Dự án nhằm nâng cao năng lực quan trắc và phân tích môi trường tại khu vực phía Nam – vốn là vùng kinh tế trọng điểm của cả nước đồng thời cũng tập trung nhiều nguồn phát thải, nhạy cảm với ô nhiễm môi trường.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân chủ trì hội thảo |
Tham dự hội thảo có đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Quốc phòng, UBND TP Hồ Chí Minh; đại diện các đơn vị thuộc Bộ TN&MT; các chuyên gia, nhà khoa học uy tín trong lĩnh vực môi trường cùng một số nhà cung cấp thiết bị quan trắc, phân tích và kiểm định hiệu chuẩn thiết bị môi trường.
Chú trọng quan trắc ô nhiễm không khí tầm cao
Theo ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, dự án “Xây dựng Trạm quan trắc môi trường cùng Đông Nam Bộ” đặt mục tiêu đầu tư cơ sở hạ tầng và trang thiết bị đồng bộ, hiện đại. Từ đó, đáp ứng vai trò của Trạm vùng trong nghiên cứu, điều tra, đánh giá, kết nối và chia sẻ dữ liệu về hiện trạng và diễn biến chất lượng môi trường.
Ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường phát biểu tại cuộc họp |
Cụ thể, dự án sẽ xây dựng trạm quan trắc môi trường tầm cao, sử dụng công nghệ quan trắc môi trường không khí trên diễn rộng, góp phần dự báo, cảnh báo chất ô nhiễm môi trường không khí. Đồng thời, nâng cao năng lực quan trắc môi trường vùng Đông Nam Bộ nói riêng và khu vực phía Nam nói chung về: quan trắc hiện trường; quan trắc chuyên sâu ô nhiễm không khí; quan trắc phòng thí nghiệm (dioxin/furan); kiểm định, hiệu chuẩn thiết bị quan trắc; tiếp nhận, quản lý dữ liệu quan trắc môi trường.
Thời gian triển khai dự án từ năm 2020 – 2023. Trạm sẽ được đặt tại Quận 2, TP Hồ Chí Minh, trước mắt là một bộ phận thuộc Trung tâm quan trắc môi trường miền Nam.
Theo ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành quan trắc môi trường phía Nam (Tổng cục Môi trường), Trạm quan trắc môi trường vùng Đông Nam Bộ xác định mục tiêu nghiên cứu chuyên sâu ô nhiễm không khí chính là hàm lượng bụi lơ lửng trong khí quyển, đặc biệt là bụi tồn tại ở độ cao vài km so với mặt đất. Hiện nay, công nghệ quan trắc bụi phổ biến chỉ mới quan trắc được trong bán kính 1 – 1,5 km.
Tổng cục Môi trường đề xuất lựa chọn đầu tư công nghệ quan trắc không khí tầm cao LiDAR nhằm phục vụ nghiên cứu chuyên sâu, tiến tới công bố dữ liệu, cảnh báo ô nhiễm môi trường không khí. Đây là thiết bị có độ chính xác cao, có thể quan trắc ở khoảng cách lên tới 15 km. Hệ thống không quá phức tạp nhưng vẫn đầy đủ tính năng đáp ứng yêu cầu đặt ra, như: khả năng xử lý dữ liệu nhanh; khả năng hoàn toàn quan trắc tự động tăng cường khi phát hiện ô nhiễm gia tăng; có thể mở rộng kết nối với các hệ thống tương tự trong tương lai…
Đại diện Bộ Quốc phòng góp ý tại hội thảo |
Bên cạnh đó, dự án cũng đáp ứng nhu cầu cấp thiết về trang thị thiết bị, thiết lập quy trình hệ thống phân tích, thí nghiệm dioxin/furan nhằm phục vụ quan trắc phát hiện chất độc hại trong môi trường. Bên cạnh nguồn gốc còn sót lại từ chiến tranh, ngày nay, dioxin/furan và các hợp chất liên quan đang được tìm thấy từ các hoạt động xử lý rác thải, sản xuất xi măng, luyện kim, sản xuất giấy, nhiệt điện, chất thải rắn công nghiệp và chất thải nguy hại…
Đầu tư xây dựng hiệu quả và tiết kiệm
Tại hội thảo, các đại biểu đã tham luận, góp ý về mô hình tổ chức trạm và định hướng hoạt động, phương án thiết kế xây dựng công trình và các phương án công nghệ được lựa chọn. Phần lớn ý kiến cho rằng, nếu Trung tâm đi vào hoạt động sẽ hỗ trợ lớn cho việc quan trắc, nghiên cứu và hiệu chỉnh số liệu, dữ liệu môi trường, hỗ trợ mô phỏng, dự báo các vấn đề ô nhiễm môi trường liên vùng.
Theo đại diện Tổng cục Khí tượng thủy văn, viêc dự báo ô nhiễm cần tính đến yếu tố khí tượng để xác định rõ hơn về phạm vi ảnh hưởng. Bên cạnh đó, cần làm rõ hơn vai trò của trạm và sự phối hợp với các trạm quan trắc của chi cục môi trường của từng địa phương trong vùng Đông Nam Bộ. Nhiều ý kiến cho rằng, cần chuẩn bị nhân sự chất lượng cao để có thể vận hành, bảo dưỡng hệ thống, đảm bảo khai thác hết công suất trang thiết bị khi đưa vào vận hành.
Theo ông Nguyễn Bảo Trung, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu TN&MT, Bộ TN&MT đang triển khai đề án Chính phủ về xây dựng cơ sở dữ liệu quan trắc quốc gia về TN&MT, cùng với Trung tâm dữ liệu vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Bởi vậy, dự án cần có sự kết nối với các hệ thống cơ sở dữ liệu chung của ngành nhằm phục vụ công tác hoạch định chính sách.
Trong thiết kế xây dựng có tháp quan sát và giám sát môi trường (quan trắc ô nhiễm không khí tầm cao, tích hợp GIS, viễn thám và giám sát môi trường) cao 50m. Theo đại diện Bộ Quốc phòng, với công trình này, chủ đầu tư cần có văn bản xin ý kiến Bộ Quốc phòng. Bên cạnh đó, công nghệ LiDAR sử dụng nguồn phát tia Laser nên cũng cần có báo cáo đánh giá tác động để khẳng định bảo đảm an toàn bay đối với hoạt động của sân bay Tân Sơn Nhất, và sắp tới là sân bay Long Thành. Ngoài ra, cần tính đến quy hoạch xung quanh khu vực xây dựng trạm, trong tương lai có thể tạo ra vật chắn với công tác quan trắc của Trạm.
Quang cảnh hội thảo |
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân khẳng định, đây là dự án có ý nghĩa lớn với nâng cao năng lực quan trắc của vùng Đông Nam Bộ nói riêng và khu vực miền Nam nói chung. Thứ trưởng đề nghị Tổng cục Môi trường tiếp thu các ý kiến, xin ý kiến Bộ Quốc phòng về các vấn đề an toàn bay và hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án vào cuối tháng 10.
Trước mắt, dự án sẽ ưu tiên thực hiện gói đầu tư xây dựng trụ sở Trạm. Thứ trưởng cũng yêu cầu Tổng cục khẩn trương tiếp tục nghiên cứu và lựa chọn công nghệ đầu tư, phát huy ưu điểm và có giải pháp khắc phục tồn tại, đặc biệt là vấn đề nhân sự cần đào tạo song song với quá trình xây dựng và đầu tư công nghệ. Đồng thời, nghiên cứu bổ sung cơ sở pháp lý ứng dung công nghệ này. Ngoài phục vụ nghiên cứu, dự án phải phục vụ đa mục tiêu, góp phần cùng TP Hồ Chí Minh quan trắc và thông tin về chất lượng không khí. Thứ trưởng đề nghị Cục CNTT&DL TNMT hỗ trợ phần mềm để nhập chung cơ sở dữ liệu ngành trong thời gian tới.