránh sạt lở đất, đá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO